Quyết tâm mở cửa bầu trời, âm thầm ngăn khách từ mặt đất

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Giai đoạn thí điểm bay nội địa, các hãng hàng không chỉ được bay bằng 10%, khách lại khó tiếp cận và phải viết tay bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch. Rõ ràng chủ trương là mở cửa bầu trời, nhưng lại "đóng" với hành khách.   

Delay liên tục vì thủ tục

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), sau 5 ngày thực hiện thí điểm triển khai các đường bay nội địa (từ 10-14/10), 4 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines chỉ thực hiện được 98 chuyến bay một chiều (trong tổng số 200 chuyến bay theo kế hoạch) trên 16 đường bay (trong 20 đường bay theo kế hoạch).

Tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện chỉ đạt 49% do trên nhiều chuyến, số lượng khách đặt chỗ rất thấp, thậm chí không có khách.

Đó là bởi tại nhiều địa phương (đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc) đến tận ngày 20/10 vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc quản lý, giám sát khách bay di chuyển đến địa phương. Nhiều tỉnh, thành yêu cầu về phòng, chống dịch cao hơn quy định của TƯ, như việc buộc khách phải cách ly tập trung hoặc theo dõi tại nhà. Điều này khiến người dân e ngại.

Quyết tâm mở cửa bầu trời, âm thầm ngăn khách từ mặt đất - 1

Hành khách đi máy bay giai đoạn thí điểm mở cửa đường bay nội địa gặp nhiều rắc rối về thủ tục (ảnh minh họa - Zing)

Hệ lụy, hệ số sử dụng ghế bình quân chỉ đạt 31% (dù được phép đến 50%). Trong đó, thấp nhất là Bamboo Airways khi hệ số ghế bình quân chỉ đạt 20%, còn Pacific Airlines dù được cấp phép bay 18 chuyến nhưng không thực hiện chuyến nào.      

Đã rất ít chuyến bay, song điều đáng quan ngại nữa là tình trạng chậm chuyến (delay) xảy ra liên tục. Nguyên nhân chính là do các địa phương yêu cầu ngành hàng không phải nộp danh sách họ tên tiếng Việt, địa chỉ nơi đến của khách bay.

Những thông tin này khác với hệ thống quản lý khách của các hãng, nên cả hành khách và hãng bay mất nhiều thời gian khai báo, làm thêm thủ tục trước khi bay. Nhân viên hàng không còn vất vả hơn khi phải tập hợp danh sách hàng trăm khách bay trong thời gian ngắn nên không kịp đúng giờ tàu bay khởi hành.

Hệ quả, chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Thọ Xuân (Thanh Hóa) sáng 18/10 bị chậm 4 tiếng chỉ vì ứng dụng khai báo điện tử Tờ khai y tế bị lỗi, phải viết tay và việc phối hợp giữa hãng với cảng vụ và Sở Y tế Thanh Hóa vẫn trục trặc.

Bên cạnh đó, đại diện một hãng hàng không cho hay, thông tin mà các địa phương yêu cầu hàng không cung cấp 30 phút trước mỗi chuyến bay lại không nhất quán, khiến nhân viên hàng không phải nhập tay để làm báo cáo riêng.

Thậm chí, khách bay đến Đà Nẵng còn phải khai thêm thông tin trên ứng dụng “Danang smart city” hoặc vào mục “Người dân khai báo, đăng ký vào thành phố Đà Nẵng” trên trang khaibaoyte.gov.vn.     

“10 năm trong ngành nhưng chưa bao giờ tôi thấy hàng không phải làm thủ công nhiều thủ tục đến vậy. Cần có mẫu chung thống nhất, khai báo online để tránh tụ tập đông người khi làm thủ tục check-in ở sân bay, kể cả mẫu cam kết viết tay thực hiện phòng, chống dịch do Bộ GTVT mới ban hành”, cán bộ quản lý của một hãng hàng không kiến nghị.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128, vị cán bộ này còn thử hai chuyến xe liên tỉnh, từ TP.HCM đi Gia Lai và từ Hà Nội đi Hà Tĩnh, ông rút ra kết luận: đường bộ thông thoáng, ít thủ tục, ít phiền hà hơn hẳn so với đường không.

Quyết tâm mở cửa bầu trời, âm thầm ngăn khách từ mặt đất - 2

 Tàu bay là phương tiện vận chuyển được đánh giá thuộc loại an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng

Mở bầu trời, đóng mặt đất

Vị quản lý trên đánh giá, rõ ràng các hãng bay và hành khách đang thiệt thòi so với đi đường bộ hay đường thủy, như chỉ cho phép người đã tiêm 2 mũi vắc xin; người khỏi bệnh Covid và có kết quả âm tính mới được bay. Chưa kể, các địa phương lại đặt ra quy định chặt chẽ với khách bay đã khiến họ ngại đi tàu bay. Việc yêu cầu giãn cách trên tàu bay (chỉ được sử dụng 50% số ghế trên tàu bay) cũng khiến giá vé tăng cao.

“Mở cửa hàng không như thế này càng khiến hãng lỗ nặng hơn và khách ngán bay’, chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam phàn nàn. Trên trang cá nhân, ông cho biết: “Tôi rất muốn bay ra Hà Nội và đến một số địa phương để giải quyết công việc, nhưng nếu Hà Nội và một số tỉnh vẫn bắt cách ly tại nhà 7 ngày như hiện nay tôi sẽ không bay”.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, tàu bay là phương tiện vận chuyển được đánh giá thuộc loại an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng (kể cả với phòng, chống Covid). Môi trường trên tàu bay được đánh giá gần đạt độ vô trùng.

Để tránh tối đa việc lây nhiễm, không mang F0 từ tỉnh này đến tỉnh khác, hàng không đã có hàng loạt biện pháp. Thậm chí mới đây, tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn triển khai khử khuẩn hành lý bằng tia cực tím; Vietjet Air test nhanh miễn phí tất cả khách bay đi từ Tân Sơn Nhất trước khi lên tàu bay (kể cả khách đã có xét nghiệm âm tính); các hãng hàng không tăng cường khử khuẩn các dụng cụ, khu vực có sự tiếp xúc cao...

Tuy nhiên, nghịch lý là hàng không lại đang bị hạn chế hoạt động bằng hàng loạt các quy định và rào cản kỹ thuật so với các loại hình vận tải công cộng khác.  

Để tháo gỡ những bất hợp lý trên, TS Nề cho rằng, cần chuẩn hóa, trực tuyến hóa các thủ tục, cam kết của khách... Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triệt để ứng dụng công nghệ, chia sẻ dữ liệu từ các ứng dụng phòng chống Covid cho địa phương và ngành hàng không để quản lý, giám sát, giảm phiền toái cho hãng và khách bay. Ngoài ra, cần phổ cập xét nghiệm, đặc biệt là test cận giờ nhất trước khi lên phương tiện di chuyển.

Đồng thời, cần tăng tần suất chuyến bay theo nhu cầu của từng hãng và địa phương không được tùy tiện cát cứ, cách ly khách.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tùng Nguyễn 

CLIP HOT