Sóc Trăng đặt mục tiêu đến 2030 đón 3,6 triệu khách/năm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đặt ngành du lịch vào vị thế kinh tế mũi nhọn, chính quyền tỉnh Sóc Trăng lập đề án phát triển đến năm 2030 với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng.

Ngày 9/3, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng tiếp tục xem xét hồ sơ của một doanh nghiệp ở TP.HCM để hướng dẫn nhà đầu tư làm thủ tục thực hiện các dự án du lịch tại TP Sóc Trăng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, cho biết 2 vấn đề chính nhà đầu tư muốn phát triển tại địa phương này là du lịch sông nước, sử dụng thuyền kết hợp đờn ca tài tử đến khu vực cồn số 3 của huyện Cù Lao Dung và ẩm thực bờ kè ven sông Maspéro.

Phát triển du lịch xứng tầm với đô thị loại một

Theo ông Quận, Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, thành phố Sóc Trăng được quy hoạch đô thị loại một, có vai trò rất quan trọng trong liên kết vùng.

Với vai trò trung tâm kinh tế của tiểu vùng ben biển Đông, TP Sóc Trăng sẽ là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy, hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch và là trung tâm du lịch, văn hóa, lịch sử.

Sóc Trăng đặt mục tiêu đến 2030 đón 3,6 triệu khách/năm - 1

Sông Maspéro ở Sóc Trăng được nhà đầu tư dự kiến khai thác du lịch bằng thuyền kết hợp đờn ca tài tử, trên bờ là ẩm thực bờ kè. Ảnh: Việt Tường.

Từ tiềm năng du lịch của TP Sóc Trăng, nhà đầu tư từ TP.HCM dự kiến thực hiện các dự án du lịch như nhà hàng du thuyền, ẩm thực đường phố trên bờ kè, đi cầu vòng cảm giác mạnh dây văng trên cao, trò chơi nghệ thuật dân gian dưới nước; đài phun nước nghệ thuật, hiệu ứng ánh sáng đèn led, biểu diễn nghệ thuật sân khấu dưới nước (3 dân tộc) và đờn ca tài tử trên sông.

Ngoài những ý tưởng của nhà đầu tư, cơ quan chức năng TP Sóc Trăng còn gợi mở một số hoạt động văn hóa kết hợp với du lịch. Đó là tái hiện lễ hội “đấu đèn” trong dịp Tết Nguyên tiêu hàng năm cùng các lễ hội tâm linh, lễ hội tôn vinh nghề làm bánh pía - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê ở chùa Somrong, nhạc ngũ âm tại chùa Dơi…

Để TP Sóc Trăng phát triển xứng tầm với đô thị loại một, chính quyền tỉnh Sóc Trăng định hướng mở đại lộ từ cầu Mạc Đĩnh Chi đến huyện Trần Đề để kết nối với cảng biển nước sâu. Tuyến đại lộ này dài chưa đầy 20 km, giúp người dân TP Sóc Trăng đến cảng Trần Đề chỉ trong 20-30 phút, rút ngắn 30 phút khi đi đường vòng.

Khi đó, Sóc Trăng sẽ kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo vượt biển từ huyện Trần Đề sang huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu. Cầu Đại Ngãi nối liền huyện Long Phú với Cù Lao Dung sẽ giúp huyện đảo này trở thành điểm đến lý tưởng của du khách với các loại hình du lịch sinh thái vùng sông nước.

10 sản phẩm du lịch chủ lực

Trong một cuộc họp chuyên đề sau Tết Nguyên đán 2022, các đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã quyết nghị thông qua tờ trình của UBND tỉnh này về đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.

Mục tiêu của đề án là đến 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh; hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp.

Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đề ra mục tiêu thu hút khoảng 2,6 triệu lượt khách mỗi năm trong giai đoạn đến 2025, Trong đó 50.000 khách quốc tế, còn lại là nội địa, doanh thu 1.450 tỷ đồng.

Sóc Trăng đặt mục tiêu đến 2030 đón 3,6 triệu khách/năm - 2

Một khu vui chơi tạo thành điểm du lịch cộng đồng tại TP Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Đến năm 2030, Sóc Trăng mục tiêu mỗi năm đón gần 3,6 triệu lượt khách, doanh thu 3.500 tỷ đồng. Tỉnh tập trung phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực liên quan đến văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội ẩm thực TP Sóc Trăng, văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên của huyện Châu Thành, sinh thái biển Mỏ Ó, sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (Kế Sách), sinh thái biển Cù Lao Dung, sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu) và điểm du lịch Tân Huê Viên, sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại khu căn cứ Tỉnh ủy, du lịch văn hóa thương hồ tại chợ nổi Ngã Năm.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn phát triển 6 sản phẩm du lịch bổ sung là cộng đồng cồn Phong Nẫm (Kế Sách), cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm (Châu Thành), sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom (Mỹ Xuyên), sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây (Cù Lao Dung), sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên – Trần Đề và du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.

Trong tổng kinh phí phát triển đề án du lịch tỉnh Sóc Trăng 3.588,5 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 3 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh là 545,7 tỷ đồng, địa phương 424,2 tỷ đồng, xã hội hóa gần 3.040 tỷ đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việt Tường (Zing News)

CLIP HOT