Sóc Trăng tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho việc thiếu nước sạch
Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng nhiều lần đề xuất cơ quan chức năng để xây dựng thêm một số nhà máy nước mặt và nước ngầm để bổ sung nguồn nước đang thiếu hụt.
Chiều 26/2, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Sóc Trăng để bàn phương án tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước sạch tại TP Sóc Trăng.
Theo Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đang quản lý và khai thác 24 nhà máy/trạm khai thác xử lý với tổng công suất được cấp phép là 97.770 m3 mỗi ngày đêm. Trong đó, TP Sóc Trăng có 7 nhà máy, 3 nhà máy tại thị xã, còn lại phân bổ tại các xã, thị trấn (14 nhà máy).
Công suất cấp nước vào mạng lưới của Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng khoảng 70.000 m3 mỗi ngày đêm và nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (89%) và nước mặt (11%). Doanh nghiệp hiện có 64 giếng (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch cho gần 100.000 hộ khách hàng.
Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, trình bày vấn đề thiếu nước sạch tại TP Sóc Trăng. Ảnh: Duy Khang.
Đầu năm 2024, mùa khô hạn và xâm nhập mặn đến sớm trên diện rộng nên không chỉ Sóc Trăng mà các tỉnh lân cận cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân. Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, cho biết từ ngày 8/2, nước mặn đã xâm nhập khu vực doanh nghiệp khai thác nước mặt. Độ mặn tăng dần từ 270 lên 760 mg/lít. Hiện, độ mặn dao động từ 630 – 660 mg/lít. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khai thác nước mặt chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc mặn xâm nhập.
“Không chỉ mặn xâm nhập nguồn nước mặt mà nước ngầm cũng nhiễm mặn. Các nhà máy khai thác nước ngầm tại TP Sóc Trăng phải tăng cường hoạt động các giếng tầng nông (có độ mặn tương đối cao) vượt ngưỡng cho phép rất nhiều. Có những giếng nhiễm mặn trước đây không khai thác, hiện đã khai thác trở lại để pha vào nguồn nước không nhiễm mặn”, ông Đặng Văn Ngọ chia sẻ.
Trước hiện trạng thiếu nước sạch, từ tháng 9/2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã đề xuất UBND tỉnh này về việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000 m3/ngày đêm tại khu vực cách TP Sóc Trăng khoảng 20 km.
Khu vực thuận lợi được doanh nghiệp đề xuất là đất rừng của Phân trường Phú Lợi với diện tích 110 ha. Đây là đất công đang giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Sóc Trăng quản lý, các công trình dự kiến là công trình thu nước, các hồ chứa nước sơ lắng quy mô lớn để đảm bảo trữ lượng cũng như chất lượng nước và hệ thống nhà máy xử lý nước, nhà làm việc và các công trình phụ trợ.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Duy Khang.
Đến tháng 10/2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng có văn bản gửi cơ quan chức năng để xin chủ trương khoan thêm 2 giếng tầng sâu và nâng lưu lượng khai thác từ 9.600 m3/ngày đêm lên 14.000 m3/ngày đêm tại Nhà máy nước Khu công nghiệp An Nghiệp nhằm bổ sung nguồn nước cho khu công nghiệp này.
Cũng trong tháng 10/2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng gửi văn bản đến UBND tỉnh này để xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt công suất 10.000 m3/ngày đêm tại khóm 3, phường 10 (phía sau trường bắn). Diện tích dự kiến khoảng 5 ha, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, nguồn nước thu về từ nước sông thông qua kênh 8 mét vì doanh nghiệp đã khảo sát sơ bộ và lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước nguồn.
Trong năm 2024 này, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng về việc quy hoạch 5 ha đất tại Kênh 20 tại xã Phú Tân (huyện Châu Thành) để xây dựng hồ chứa nước mặt và chấp thuận chủ trương đầu tư trạm cấp nước công suất 3.000 m3/ngày đêm tại Khu đô thị 5A, phường 4, TP Sóc Trăng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu cơ quan chức năng tuyên truyền về việc sử dụng tiết kiệm nước. Ảnh: Duy Khang.
