Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mòn mỏi chờ mặt bằng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được đánh giá mang tính cấp bách để giải quyết kẹt trên trời - dưới đất không chỉ ở dịp cao điểm mà còn cải thiện nhu cầu đi lại hằng ngày.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mòn mỏi chờ mặt bằng - 1

Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chỉ được khắc phục khi nhà ga T3 được xây dựng và đi vào hoạt động - Ảnh: Q.ĐỊNH

Công trình này dự kiến khởi công vào cuối năm 2021 để kịp tiến độ nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn chờ bàn giao đất, chưa hẹn ngày khởi công. Vì sao?

Dự án cấp bách vẫn phải chờ

Tháng 10-2021, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) thông tin nhà ga hành khách T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có thể khởi công vào tháng 12. Tuy nhiên, đến nay đã trễ hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa thể khởi công được. Nhà ga T3 được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn của chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Mục tiêu xây dựng ga T3 tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1. Đồng thời, nhà ga T3 phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Theo Bộ GTVT, trước áp lực giải quyết tình trạng quá tải cho Tân Sơn Nhất lên công suất 50 triệu hành khách/năm khi sân bay Long Thành (Đồng Nai) dự kiến tới 2025 mới đi vào hoạt động, cơ quan này đã đề nghị Chính phủ đưa dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào danh mục dự án cấp bách.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, vị trí xây dựng nhà ga T3 nằm trên khu đất hơn 16ha hiện là đất quốc phòng tại Tân Sơn Nhất, tiếp giáp và chồng lấn với diện tích khu đất mà Quân chủng Phòng không không quân (Bộ Quốc phòng) đã giao cho Công ty cổ phần Vietstar Airlines (một công ty có vốn góp của quân đội) nhiều năm qua.

Tại khu đất này hiện còn 2 hangar (chứa máy bay) để sửa chữa, bảo dưỡng máy bay cho nhiều hãng hàng không trong nước phải giải phóng mặt bằng theo trình tự quy định nên thời gian kéo dài.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mòn mỏi chờ mặt bằng - 2

Nhà ga T3 vẫn chưa biết khi nào khởi công. Trong ảnh: máy bay chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn cần T3!

Trong bối cảnh hàng không, du lịch đang bị đình trệ bởi COVID-19, việc sớm đẩy nhanh thời gian khởi công xây dựng nhà ga T3 đón đầu lượng khách tăng mạnh trở lại là vô cùng cấp thiết. Thực tế, cứ đến dịp cao điểm đi lại, dù có cố gắng co kéo nhưng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn không thể tránh khỏi tình trạng quá tải vì hạ tầng chật hẹp. Để đạt mức tăng trưởng như trước khi có dịch, những "điểm nghẽn" về hạ tầng hàng không phải nhanh chóng được tháo gỡ và cởi bỏ những rào cản đối với hành khách...

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, lãnh đạo ACV cho biết tiền đã có sẵn, phương án xây dựng đã hoàn thiện nên khi tiếp nhận được quỹ đất, ACV sẽ bắt tay ngay để khởi công. Vị này nêu giả sử được bàn giao đất vào tháng 4-2022 thì ACV sẽ thúc tiến độ thi công 24/24 giờ để kịp quý 2-2024 đưa vào khai thác.

Theo tính toán hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp sân bay Long Thành (phục vụ khách quốc tế) có đưa vào sử dụng vào năm 2025 thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn phải phục vụ khoảng 50 triệu khách/năm nên bắt buộc phải có nhà ga T3.

Bên cạnh đó, trong khi chờ đợi sân bay Long Thành đi vào hoạt động cuối năm 2025, nhiều chuyên gia hàng không nhấn mạnh cần phải mở rộng, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất để tăng hiệu quả đầu tư, chất lượng dịch vụ hành khách nên nhiều bộ phận liên quan cho hay với tình hình hiện tại, không chỉ đang lo lắng tiến độ dự án mà tỉ lệ trượt giá sẽ tăng cao, càng chậm trễ khởi công càng đội chi phí lên hàng ngàn tỉ đồng.

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho hay có thể đại dịch COVID-19 khiến vấn đề quá tải hạ tầng sân bay không còn được quan tâm. Nhưng với sự phục hồi nhanh chóng của ngành hàng không, du lịch, thời gian rất gần, nạn quá tải sẽ là điểm nghẽn cho sự phục hồi kinh tế.

