Tạo đà để du lịch Bắc Trung Bộ bứt phá
Sau một thời gian dài bị tác động bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có bước tạo đà bứt phá mạnh mẽ. Những tín hiệu lạc quan thời gian qua cho thấy chủ trương và các giải pháp kích cầu, tăng tốc hoạt động du lịch của các cấp, ngành là đúng đắn và cần tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Du khách trải nghiệm du lịch trên sông ở miền tây Nghệ An. (Ảnh UMOVE)
Ðón đầu nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá của du khách trong nước và nước ngoài, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã tích cực nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng, cũng như các địa danh du lịch mới với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực phong phú có sức thu hút mạnh mẽ.
TÍN HIỆU LẠC QUAN
Khác với khung cảnh đìu hiu, tĩnh lặng ở các bãi biển trong hai năm qua, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các khu du lịch ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đón hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Giám đốc khách sạn Thiên Ý ở bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) Thân Thị Nghị cho biết: “Mặc dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi kỳ nghỉ lễ năm nay lượng khách về Thiên Cầm lại đông như thế. Năm 2020 và những năm về trước, số lượng khách đặt phòng trong dịp này chỉ đạt từ 30-35% thì năm nay, chúng tôi phải từ chối nhiều đoàn khách do hết phòng”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh Lê Trần Sáng, trong tổng số 96.700 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm đến của Hà Tĩnh dịp này có 14.000 lượt khách lưu trú, trong đó có 348 lượt khách quốc tế. Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh đạt 69%, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trước đó và tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh các điểm, khu du lịch nổi tiếng như Thiên Cầm, Xuân Thành..., kỳ nghỉ lễ vừa qua rất nhiều du khách đã đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch văn hóa lịch sử, cách mạng, du lịch tâm linh, sinh thái như Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc, các khu du lịch: chùa Hương Tích, Hải Thượng Lãn Ông, Sơn Kim... Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Nghệ An, dịp nghỉ lễ vừa qua, địa phương này đã đón và phục vụ khoảng 862 nghìn lượt khách, trong đó có 405 nghìn khách lưu trú, doanh thu du lịch ước đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng bốn tháng đầu năm 2022, Nghệ An đã đón khoảng 1.570.000 lượt du khách, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2021, và đạt gần 44% kế hoạch năm 2022; trong đó có hơn một triệu khách lưu trú, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt 2.300 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.611 tỷ đồng...
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi cho biết: Trong tháng 3 năm 2022, Sở Du lịch đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phục hồi nguồn nhân lực du lịch Nghệ An trong điều kiện bình thường mới. Trên cơ sở đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch rà soát lại hiện trạng nguồn nhân lực; tiến hành tuyển dụng bổ sung lao động, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp và cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch sẵn sàng phục vụ du khách.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An cùng các địa phương, ngành du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch; xây dựng và làm mới trọn gói các chương trình tua du lịch, các chương trình khuyến mãi, giảm giá chào bán tại các hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh với tiêu chí: “Giảm giá nhưng không giảm chất lượng hay giảm sản phẩm du lịch”.
Ðại dịch Covid-19 thay đổi cấu trúc xã hội, thói quen của người dân, tạo ra xu hướng mới là lựa chọn những điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn, mới lạ, tập trung vào nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên.
Vì vậy các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ở vùng thượng du Thanh Hóa đang trở thành thế mạnh. Những địa chỉ: Bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); bản Hiêu, bản Ðôn (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy)... được khách du lịch trẻ tuổi, người nước ngoài yêu thích. Năm tháng đầu năm nay có gần 4,9 triệu lượt khách đi du lịch ở Thanh Hóa, tăng 65,4% so với cùng kỳ 2021, đạt 48,7% kế hoạch (trong đó khách quốc tế ước đạt 32.250 lượt khách). Tổng thu du lịch ước đạt 7.617 tỷ đồng, tăng 72,1%, đạt 42,5% kế hoạch, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 9,2 triệu USD.
