Ông Vũ Thế Bình: “Hộ chiếu vaccine” - khơi thông con đường du lịch quốc tế
“Doanh thu ngành du lịch nội địa chỉ chiếm khoảnh 20% cho toàn ngành, nên khách nội địa không thể thay thế khách du lịch quốc tế. Vậy, khơi thông con đường quốc tế là một việc tất yếu của tất cả các ngành du lịch trên toàn thế giới”, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch VN trả lời Dân Việt
Thời gian gần đây tín hiệu du lịch nội địa đang khởi sắc, các chuyến bay, khách sạn, gói combo, tour du lịch trở nên sôi động và tăng giá. Đặc biệt sau khi thông tin "Hộ chiếu vaccine" được bàn tới khiến những người làm du lịch, nhất là thị trường quốc tế cảm thấy tia sáng cuối đường hầm.
Tuy nhiên "hộ chiếu vaccine" đang nhận nhiều ý kiến khác nhau, trong đó ngành hàng không cho rằng, khách quốc tế khi vào Việt Nam cần phải cách ly 5-7 ngày cho dù có "hộ chiếu vaccine".
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam đã chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về vấn đề này với Dân Việt.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam đã chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về vấn đề này với Dân Việt.
"Hộ chiếu vaccine" - khơi thông con đường du lịch quốc tế
Theo thống kê mới đây của ngành du lịch, đã có 80% nhân lực làm việc trong ngành du lịch không được làm việc thường xuyên và 30% nhân lực đã rời bỏ hẳn ngành. Vì vậy việc khôi phục du lịch bằng giải pháp "hộ chiếu vaccine" đang nhận được nhiều người trông đợi của người làm du lịch. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Hiện nay hộ chiếu vaccine là một phương thức quan trọng để có thể khơi thông lại du lịch quốc tế trên toàn thế giới. Tất nhiên vaccine chưa phải là toàn bộ, không phải 100% chính xác nhưng nếu chúng ta chưa thể có biện pháp nào tốt hơn thì đây là một giải pháp.
Vì vậy chúng ta phải sử dụng "hộ chiếu vaccine" nhưng vẫn phải kèm theo các biện pháp y tế khác. Vấn đề an toàn của người dân và khách du lịch vẫn là yếu tố quan trọng nhất và mọi hoạt động phải đảm bảo an toàn.
Dù tiêm vaccine khách du lịch vẫn phải tuân thủ những biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế. Du khách vẫn phải khám và kiểm tra. Và điều này vẫn phải chờ Bộ Y tế và ngành Du lịch thống nhất với nhau để thực hiện.
Nhưng tôi cũng muốn nói tới việc đón khách quốc tế vào Việt Nam. Khi chúng ta đã đón khách thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo điều kiện dễ dàng cho du khách, tạo cho họ cảm giác thoải mái, để họ cảm thấy đang đi du lịch chứ không phải đi cách ly.
Một trong resort du khách có thể ngắm hoàng hôn tại Phú Quốc
"Hộ chiếu vaccine" đang là vấn đề "nóng", nhận được nhiều ý kiến cả đồng tình và e ngại, trong đó hãng hàng không đã đề xuất, nếu khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam dù có "hộ chiếu vaccine" vẫn phải cách ly 5-7 ngày. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi chưa đưa ra kết luận về vấn đề này. Diễn biến phòng chống dịch trên toàn thế giới luôn có những diễn biến bất ngờ. Tôi ví dụ, khi chúng ta quyết định thử nghiệm đưa khách quốc tế vào Việt Nam, thì từ lúc bàn bạc cho tới khi thực hiện sẽ có một khoảng thời gian và khoảng thời gian đấy, nhiều thông tin về vaccine, dịch bệnh…thay đổi. Vì vậy các ngành đều có quyền đề xuất ý kiến của mình và chúng tôi nghĩ đến khi triển khai sẽ có quyết định cuối cùng.
Chúng ta luôn lấy mục tiêu an toàn của người dân lên trên hết và Chính phủ quyết định đón khách quốc tế thí điểm tại Việt Nam vào thời điểm nào vẫn còn phải bàn. Tuy nhiên tôi tin, chúng ta luôn đặt vấn đề, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để du khách có thể đến Việt Nam.
Nếu Việt Nam mở cửa quốc tế trong bối cảnh du lịch nội địa đang chiếm ưu thế, lượng du khách nước ngoài vào Việt Nam, theo ông việc quản lý ở những điểm nghỉ dưỡng đó sẽ như thế nào?
- Khi chúng ta bắt đầu thí điểm du khách quốc tế sẽ có một vấn đề cần được xử lý, đó là quan hệ giữa du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Hiện nay chúng ta đang đón khách du lịch nội địa ở tất cả các điểm du lịch nhưng chúng ta phải hiểu doanh thu từ lượng khách quốc tế vẫn là quan trọng.
