Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM đang dần hình thành những sản phẩm du lịch được xây dựng hoặc làm mới gắn với đặc thù từng địa phương, tạo nét khác biệt trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Có thể thấy, điểm đến du lịch ở các địa phương trong chương trình tour phần lớn là các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc để thu hút khách nội địa và quốc tế.

Quận 1 là địa phương tạo điểm nhấn rõ nét trên bản đồ du lịch TP Hồ Chí Minh khi tiên phong triển khai nhiều tour du lịch hấp dẫn gắn với các di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, hành trình của tour “Ký ức Biệt động Sài Gòn” mang đến cho du khách nhiều cảm xúc đặc biệt, được tìm lại những dấu ấn lịch sử ngay tại trung tâm thành phố, hiểu hơn về giai đoạn kháng chiến kiên cường, bất khuất của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Đó là các địa điểm lịch sử như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, quán cà phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn, quán Nhan Hương (khu vực Thảo Cầm Viên)... Ngoài việc tham quan các địa điểm lịch sử, du khách còn được trực tiếp gặp, trao đổi và nghe những chia sẻ từ chính các nhân chứng, hậu duệ của lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa với những câu chuyện người thật, việc thật sống động.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch - 1

Du khách tham quan địa điểm quán cà phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn trong hành trình tour “Ký ức Biệt động Sài Gòn”.

Hai lần tham gia chương trình tour, chị Nguyễn Thị Thu Liên bày tỏ xúc động: “Được đến, thấy và nghe thuyết minh nhiều địa điểm, đặc biệt là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn trong hành trình tour, tôi rất ấn tượng với bộ sưu tập gìn giữ các kỷ vật của thế hệ cha ông. Tôi đã từng được nghe về các câu chuyện này qua thông tin đại chúng nhưng cảm xúc vừa nghe vừa được ngắm những hiện vật trong không gian di tích lịch sử thật sự rất lôi cuốn và hồi hộp. Tôi nghĩ, thế hệ trẻ nên tìm hiểu, tham gia tour du lịch này".

Là đơn vị khai thác tour du lịch này, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành Fiditour chia sẻ: “Khi bắt tay xây dựng sản phẩm du lịch này, chúng tôi luôn đặt ra yêu cầu về cái mới, nét riêng biệt, hay nói cách khác là “thổi hồn” vào di tích.

Đến với tour, du khách không chỉ được nghe, được thấy, mà được trải nghiệm không khí của giai đoạn lịch sử năm xưa thông qua câu chuyện của các nhân chứng, vật dụng sinh hoạt, những món ăn, thức uống như cà phê Bretel, cơm tấm kim chi... Có như vậy, tour du lịch về lịch sử, văn hóa sẽ không khô cứng, tránh tâm lý “đi cho biết” của du khách”.

Có thể thấy, những sản phẩm du lịch lần lượt ra mắt ở mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức phần lớn đều gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Tiêu biểu như các tour: “Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn” tại quận 5, “Quận Gò Vấp-Trăm năm tìm lại dấu xưa”, “Quận Tân Bình-Biết bao điều thú vị”... Trong đó, nhiều tour du lịch được kỳ vọng không chỉ thu hút các du khách địa phương mà còn trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố, tạo dấu ấn độc đáo, ý nghĩa với du khách ở các tỉnh khác và nước ngoài.

Những trải nghiệm thú vị với điểm đến mới lạ khắp thành phố đã và đang tạo nên những tác động tích cực thu hút du khách tìm hiểu, khám phá. Trong 10 tháng của năm 2022, ngành du lịch thành phố đã đón hơn 2,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hơn 24,8 triệu khách du lịch nội địa với tổng doanh thu đạt hơn 105.578 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh có hơn 360 địa điểm có khả năng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch với các nhóm chính: Du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa vật thể, du lịch văn hóa phi vật thể và du lịch gắn với các công trình nhân tạo, hiện đại. Riêng về di tích lịch sử, văn hóa, thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp thành phố. Với tiềm năng to lớn từ di tích lịch sử, văn hóa, việc phát triển du lịch sẽ góp phần quan trọng giúp quảng bá lịch sử, văn hóa của vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn-TP Hồ Chí Minh đến với du khách trong và ngoài nước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận, không phải di tích nào cũng đủ điều kiện đón khách để khai thác tour và tính kết nối các sản phẩm du lịch giữa các quận, huyện với nhau vẫn chưa có, khó hấp dẫn du khách. Theo các doanh nghiệp lữ hành, để sản phẩm hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Đó là việc kết hợp từ sự chuyên nghiệp tổ chức tour của doanh nghiệp du lịch, sự lựa chọn điểm đến độc đáo, riêng biệt của địa phương và vai trò điều hành, quảng bá, liên kết chung của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, trùng lặp, gây sự nhàm chán cho du khách.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, chiến lược phát triển du lịch thành phố đã xác định sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử là một trong những sản phẩm chính. Từ sản phẩm mà các quận, huyện và TP Thủ Đức đã giới thiệu, Sở Du lịch thành phố sẽ chủ trì cùng các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành và lãnh đạo địa phương đánh giá, kết nối lại các điểm tham quan để trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố theo nhiều hướng như truyền thống, lịch sử, văn hóa dân gian, lễ hội, sinh thái...

Ngành du lịch thành phố vừa công bố bộ thông tin cơ bản du lịch TP Hồ Chí Minh bao gồm các thông tin về lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn-TP Hồ Chí Minh. Thông qua cẩm nang này, người dân và du khách có thể tìm thấy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt chỉ có tại Thành phố mang tên Bác.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: THƯ LÊ (Báo QDND)

CLIP HOT