Khai thác 'mỏ vàng' nào cho du lịch Việt giai đoạn 'bình thường mới'?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong giai đoạn "bình thường mới" của nền kinh tế xanh, du lịch MICE và du lịch Golf được xem là hai loại hình hàng đầu có khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách sau những tổn thương mà COVID gây ra.

“Hội chợ VITM Hà Nội 2021 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo nhằm đưa ra những sản phẩm tốt nhất hiện nay. Chúng tôi muốn lần này, các sáng kiến tập trung vào khôi phục hoạt động du lịch nội địa và lên phương án đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt.”

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam ông Vũ Thế Bình khẳng định như vậy tại họp báo Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2021, sáng nay (ngày 5/4), tại Hà Nội.

Khai thác 'mỏ vàng' nào cho du lịch Việt giai đoạn 'bình thường mới'? - 1

Du khách tham quan điểm đến ở Ninh Bình. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+.

Làm mới “điểm tựa” nội địa

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội được coi là cơ hội cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp du lịch quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển kinh doanh 3 loại hình du lịch: Nội địa, inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài).

Ông Vũ Thế Bình cho hay được tổ chức lần thứ 9, Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam vốn là nơi trao đổi các sản phẩm, nơi để khách tham quan du lịch chọn lựa các sản phẩm. Đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo để xây dựng và giới thiệu những sản phẩm du lịch tốt nhất hiện nay.

“Đây cũng là một hội chợ mở với tư tưởng mở để doanh nghiệp đưa sáng kiến khôi phục hoạt động du lịch nội địa và đón khách quốc tế,” ông Bình chia sẻ.

Khai thác 'mỏ vàng' nào cho du lịch Việt giai đoạn 'bình thường mới'? - 2

Du lịch nội địa được coi là 'điểm tựa' cho các doanh nghiệp Việt phục hồi năm 2021. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+.

Đại diện ban tổ chức cho biết chủ đề hội chợ năm nay là “Bình thường mới, cơ hội mới” nhằm khẳng định ngành du lịch với tư thế chủ động, tích cực sẽ vươn lên vượt qua khó khăn để khôi phục và phát triển.

Hội chợ sẽ diễn ra từ 5-8/5 cùng các hoạt động B to B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), hoạt động B to C (doanh nghiệp với khách hàng), khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị các sản phẩm kích cầu để cung cấp trực tiếp cho khách đến tham quan.

Để phát triển du lịch nội địa, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt, cho rằng trong cái khó buộc phải ló cái khôn, nhiều doanh nghiệp đã sớm thay đổi phương thức kinh doanh, nhanh nhạy nghiên cứu xu hướng thị trường, nhu cầu của người Việt theo tình hình mới. Đơn cử như trước đây du khách có xu hướng đi tour trọn gói, dài ngày thì sắp tới chủ yếu chọn tour tự do, ngắn ngày.

Theo ông Đạt để kích cầu, doanh nghiệp cần không ngừng liên kết các đơn vị cung ứng hàng không, khách sạn, du thuyền để có giá hợp lý nhất cho du khách, tăng cường chuyển đổi số trong marketing, quảng bá sản phẩm để tạo sức hấp dẫn với du khách. “Chúng tôi luôn xác định thị trường nội địa là điểm tựa chính trong thời gian tới,” ông Đạt khẳng định.

Trên thực tế, qua ba đợt dịch, lĩnh vực du lịch cũng đã xuất hiện một số cách làm mới thích ứng với bối cảnh, thể hiện tinh thần vượt khó của doanh nghiệp và được thị trường đón nhận, đánh giá cao.

Khai thác 'mỏ vàng' nào cho du lịch Việt giai đoạn 'bình thường mới'? - 3

Khách quốc tế tham quan điểm đến di tích Việt Nam ngày chưa bùng phát COVID-19. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+.

Như một số doanh nghiệp đã tổ chức tour đi Quảng Bình bằng tàu hỏa, làm mới các điểm đến phổ thông như tổ chức tour tham quan di tích Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long vào buổi đêm, làng cổ Đường Lâm... nhằm biến một điểm đến cũ thành một điểm đến mới lạ, hấp dẫn thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian cho du khách có thể khám phá làng cổ một cách thú vị nhất…

Là địa phương nhanh nhạy trong việc làm mới sản phẩm đồng thời sẽ chủ trì Năm Du lịch quốc gia 2021 tại Hoa Lư, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh, cho biết ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung đổi mới các sản phẩm cũ sao cho phù hợp bối cảnh hiện nay. Các điểm đến trong chương trình không mới nhưng được điều chỉnh để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu du khách.