ĐỂ DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG
Ðể có hoạt động du lịch trong cả năm thì cần phải có những sản phẩm du lịch bốn mùa. Nhận thức rõ vấn đề này, ngành du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cùng với các địa phương đang đẩy mạnh mời gọi, thu hút các dự án đầu tư có đẳng cấp, tạo động lực để thay đổi về sản phẩm du lịch. Ðồng thời, tiếp tục đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư tổ hợp du lịch trọng điểm, nhằm hình thành các sản phẩm du lịch cao cấp có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh gắn với xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Bước vào mùa du lịch năm 2022, Nghệ An đã xây dựng mới và làm mới nhiều dòng sản phẩm du lịch để hút du khách. Chị Ðỗ Thị Thúy, một khách du lịch nhà ở phố Cửa Bắc, phường Quán Thánh, quận Ba Ðình, thành phố Hà Nội cho biết: Gia đình chúng tôi đặt tua đi du lịch ở Cửa Lò năm nay thật thú vị, không chỉ giá phòng rẻ, được thỏa thuê tắm biển, được thưởng thức hải sản tươi sống mà có nhiều điểm vui chơi, check-in... rất mới, đẹp. Chưa kể, lên phố đi bộ ở đường Hồ Tùng Mậu và khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh)-một điểm vui chơi mới vào các tối cuối tuần, rất lôi cuốn du khách.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các trung tâm, vùng du lịch ở các tỉnh cũng định hướng xây dựng mới, làm mới các dòng sản phẩm du lịch theo xu thế du lịch bốn mùa như: du lịch văn hóa-lịch sử tâm linh gắn với lễ hội vào mùa Xuân; du lịch nghỉ dưỡng biển vào mùa hè tại các bãi biển; du lịch sinh thái cộng đồng vào mùa thu ở khu vực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh; du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện...), các hoạt động tổng kết cuối năm gắn với giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vào mùa đông ở Sầm Sơn, Cửa Lò, Xuân Thành...
Theo dự báo của các doanh nghiệp lữ hành, xu hướng thời gian tới là đi du lịch theo nhóm nhỏ, các gia đình đi với nhau theo hướng nghỉ dưỡng, trải nghiệm không chỉ ở các khu nghỉ dưỡng biển, văn hóa, lịch sử mà còn tập trung ở các khu du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ; thưởng thức các nét đẹp văn hóa, ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở miền tây các tỉnh Bắc Trung Bộ... Ðón đầu xu thế đó, tỉnh Nghệ An tái khởi động tua “Về nguồn và khám phá vẻ đẹp xứ Nghệ”, đã thu hút du khách trong nước về với quê Bác và các điểm du lịch văn hóa-lịch sử tâm linh khác.
Ðồng thời, tỉnh công bố tua “Khám phá cung đường miền tây Nghệ An”, du khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp núi rừng, hít thở không khí trong lành, trải nghiệm các điểm du lịch ở Phà Lài-Sông Giăng-Thác Kèm (Con Cuông); điểm du lịch sinh thái rừng Săng Lẻ (Tương Dương); chinh phục đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn). Tỉnh Thanh Hóa khai thác tối đa thế mạnh các tua, tuyến khám phá tài nguyên động vật, thực vật đa dạng, hệ sinh thái ngập nước, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, những nếp nhà sàn xinh xắn tọa lạc ven sườn, chân núi…
Nhận thấy được những tiềm năng cũng như hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, các địa phương đã hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các tỉnh để hoàn thiện các tua du lịch. Mới đây, ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã ký kết và công bố tua “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” nhằm quảng bá, kêu gọi các đơn vị lữ hành trên cả nước đưa các điểm đến du lịch của ba địa phương vào chương trình tua của mình.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; chào, bán sản phẩm online, thanh toán trực tuyến, trong quản lý kinh doanh nhằm giảm tải về nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch; cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; quan tâm đào tạo, đào tạo lại lao động du lịch... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo đảm nguồn nhân lực thiếu hụt sau dịch Covid-19.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng của du xuân trẩy hội. Tết đến, xuân về ở Bắc Bộ diễn ra nhiều lễ hội đặc...