Doanh thu ngành du lịch nội địa chỉ chiếm khoảnh 20% cho toàn ngành du lịch, nên khách nội địa không thể thay thế khách du lịch quốc tế. Vậy, khơi thông con đường quốc tế là một việc tất yếu của tất cả các ngành du lịch trên toàn thế giới.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tại thời điểm này phải có sự hài hòa, du lịch quốc tế chưa thể phát triển ồ ạt như trước, nên nếu thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, chúng ta phải phân tách khách nội địa và khách quốc tế tại một điểm.
Ở đây tôi muốn nói, nếu doanh nghiệp du lịch muốn đăng ký thí điểm khách quốc tế phải chấp nhận hy sinh một phần lợi ích.
Tôi được biết đã có những khu du lịch, có thể tách bạch hai khu riêng biệt và thực hiện làm thí điểm ngay được. Tôi đã từng đi thăm một resort có 2 bên giống nhau và có thể phân tách riêng biệt. Khách quốc tế có thể ở một bên và khách nội địa ở một bên, khoảng cách tiếp xúc xa hàng trăm mét nên điều này là có thể.
Hoặc như sân Golf, không gian rất rộng, nhiều sân golf bây giờ không hoạt động vì chỉ phục vụ khách quốc tế, vì vậy những sân Golf ấy có thể dùng để thí điểm cho khách quốc tế. Chúng ta nên ưu tiên cho việc thí điểm để khôi phục thị trường du lịch quốc tế.
Dù khách du lịch quốc tế được tiêm vaccine thì vẫn cần thực hiện 5K của Bộ Y tế
Được biết, Singapore đã chuẩn bị một năm trước đó cho việc mở cửa khách quốc tế. Họ từng chia sẻ trong những giải pháp của họ, việc chọn các nước an toàn và cho nhập cảnh ví dụ như Việt Nam sẽ được ưu tiên và nhập cảnh ngay, ông đánh giá như nào về việc này?
- Thứ nhất là tôi không bình luận, vì mỗi nước một khác nên tôi sẽ không nói. nên nói về trường hợp ấy, mình chỉ cảm thấy kính nể họ vì họ đã chuẩn bị rất kĩ càng cho việc mở cửa và chúng ta cũng bắt buộc phải chuẩn bị như vậy.
Thứ hai, chúng ta phải đưa ra các đề án khác nhau, các trường hợp khác nhau để chuẩn bị cho việc mở cửa quốc tế. Với Singapore, họ làm như thế đúng hay không đúng tôi không bình luận vì chưa có sự công nhận lẫn nhau giữa các nước.
Thưa ông để tiếp tục khôi phục du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới. Vậy theo ông, làm thế nào để khôi phục doanh nghiệp du lịch một cách nhanh nhất?
- Ngành du lịch cần làm để đáp ứng tình hình phòng chống dịch Covid là một vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra chủ trương phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa khôi phục kinh tế, ngành du lịch cũng đi theo con đường ấy.
Dù dịch bệnh có thể sẽ lại diễn ra, có thể bùng nổ thêm 1-2 lần nữa, nhưng không có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta sẽ đình trệ, nơi nào bùng dịch thì chúng ta dừng lại, nơi khác không bùng dịch sẽ hoạt động du lịch bình thường.
Vì thế ngành du lịch sẽ cố gắng phấn đấu để không bao giờ bị đứt đoạn trên toàn cục diện toàn quốc. Như mọi người đã thấy, hiếm có ngành kinh tế nào khó khăn như du lịch mà vẫn vươn lên, vẫn hoạt động một cách mãnh liệt.
- Ngành kinh tế du lịch là một ngành đặc thù, phát triển ở 3 loại hình cơ bản, đó là du lịch nội địa, du lịch inbound và outbound. Những loại hình này ở nước nhiều nước cân đối với nhau, cái này hỗ trợ cái kia. Ở Việt Nam, khi xuất hiện đại dịch, chúng ta thấy rất rõ du lịch nội địa trở thành "cứu cánh" cho ngành du lịch.
Nếu như vài năm trước, doanh thu du lịch nội địa chỉ chiếm 20%, và trong thời đại dịch Covid-19, khách quốc chưa được nhập cảnh vào Việt Nam thì con số 20% ấy sẽ gánh cho 100%. Vì vậy đây sẽ là con số khó khăn cho loại hình du lịch nội địa mà người làm du lịch cần phải gồng lên. Và cũng vì thế chúng ta cần phải có những chính sách phù hợp, những động thái kích thích hoạt động nội địa để có thể đạt được mục tiêu đó.
Tại Diễn đàn Du lịch Nội địa 2021, các doanh nghiệp sẽ ngồi lại với nhau để bàn nâng cao du lịch nội địa, giúp du lịch nội địa trở thành một ngành phát triển mạnh mẽ như du lịch quốc tế. Sẽ có rất nhiều chính sách được đưa ra trong diễn đàn này, ví dụ như: sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch hay kêu gọi các địa phương thay đổi để phục vụ du lịch cho người Việt cũng được nêu ra.
Xin cám ơn ông!