“Ví dụ cùng là tuyến du lịch Tràng An, Tam Cốc, Hang Múa nhưng sẽ kết hợp với một điểm đến nghỉ dưỡng farmstay, hay các chương trình như Bái Đính về đêm, kết hợp thiền Yoga…,” ông Mạnh nói.

Ông Mạnh hy vọng sự kiện Hội chợ VITM sẽ góp phần giúp du lịch tỉnh nói riêng và du lịch cả nước nói chung nhanh chóng phục hồi, chuẩn bị tâm thế đón khách quốc tế.

Hai “mỏ vàng” của du lịch Việt

Các loại hình du lịch không ngừng dịch chuyển theo tâm lý và nhu cầu của khách du lịch thời dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải chuyển hướng khai thác các sản phẩm mới, trong đó ưu tiên du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…) và du lịch golf.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, đến năm 2025, doanh thu của ngành du lịch MICE vào khoảng 1.400 tỷ USD và Châu Á-Thái Bình Dương được xem là một trong những thị trường hàng đầu của phân khúc du lịch này.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ MICE tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có khá nhiều kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng và các điều kiện về mua sắm, giải trí, nghỉ ngơi... Du lịch MICE cũng được xem là một trong những nhóm sản phẩm du lịch tiềm năng của hai thành phố lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang phát triển mạnh mẽ phân khúc du lịch MICE như Vũng Tàu, Đà Lạt, Hạ Long, Phan Thiết, Thanh Hóa hay Hòa Bình… do được thiên nhiên ưu đãi, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện.

Khai thác 'mỏ vàng' nào cho du lịch Việt giai đoạn 'bình thường mới'? - 4

Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch làng nghề ở Cần Thơ, thời điểm chưa bùng phát COVID-19. Ảnh: CTV/Vietnam+.

Hơn nữa, các địa phương này lại được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, dễ chịu, có ưu thế về di tích lịch sử, văn hóa… Đây là điều kiện tuyệt vời để tổ chức tham quan, hội nghị - hội thảo, tiệc ngoài trời hay các hoạt động team building.

Giám đốc dịch vụ Thẩm định và Tư vấn, Colliers Việt Nam, bà Kim Ngọc đánh giá thời điểm này, Việt Nam và thế giới đang có dấu hiệu kiểm soát tốt hơn việc khống chế đại dịch COVID-19, do đó ngành du lịch nói chung và các đơn vị cung cấp dịch vụ MICE nói riêng đang khá lạc quan về thời điểm các hoạt động du lịch có thể dần được khôi phục trở lại bình thường.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác dòng sản phẩm này, ông Vũ Thế Bình cho biết tại VITM Hà Nội 2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ ra mắt Câu lạc bộ MICE.

“Hơn một năm qua, ngành du lịch phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan ra hầu hết các nước trên thế giới và diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc, chuyển sang việc khác hoặc làm việc luân phiên. Du lịch MICE sẽ giúp doanh nghiệp sớm hồi phục trở lại do tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động, mở cửa các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn…,” ông Bình nói.

Theo chuyên gia ngành du lịch đánh giá, loại hình du lịch Golf cũng là sản phẩm cần đầu tư phát triển trong thời gian tới, bởi hạ tầng ở Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu quốc tế và đã trở thành điểm đến về du lịch Golf được bạn bè thế giới đánh giá cao.

Đặc biệt, đây là loại hình du lịch thu hút được dòng khách có khả năng chi trả cao (chỉ riêng năm 2019 đã có khoảng 1 triệu khách Hàn Quốc đến chơi golf ở Việt Nam).

Do đó, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của xu hướng du lịch trên, tại VITM Hà Nội 2021 cũng sẽ tổ chức hội thảo về du lịch Golf nhằm đưa ra các giải pháp và định hướng cho doanh nghiệp khai thác sản phẩm này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Mai (TTXVN)

CLIP HOT