Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc với Thành ủy TPHCM
Hôm nay 17/8, đoàn công tác Trung ương Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn có nhiều hoạt động quan trọng tại TPHCM.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu dâng hoa, báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 17-8-2024. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Buổi sáng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Chương trình Kỷ niệm 55 năm Công an nhân dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024); trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” cho Công an TPHCM.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy TPHCM nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay; việc quán triệt và triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, hiệu quả của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự tích cực hỗ trợ trách nhiệm cao của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, từng bước vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, quyết tâm, nêu cao vai trò trách nhiệm, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế của cả nước, đạt được một số thành tựu, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thành phố Hồ Chí Minh có độ mở kinh tế lớn, chịu tác động nhanh, mạnh của các bất ổn kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn chung từ nền kinh tế trong nước. Trong giai đoạn 2021 - 2022, kinh tế thành phố chịu cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề các mặt kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GRDP trong năm 2021 giảm sâu (-4,01%), nhưng đã có sự phục hồi với mức tăng 9,26% trong năm 2022; bình quân giai đoạn 2021 - 2022 chỉ tăng trưởng 2,41%.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm 2023, kinh tế Thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh khó khăn chung, quý I GRDP Thành phố chỉ tăng 0,7%. Trước tính hình đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 5,81%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,46%, cả năm 2024 dự ước GRDP tăng trưởng đạt 7,5% (đạt so với Kế hoạch đề ra năm 2024 là 7,5 - 8%).
Đánh giá về tăng trưởng GRDP nhiệm kỳ 2021 - 2025 chia thành 02 giai đoạn: (1) Năm 2021, bị ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, GRDP giảm sâu (-4,01%); (2) Giai đoạn 2022 - 2025 (giai đoạn phục hồi và phát triển), dự ước tăng trưởng GRDP (2022 đạt 9,26%; 2023 đạt 5,81%; ước 2024 đạt 7,5% - 8%; ước 2025 đạt 8,5%) bình quân của Thành phố (khoảng 7,9%) gần đạt kế hoạch (8%).
Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng lên nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và áp dụng các công cụ quản trị chất lượng. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển đúng định hướng; trong đó, thương mại điện tử phát triển nhanh, các thị trường được mở rộng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn thời điểm trước dịch.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỷ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Hạ tầng logistis và ngành vận tải, kho bãi tăng trưởng khá. Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng khách và doanh thu. Dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh gắn với chuyển đổi số. Lĩnh vực công nghiệp phát triển với hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao. Ngành nông nghiệp phát triển theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, tập trung chủ yếu vào công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả: 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển và ven biển được quan tâm đầu tư phát triển khá đồng bộ, nhất là du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản.
Thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường vốn giữ vai trò là trung tâm tài chính, tiền tệ của cả nước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng trưởng với tốc độ bình quân gấp 1,4 lần so với giai đoạn trước, tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển ổn định. Thị trường khoa học và công nghệ tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Thị trường lao động tiếp tục phát triển, công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Nguồn lực đất đai được phát huy, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình duy trì được tỷ lệ khoảng 22,6% so với tổng GRDP Thành phố; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước. Nguồn kiều hối ước đạt 23,16 tỷ USD, tăng 55,43% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, năm sau cao hơn năm trước, tính đến tháng 6/2024 ước đạt hơn 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ giai đoạn trước, với tốc độ tăng thu bình quân 26,4%.
TP.HCM từng bước hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Kinh tế tập thể không ngừng củng cố, phát triển, các hợp tác xã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường. Doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nói chung, doanh nghiệp nước ngoài nói riêng tuy có thời điểm khó khăn nhưng cơ bản phát triển ổn định.
Mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn phát triển ngày càng rộng khắp. Các hoạt động hợp tác, liên kết vùng được tập trung, chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực với nhiều địa phương trên cả nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển du lịch, giao thông kết nối, hợp tác và hỗ trợ y tế, giáo dục, góp phần huy động nguồn lực và mở rộng không gian phát triển của Thành phố.