Theo ông Nam, Việt Nam có 21 sân bay do Nhà nước xây dựng và 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn. Tuy nhiên, công suất 22 sân bay mới được 75 triệu khách mỗi năm. "Con số này chỉ bằng sân bay Changi của Singapore. Muốn có sự phục hồi phải có sự phát triển tương xứng. Đừng quên, nếu không có sân bay rồi lại sẽ thành điểm nghẽn", ông Nam nói.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mòn mỏi chờ mặt bằng - 3

Lấn cấn nhiều năm, vẫn chưa khởi công được nhà ga T3 Nguồn: C.TRUNG tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Quy trình sắp xếp, xử lý tài sản công

Được biết, trước tình trạng chậm trễ, các cơ quan chức năng liên quan đang đẩy nhanh các thủ tục theo đúng trình tự nghị định 167/2017/NĐ-CP về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Sau khi có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với khu đất nêu trên để bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý theo quy định pháp luật về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định tại nghị định. Khi được bàn giao, UBND TP.HCM tiến hành giao đất theo quy định của Luật đất đai, Luật hàng không dân dụng và các quy định liên quan.

Trước đó năm 2021, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng khẩn trương lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, trong đó xác định rõ khu đất 16,05ha là diện tích đất quốc phòng giao lại cho UBND TP.HCM quản lý sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ga T3 theo khoản 4, điều 3, nghị định 167 để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mòn mỏi chờ mặt bằng - 4

Nguồn: ACV - Đồ họa: T.ĐẠT

Gấp rút nâng cấp đường băng, mở đường giao thông

Trong khi tiến độ khởi công nhà ga T3 bị trễ thì đường băng, đường giao thông kết nối có tín hiệu sẵn sàng.

Khai thác đường băng 25R/07L trước 30-4

Đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã được tạm dừng khai thác từ ngày 21-2 để thi công các đường lăn thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, các đường lăn ở sân bay này. Hiện tại, máy bay sẽ cất hạ cánh trên đường băng còn lại là 25L/07R, dài 3,8km, rộng 45m.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ quản lý khai thác tại Tân Sơn Nhất cho biết việc đóng một đường băng ít ảnh hưởng hoạt động bay vì giai đoạn sau Tết được xem thấp điểm của hàng không. Hằng ngày, các đơn vị cảng và hãng bay, công ty dịch vụ mặt đất đều có phương án phối hợp đảm bảo khai thác an toàn trong giai đoạn công trình đang thi công.

Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương bố trí đủ nhân lực, máy móc, thiết bị... hoàn thành tiến độ theo cam kết và chịu trách nhiệm đưa vào khai thác trước 30-4.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mòn mỏi chờ mặt bằng - 5

Đường Hồng Hà (quận Tần Bình) mở rộng dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TỰ TRUNG

Cuối quý 2-2022, khởi công đường kết nối

Chiều 8-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết dự kiến cuối quý 2 năm nay sẽ khởi công hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn dài 42m, thuộc dự án kết nối với nhà ga T3. "Tinh thần là khẩn trương triển khai đảm bảo tiến độ để đồng bộ với tiến độ dự án nhà ga, để kết nối giao thông đồng bộ. Các gói thầu khác sẽ được gấp rút thực hiện để hoàn thành sau 18 tháng", ông Phúc cho hay.

Để tạo giao thông kết nối với nhà ga T3, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án nói trên với tuyến đường chính rộng 25-48m, quy mô 6 làn xe. Hai đoạn đường nhánh kết nối qua tuyến chính gồm nhánh đường Phan Thúc Duyện và 18E được thiết kế 3-6 làn xe. Trên tuyến này còn xây một cầu dài khoảng 1km, quy mô 4 làn xe. Ngoài hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn còn có hầm chui tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Ngoài ra, theo ông Phúc, còn có dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài gần 800m, rộng 22m, tổng đầu tư 257 tỉ đồng; dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa với tổng vốn đầu tư 141 tỉ đồng...

Vietstar Airlines kinh doanh những gì?

Công ty cổ phần Vietstar Airlines (Vietstar), doanh nghiệp có 25% vốn góp (bằng quyền sử dụng đất) của Nhà máy sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không không quân), 67% vốn góp của Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Việt, 8% vốn góp của Công ty phát chuyển nhanh Ngôi Sao Việt - doanh nghiệp hiện có giấy phép hoạt động hàng không chung và có 3 công ty bảo dưỡng máy bay tại khu đất hiện do Bộ Quốc phòng quản lý ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Mục tiêu của hãng là cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ air taxi bằng các loại máy bay nhỏ. Hãng còn cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến khai thác chung của ngành hàng không như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

C.TRUNG - L.PHAN (Báo Tuổi Trẻ)

CLIP HOT