Thủ tướng: Việc chống dịch lần này ở TP.HCM chưa có tiền lệ
Sau khi đồng ý cho áp dụng Chỉ thị 16, Thủ tướng giao TP.HCM và Bộ Y tế phối hợp các đơn vị xây dựng kịch bản đến 50.000 ca nhiễm để bố trí đủ nguồn lực.
Sáng 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, sau khi thành phố đề xuất và Thủ tướng đồng ý áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là quyết định khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại nhiều lần.
Các bộ trưởng quyết luôn theo thẩm quyền, không xin ý kiến nhiều
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của TP.HCM, song ông cũng đề nghị TP thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công Chỉ thị 16.
Về mục tiêu, các ý kiến đều thống nhất với quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận; chăm lo, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân là trên hết, trước hết; dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và nhu cầu tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn cuộc sống của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP.HCM phải ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch để đưa thành phố trở lại bình thường. Ảnh: VGP.
Thủ tướng yêu cầu truyền tải mạnh mẽ tinh thần của cuộc họp tới toàn dân, toàn hệ thống chính trị, với yêu cầu suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, có trọng tâm trọng điểm.
Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép, song lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh lúc này, TP.HCM phải ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch để đưa thành phố trở lại bình thường.
“Những nơi an toàn, điều kiện cho phép phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không cực đoan cũng không chủ quan, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được”, Thủ tướng quán triệt.
Theo ông, TP.HCM phải bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh để thực hiện bằng được mục tiêu, giải pháp đã đề ra, nhưng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình cụ thể.
Việc chống dịch lần này ở TP.HCM là chưa có tiền lệ, vì thế, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần phải bám sát tình hình thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chỉ thị 16, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau, tránh bỏ sót nhiệm vụ.
Chính phủ tiếp tục phân công Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh hàng ngày với TP.HCM và yêu cầu các bộ trưởng dành thời gian, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao.
Ông yêu cầu các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế phải ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của TP.HCM, các bộ trưởng quyết định ngay theo thẩm quyền được giao, không xin ý kiến nhiều.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP.HCM và các địa phương trong khu vực; tổ chức tiêm nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Để có đối sách ứng phó phù hợp, kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng yêu cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về biến chủng mới của virus...
“Đã giãn cách phải giãn cách thật nghiêm”
Áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, Thủ tướng lưu ý việc đặc biệt quan tâm tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn. Việc này phải được triển khai hết sức linh hoạt để không ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu tối thiểu.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM cần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn ở các cấp, các ngành theo tinh thần “đã giãn cách phải giãn cách thật nghiêm”.
Với các ổ dịch lớn, phải có biện pháp khoanh vùng thật nhanh, thật gọn, giải quyết dứt điểm, nghiên cứu cách làm mới trên cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm an toàn cho người dân. Song song với đó, đẩy mạnh công tác vận động, khuyến cáo người dân tích cực thực hiện đúng các giải pháp phòng chống dịch; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Chỉ thị 16 hạn chế di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, vì thế, người đứng đầu giao Bộ trưởng GTVT chủ trì, phối hợp với TP.HCM để phân luồng, phân tuyến căn cứ vào tình hình dịch tễ từng khu vực, bảo đảm giãn cách xã hội nhưng không gây ách tắc giao thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM sáng 8/7. Ảnh: VGP.
Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Y tế là cần chuẩn bị cho phương án cao hơn, có thể đến 50.000 ca mắc; đồng thời lưu ý bệnh viện là pháo đài chống dịch, không để lây lan dịch bệnh từ bệnh viện.
“TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản đến 50.000 ca nhiễm để bố trí đủ nguồn lực. Chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vận động người dân hợp tác, hưởng ứng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với việc còn ách tắc trong khâu thẩm định, đánh giá trang thiết bị y tế nhập khẩu phục vụ chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải tháo gỡ ngay, xem lại toàn bộ quy trình công nhận trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”.
Coi trọng vai trò truyền thông trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng nhấn mạnh vào thời điểm này, đây là một lực lượng tuyến đầu, phải được ưu tiên trong tác nghiệp để phản ánh đúng tình hình, thông tin khách quan, trung thực, thuyết phục. TP.HCM cần nghiên cứu tổ chức họp báo hàng ngày để thông tin kịp thời, chính xác, đúng định hướng đến người dân.
Không để xáo trộn đời sống người dân
Việc chi viện, hỗ trợ cho TP.HCM cũng phải tập trung, thống nhất. Thủ tướng đề nghị TP.HCM cử một cán bộ làm đầu mối chỉ đạo để điều phối công tác này.
“Khi nào cần hỗ trợ, cần cái gì, bao nhiêu phải rất rõ ràng”, ông yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, bám sát tình hình, không gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân do thiếu các nhu yếu phẩm.
Ngoài mục tiêu chống dịch, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích nhà máy cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình cách ly tại nhà, trên tinh thần tự nguyện; thiết lập đường dây nóng để người dân gọi khi cần thiết.
Nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP.HCM”, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc. Nếu vượt quá quy định thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Các cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống mang về, đại lý và bán vé số dạo tại TP.HCM đều phải dừng từ 0h ngày 9/7.