Trong lúc chờ đợi sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền trong việc cho phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các nhà máy nước ngầm và nước mặt, sáng 26/2, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã đến Phân trường Phú Lợi để lấy nước xét nghiệm với độ mặn là 110 mg/lít. Độ mặn này đảm bảo cho việc lấy nước để sản xuất nước sạch lâu dài nên doanh nghiệp rất cần sự ủng hộ của UBND tỉnh Sóc Trăng và các sở ngành liên quan đến đề xuất quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000 m3/ngày đêm tại Phân trường Phú Lợi.
Trước gợi ý của Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp về việc hỗ trợ nguồn nước cho Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị khai thác 80% công suất được cấp phép. Một số nơi, nếu Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng có nhu cầu thì trung tâm chia sẻ nguồn nước tại khu vực xã Phú Tân, Phú Tâm, An Hiệp (huyện Châu Thành) và xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên). Những nơi khác đã vừa đủ đáp ứng nhu cầu của bà con nông thôn.
Kết thúc cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp nói rằng chuyện thiếu nước sạch không phải mới mà đã xảy ra từ những năm trước. Vì vậy, doanh nghiệp cung cấp nước sạch và các đơn vị quản lý Nhà nước có liên quan cần chủ động trong việc đề xuất sớm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, chứ không thể chờ đến lúc người dân phản ánh thiếu nước thì mới đề xuất các biện pháp.
Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng khảo sát nguồn nước từ cầu Bưng Cốc chảy vào các nhánh kênh lân cận nhưng nguồn nước ở đây khá đục. Ảnh: Duy Khang.
“Các cơ quan quản lý Nhà nước thiếu chủ động, thấy nước dơ, nước yếu thì mới nhảy vào thì không có giải pháp. Họp nãy giờ tôi chưa thấy các đồng chí đưa ra giải pháp nào để tháo gỡ cấp bách, chỉ nói chung chung. Chúng ta phải chuẩn bị trước, chuẩn bị từ bây giờ cho năm sau để giải quyết các vấn đề cấp bách về thiếu nước sạch. Việc này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rút kinh nghiệm”, ông Lâm Hoàng Nghiệp nhấn mạnh.
Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, trong cuộc sống có những việc quan trọng như điện, nước, đất, vật chất khác… Tuy nhiên, nước là rất quan trọng trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay vì thiếu nước sạch là vấn đề rất nan giải. Vì vậy, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng phải có nhận thức được rằng nước là nhu cầu rất quan trọng đối với người dân, nên phải phục vụ một cách tốt nhất.
Trước tình hình thiếu nước sạch tại TP Sóc Trăng trong giai đoạn đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cùng với UBND TP Sóc Trăng phải nắm bắt kịp thời về thực tế khó khăn về nước sạch nhằm sớm thông tin về xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước sạch để người dân thông cảm và đẩy mạnh tuyên truyền ý thức tiết kiệm nước.
Đối với Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, ông Lâm Hoàng Nghiệp yêu cầu đơn vị phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể từng ngày về nguồn nước để thông tin cho người dân trong việc chủ động trữ nước trong tại các thời điểm trong ngày sẽ đơn giản và hiệu quả nhất trong giai đoạn cấp thiết.
“Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cần tăng cường công suất khai thác nước mặt tại Kênh 20 để phục vụ người dân và nên nghiên cứu phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng về việc phối hợp kết nối với nguồn nước của đơn vị này nhằm giải quyết việc thiếu nước sạch”, ông Lâm Hoàng Nghiệp nói.
Đối với việc Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng Đặng Văn Ngọ phản ánh đang gặp khó khăn trong việc xin gia hạn giấy phép khai thác nước tại một số nơi, ông Lâm Hoàng Nghiệp chỉ đạo cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc gia hạn giấy phép khai thác nước và tiến hành bàn các giải pháp hỗ trợ Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng trong việc quy hoạch mới vị trí xây dựng nhà máy nước theo đúng quy định pháp luật.
“Về lâu dài, Sở Xây dựng phải chủ trì, đẩy mạnh việc lập đề án quy hoạch nước đô thị. Có đề án này rồi mới tính đến việc quy hoạch các nhà máy cấp nước theo đề xuất của Công ty Cấp nước Sóc Trăng. Còn công ty cũng nên tiếp thu ý kiến của các đơn vị trong việc nghiên cứu công nghệ tiên tiến để khai thác, sản xuất nước nước”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng lưu ý.