Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tin lời quảng cáo hoa mỹ của của một số công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch tại Việt Nam, nhiều người dân đã sập bẫy và rơi vào bi kịch, thậm chí tan cửa nát nhà.

"Tan cửa nát nhà" vì mê muội sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, đơn vị đầu tư và phát triển dự án Alma resort (khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) được coi là "cha đẻ" của mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này đang bị hàng trăm nhà đầu tư tố cáo các dấu hiệu vi phạm.

Bà Hoàng Thị Kim Hoa (65 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, tháng 2.2019, bà cùng chồng được Công ty Alma liên hệ điện thoại và mời đến tầng 15, tòa nhà Capital, số 109 đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội để "nhận quà" là chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước.

Tuy nhiên, bà Hoa cho biết, tặng quà chỉ là phụ, "mồi chài" khách mua hợp đồng nghỉ dưỡng lên tới hàng trăm triệu đồng mới là mục đích chính.

"Họ mời tôi gói đầu tư 430 triệu đồng thì nhận được quyền lợi là mỗi năm nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm tại khu resort của công ty Alma ở Nha Trang, thời hạn trong vòng 35 năm. Nếu không có nhu cầu nghỉ dưỡng thì mỗi năm có thể cho thuê tuần nghỉ đó thu lời từ 3.000 - 4.000 USD, lời gấp nhiều lần so với giá mua", bà Hoa kể.

Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch - 1

Bà Hoàng Thị Kim Hoa và hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ Alma. Ảnh: PV Lao Động

Tin lời nhân viên Alma, chồng bà Hoa khi ấy có 9 triệu đồng mang theo đã đưa cho họ để đặt cọc. Sau đó, nhân viên "sales" (nhân viên kinh doanh tư vấn và giới thiệu bán hàng - PV) và kế toán của Alma theo về tận nhà ông bà để thu 30% giá trị hợp đồng.

"Vét hết tiền tiết kiệm trong nhà cũng không đủ 30% giá trị hợp đồng, họ lại xui tôi sang hàng xóm mượn thêm 60 triệu nữa, thế là ngay trong tối 12.2.2019, họ thu đủ 129 triệu đồng mới ra về" bà Hoa kể.

3 ngày sau, 15.2.2019, bà Hoa lại được "sales" của công ty Alma gọi lên công ty để nhận "ưu đãi đặc biệt". Bà Hoa kể, thấy nhân viên nói được giảm giá và ưu đãi nhiều quá, “như bị thôi miên” nên tôi đã giấu chồng đi vay bạn bè mua thêm 1 gói sở hữu kỳ nghỉ du lịch nữa, trị giá 215 triệu đồng. Tổng giá trị cả 2 hợp đồng lúc này là 645 triệu đồng.

Do chỉ đủ tiền đóng 30% giá trị 2 hợp đồng đã đầu tư nên bà Hoa phải trả góp 70% số tiền còn lại, mỗi tháng 15 triệu đồng.

"Các con tôi cố gồng gánh trả góp giúp vợ chồng tôi được 6 tháng thì không thể cố được nữa. Chồng tôi bảo chấp nhận bỏ, còn tôi thì tiếc của không đồng ý bỏ, vì bỏ là mất hết tất cả số tiền đã đóng. Gia đình mâu thuẫn, cãi vã nhiều ngày, cuối cùng vợ chồng tôi phải ly hôn ở tuổi xế chiều, bán nhà chia của...", bà Hoa nói.

Với niềm tin công ty Alma sẽ giúp tìm khách cho thuê, bà Hoa đã dùng hết tiền được chia từ bán căn nhà sau khi ly hôn để đóng đủ 2 gói đầu tư sở hữu kỳ nghỉ du lịch. Nhưng khi bà liên hệ nhân viên tư vấn đề nghị cho thuê giúp tuần nghỉ thì cô này cho biết mình đã nghỉ việc, mời liên hệ với công ty.

Khi bà Hoa liên hệ công ty thì phía Alma cho biết, bộ phận cho thuê chưa được thành lập. Vậy là từ cuối 2019 đến năm 2021, bà Hoa không cho thuê được đồng nào.

Đang hoang mang, lo lắng không biết xoay sở thế nào thì ngày 23.9.2021, bà Hoa lại được nhân viên của Alma mời lên công ty để hỗ trợ bán 2 gói sở hữu kỳ nghỉ mà bà đã đầu tư.

"Hai nhân viên của công ty Alma nói, chủ đầu tư người nước ngoài muốn mua lại 60 tuần nghỉ của 30 chủ sở hữu, tôi là người may mắn được chọn.

Hai gói sở hữu kỳ nghỉ của tôi lúc mua chỉ 645 triệu đồng nhưng bây giờ công ty sẽ mua lại gần 1,1 tỉ đồng. Nhưng, tôi muốn bán được hai gói này thì phải mua thêm 1 gói mới có giá gần 300 triệu đồng", bà Hoa kể lại nội dung đã được tư vấn bởi nhân viên Alma.

