Sóc Trăng quyết tâm khởi công dự án cảng Trần Đề vào năm 2025
Tỉnh Sóc Trăng sẽ cùng các bộ, ngành kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng ý cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu tại dự án cảng Trần Đề.
Tại cuộc họp thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng vào ngày 6/1, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có nhiều ý kiến rất quan trọng. Trong đó, ông đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn và các sở, ngành để hoàn chỉnh, báo cáo lần 2.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị tư vấn đề nghị tỉnh cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu. Về vấn đề này, ông Trần Văn Lâu cho rằng Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có ý kiến thống nhất chủ trương, vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ nên thống nhất đề xuất của đơn vị tư vấn.Ông Trần Văn Lâu giao nhiệm vụ cho các sở, ngành trong việc thực hiện báo cáo tiền khả thi Dự án cảng biển Trần Đề. Ảnh: Duy Khang.
Theo ông Trần Văn Lâu, nếu làm đủ quy trình đấu thầu để chọn nhà đầu tư thì mất rất nhiều thời gian nhưng rủi ro không cao, tương đối an toàn. Nếu đề xuất chấp thuận cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu thì rút ngắn được thời gian, hiệu quả mang lại rất nhiều trong phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Sóc Trăng nhưng yếu tố rủi ro khá cao.
“Tuy nhiên, vì mục tiêu chung phải chấp nhận rủi ro. Để ĐBSCL và tỉnh Sóc Trăng phát triển, chúng ta chấp nhận rủi ro cao. Vì vậy, rất mong các đồng chí trong quá trình thực hiện phải cố gắng nghiên cứu kỹ về các quy định pháp luật, hạn chế tối đa sai sót”, ông Trần Văn Lâu nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, quy trình thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải thông qua 5 bước ở cấp tỉnh. Đầu tiên là giao cơ quan chuyên môn (Sở GVTT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thông qua cuộc họp ngày 6/1. Việc hoàn chỉnh, thông qua lần 2 được ấn định vào tháng 2/2024 và đề nghị trình hội đồng thẩm định của tỉnh vào một tháng sau đó.
Trong tháng 4/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các đơn vị chức năng hoàn thành bước 3 là hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của hội đồng thẩm định để trình UBND, Ban cán sự đảng UBND tỉnh trước khi thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (tháng 5-6/2024).
Sau khi báo cáo tiền khả thi dự án cảng biển Trần Đề được trình HĐND tỉnh Sóc Trăng vào tháng 6/2024, UBND tỉnh hoặc thông qua Bộ GTVT để báo cáo được trình lên Thủ tướng Chính phủ.Cảng Trần Đề dự kiến sẽ có 5 dự án thành phần. Ảnh: Duy Khang.
Đối với Trung ương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập hội đồng thẩm định hoặc giao một cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Bước thứ 2 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn gửi hội đồng thẩm định. Tiếp theo là việc thẩm định của hội đồng; tiếp thu, điều chỉnh theo yêu cầu thẩm định, trình Thủ tướng và Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Với quyết tâm để dự án bến cảng Trần Đề được khởi công vào cuối năm 2025, ông Trần Văn Lâu giao Sở GTVT phối hợp đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường để thông qua lần 2 trong tháng 2/2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng được cấp trên giao tham mưu tổ chức thẩm định báo cáo ở cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy trình, thủ tục lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Sở này cũng phải chủ động liên hệ Cục Hàng hải Việt Nam, xúc tiến việc thuê tư vấn nghiên cứu, lập đề án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với cảng biển Trần Đề.Tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành cảng biển Trần Đề là 153.896 tỷ đồng nếu cát được khai thác tại mỏ. Ảnh: Duy Khang.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý đơn vị tư vấn đưa ra các đề xuất về cơ chế đặc thù chỉ dừng lại ở bước ý tưởng, chưa nghiên cứu, đánh giá cụ thể để mang tính thuyết phục. Khi tiếp cận để đề xuất các cơ chế đặc thù, cần nói rõ cảng biển Trần Đề là cảng cửa ngõ khu vực ĐBSCL chứ không phải của Sóc Trăng. Theo Nghị quyết 13, việc đề xuất các cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL sẽ khả thi.
“Dự án này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được Ban Thường vụ và Tỉnh ủy rất quan tâm. Bằng mọi giá chúng ta cố gắng cho dự án này được khởi công vào cuối năm 2025”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.