Sacombank đạt lợi nhuận kỷ lục, cao nhất trong lịch sử hoạt động
Lũy kế cả năm lợi nhuận sau thuế của Sacombank đạt 10.087 tỷ đồng, tăng 2.368 tỷ đồng, tương đương 30,7% so với năm 2023. Có thể thấy, đây là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của Sacombank, thậm chí, cao vượt trội so với các năm gần đây.
2024 là năm nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vẫn nằm trong danh sách các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Trong khi không ít đối thủ suy giảm, Sacombank lại chứng kiến lợi nhuận lập kỷ lục, cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024, trong quý thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 6.099 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng đến 64%, thu được 964 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm lợi nhuận sau thuế của Sacombank đạt 10.087 tỷ đồng, tăng 2.368 tỷ đồng, tương đương 30,7% so với năm 2023.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 7% so cùng kỳ... Nhưng nhờ tiết giảm chi phí hoạt động 8% và được hoàn nhập hơn 367 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng nên Sacombank lãi hơn 4.626 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024, tăng đến 68% so với cùng kỳ năm trước đó.
Lũy kế cả năm lợi nhuận sau thuế của Sacombank đạt 10.087 tỷ đồng, tăng 2.368 tỷ đồng, tương đương 30,7% so với năm 2023. Có thể thấy, đây là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của Sacombank, thậm chí, cao vượt trội so với các năm gần đây.
Trước đó, lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2020-2023 của Sacombank lần lượt là 2.682 tỷ đồng (năm 2020), 3.411 tỷ đồng (năm 2021), 5.041 tỷ đồng (năm 2022) và 7.719 tỷ đồng (năm 2023).
Lãi ròng đột phá dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 10,6% lên 14.694 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Sacombank mạnh tay cắt giảm dự phòng.
Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2024 của Sacombank chỉ đạt 1.974 tỷ đồng, giảm 1.714 tỷ đồng, tương đương 46,5% so với năm 2023.
So với cuối năm 2023, tổng tài sản tính đến 31/12/2024 tăng hơn 11% đạt 748.094 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12% lên 539.314 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 11% ghi nhận tại 566.881 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến cuối quý IV là 12.957 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,28% đầu năm lên 2,4%.
Cũng tại báo cáo, trong toàn hệ thống Sacombank, năm 2024, chỉ tiêu chi lương và phụ cấp tăng từ 6.227 tỷ đồng lên 6.695 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người lao động của ngân hàng và các công ty con được trả 370 triệu đồng/người/năm, tương đương 30,8 triệu đồng/người/tháng, tăng so với con số 28 triệu đồng/người/tháng của năm 2023.
Tình trạng tương tự diễn ra tại ngân hàng Sacombank. Chi lương và phụ cấp tăng từ 5.864 tỷ đồng lên 6.320 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2024, mỗi nhân viên ngân hàng mẹ nhận được 371 triệu đồng/người/năm, tương đương 30,9 triệu đồng/người/tháng, tăng so với 28,1 triệu đồng/người/tháng trong năm 2023.
Cùng với nhân viên, Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank cũng được tăng thù lao. Trong năm 2024, dàn nhân sự cấp cao này được trả 32,55 tỷ đồng, tăng 2,65 tỷ đồng, tương đương 8,9% so với năm trước đó.
Với việc Hội đồng quản trị có 7 thành viên, trung bình, mỗi sếp được trả 4,65 tỷ đồng/người/năm, tương đương 388 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, dàn lãnh đạo này có tới 2 người là thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Điều này không loại trừ 2 sếp không nhận lương. Vì vậy, cũng có thể mỗi sếp trong Hội đồng quản trị được trả 6,51 tỷ đồng/người/năm, tương đương 543 triệu đồng/người/tháng.
Ban Kiểm soát cũng ghi nhận thù lao sau thuế tăng nhẹ từ 14,663 tỷ đồng lên 14,87 tỷ đồng. Bình quân mỗi sếp nhận 3,72 tỷ đồng/người/năm, tương đương 310 triệu đồng/người/tháng.
Thế nhưng, Ban Tổng giám đốc lại bị giảm lương.
Theo đó, thù lao sau thuế của Ban Tổng giám đốc chỉ còn 60,956 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 68,917 tỷ đồng. Trung bình mỗi lãnh đạo điều hành nhận 5,1 tỷ đồng/người/năm, tương đương 423 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, Sacombank không công bố thù lao của từng lãnh đạo cấp cao.