Bà Hoàng Thị Kim Hoa chia sẻ về tình cảnh hiện tại sau khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ Alma. Video: Lao Động

Bà cho biết, lúc này chỉ còn đúng 5,5 triệu đồng để phòng thân nhưng được nhân viên của Alma thuyết phục dùng hết số tiền này để đặt cọc; sau đó đi vay mượn thêm để đóng đủ 35% của tuần nghỉ thứ 3 vì chỉ hơn 1 tháng nữa là công ty sẽ bán giúp 2 tuần nghỉ cũ.

Một lần nữa, bà Hoa đi vay tiền để đóng gần 90 triệu đồng cho Alma, khi vừa đóng đủ 35% hợp đồng cho gói đầu tư thứ 3 thì hai nhân viên tư vấn cho bà lại nghỉ việc.

"Tôi lên công ty thì họ nói không trả lại tiền và yêu cầu tôi "nâng cấp" gói sở hữu kỳ nghỉ thứ 3 lên thì mới dễ cho thuê, nhưng phải đóng thêm 16 triệu đồng. Tôi già rồi, không hiểu biết gì, thấy họ dụ là sẽ cho thuê được giá cao nên mới ký hợp đồng. Tôi như bị đưa vào ma trận...", bà Hoa vừa lau nước mắt vừa nói.

Thực tế, từ đó đến nay, việc cho thuê vẫn chỉ là lời hứa, không có tuần nghỉ nào được thuê. Nhà đã bán, giờ bà Hoa phải đi ở nhờ nhà một người bạn.

“Xót tiền, lại không còn nhà nên mỗi dịp Tết tôi lại đặt phòng nghỉ ở khu nghỉ dưỡng của Alma tại Nha Trang, nhưng chồng con không có bên cạnh, cả khu nghỉ dưỡng thì vắng hoe…”, người phụ nữ 65 tuổi nức nở.

Hàng trăm người tố cáo bị lừa đảo bằng cùng 1 kịch bản

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự là bà Ngô Thúy Trầm (67 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) khách hàng của công ty TNHH Holidays Việt Nam, một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch.

Bà Trầm cho biết, ngày 10.11.2022, bà được Công ty Holidays Việt Nam mời đến tòa nhà Trung Yên Plaza (số 1 Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) dự hội thảo để cho ý kiến về thói quen đi du lịch của người Việt Nam và nhận vé du lịch nghỉ dưỡng miễn phí 3 ngày 2 đêm tại Đà Lạt.

Tại đây, bà được nhân viên công ty này giới thiệu họ có liên kết với chuỗi khách sạn Movenpick và hãng hàng không Vietnam Airlines.

Tin lời quảng cáo, bà Trầm đóng 195 triệu đồng để mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ 10 năm, mỗi năm 8 ngày 7 đêm của Holidays Việt Nam.

Tuy nhiên, khi bà yêu cầu đặt vé máy bay đi Đà Lạt thì được trả lời là hết vé. Bà Trầm xác minh thì biết, công ty Holidays Việt Nam không có liên kết với Vietnam Airlines.

Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch - 2

Nhân viên công ty TNHH Holidays Việt Nam tư vấn cho khách hàng về gói đầu tư nghỉ dưỡng vào tháng 5.2023. Ảnh: PV Lao Động

Thấy dấu hiệu bị lừa, bà Trầm yêu cầu được xem văn bản ký kết với Movenpick thì công ty không đưa ra được, người phụ nữ hưu trí xác minh thì được Movenpick trả lời họ bị mạo danh, không có bất cứ hợp tác nào với Holidays Việt Nam.

Bà Trầm cho biết, trước khi ký hợp đồng, mình được nhân viên Holidays Việt Nam hứa sẽ tìm được khách cho thuê kỳ nghỉ của mình với giá 4 triệu đồng/đêm, 7 đêm sẽ là 28 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi không cho thuê được như đã hứa, nhân viên tư vấn đã chối bỏ hoàn toàn những cam kết trước kia.

“Thậm chí, anh ta còn nói, chỉ cho thuê được với giá 1 triệu đồng/đêm và nói mình không hề có nghĩa vụ phải tìm khách thuê cho chủ hợp đồng”, bà Trầm bức xúc.

Khi đọc rõ các điều khoản trong hợp đồng, bà Trầm mới ngã ngửa khi thấy điều khoản: “Holidays Việt Nam sẽ không chịu trách nhiệm về lời nói, tuyên bố của nhân viên, người lao động của công ty”.

Một doanh nghiệp khác kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch cũng bị nhiều khách hàng tố cáo là công ty TNHH Oh Vacation.

Ông Hoàng Kim Cát (71 tuổi) ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngày 15.5.2019, vợ chồng ông được phía công ty TNHH Oh Vacation mời đến văn phòng tại một khách sạn 5 sao trên đường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) để nhận voucher nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm ở Cocobay Đà Nẵng.

Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch - 3

Ông Hoàng Kim Cát và hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch ký với công ty Oh Vacation. Ảnh: PV Lao Động

Ông Cát cho biết thêm, khi đến nơi, nhân viên tư vấn cho biết, muốn nhận voucher thì phải ngồi 2 tiếng để xem quảng cáo về chính khu nghỉ dưỡng đó. Buổi hôm đó, có rất nhiều người cùng dự, nhưng đa phần là người già, về hưu. Mỗi người được bố trí ngồi một bàn riêng, có các nhân viên trẻ đẹp của công ty ngồi cùng.

“Họ vẽ ra một viễn cảnh về một khu nghỉ dưỡng hoành tráng. Cuối buổi nhân viên tư vấn có mời tôi mua gói nghỉ dưỡng gold có thời hạn 20 năm với mức phí là 135 triệu đồng, mỗi năm sẽ được nghỉ dưỡng ở Cocobay 8 ngày 7 đêm. Vé này có thể bán, cho thuê hoặc thừa kế. Do có nhu cầu nghỉ dưỡng nhiều nên tôi đã mua mà không lăn tăn gì”, ông Cát nói.

Vì dự án Cocobay chưa hoàn thiện nên sau đó, phía công ty Oh Vacation thỏa thuận với khách hàng khi đi nghỉ dưỡng sẽ chuyển sang khu resort khác có tên là Nam An.

Tuy vậy, rất nhiều lần ông Cát gọi lên chăm sóc khách hàng của công ty để đặt phòng nghỉ dưỡng như cam kết trong hợp đồng thì đều không được, bởi lý do “khu nghỉ dưỡng đã hết phòng”.

Quá mệt mỏi vì không đặt được phòng, ông Cát đề nghị công ty bán lại gói kỳ nghỉ du lịch đã mua ban đầu nhưng cũng không bán được.

Tháng 9.2022, phía công ty Oh Vacation lại gọi điện thoại mời ông Cát nâng cấp gói nghỉ dưỡng lên thành Gold Plus, đóng thêm số tiền 110 triệu đồng. Đồng thời, cam kết trong vòng từ 30 – 60 ngày sẽ sang nhượng bán lại toàn bộ hợp đồng này cho người khác với giá trị 425 triệu đồng.

“Tuy vậy từ đó đến nay, hơn 10 tháng đã qua, họ cũng không bán được và thực tế cũng không có ai mua. Những nhà đầu tư như tôi đã nhiều lần kéo đến công ty để đòi quyền lợi nhưng họ trốn tránh và liên tục thay đổi địa điểm để lôi kéo những nhà đầu tư mới”, ông Cát nói.

Ngoài trường hợp của bà Hoa, bà Trầm và ông Cát, phóng viên Báo Lao Động đã tiếp nhận hàng trăm phản ánh và đơn thư tố cáo các công ty: TNHH Khu du Lịch Vịnh Thiên Đường (Alma), TNHH Holidays Việt Nam, TNHH Oh vacation có dấu hiệu lừa đảo trong việc mời gọi đầu tư theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch.

Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch - 4

Khách hàng được mời đến dự hội thảo để nhận voucher nghỉ dưỡng do công ty TNHH Holidays Việt Nam tổ chức vào tháng 5.2023. Ảnh: PV Lao Động

Các nội dung phản ánh và tố cáo đều cho rằng, họ bị lừa đảo bằng cùng chung 1 kịch bản: Người dân (đa phần là người già, về hưu) được mời gọi đến nhận voucher nghỉ dưỡng miễn phí sau đó được mời chào đầu tư sở hữu kỳ nghỉ du lịch với cam kết không có nhu cầu nghỉ có thể cho thuê hoặc bán lại để kiếm lời.

Tuy vậy, đó chỉ là lời của nhân viên tư vấn mà không hề được thể hiện trong hợp đồng. Nhiều người dân cho biết, do tin lời tư vấn viên và bị thúc đẩy ký hợp đồng ngay trong sự kiện, trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo, hợp đồng lại dài hàng chục trang, chữ nhỏ nên bất cẩn trót đặt bút ký.

Một số doanh nghiệp đổ lỗi cho nhân viên tư vấn sai. Tuy vậy, các chứng cứ thu thập được trong thời gian dài phóng viên Lao Động điều tra cho thấy: Các nhân viên tư vấn này đã được công ty đào tạo để có các màn tư vấn có dấu hiệu lừa đảo như vậy. Từ đó, đẩy nhiều người dân, hộ gia đình rơi vào bi kịch...

Lời tòa soạn: Mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch (timeshare) phát triển rầm rộ vài năm gần đây tại Việt Nam, thậm chí từng được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19.

Các doanh nghiệp điển hình trong thị trường này như: Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma), Công ty TNHH Holidays Việt Nam, Công ty TNHH Oh Vacation…

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch tại Việt Nam đã huy động từ nhà đầu tư số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Tuy vậy, phản ánh đến Báo Lao Động, hàng trăm người tham gia vào hợp đồng kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch cho biết, họ không được hưởng đúng quyền lợi như những hứa hẹn, tư vấn ban đầu. Thậm chí, nhiều người còn phản ánh, các doanh nghiệp theo mô hình này có dấu hiệu lừa đảo với một kịch bản tinh vi và trốn thuế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhóm PV (Báo Lao Động)

CLIP HOT