"Thế giới taxi riêng" ở Sân bay Tân Sơn Nhất: Tồn tại nhiều năm, phân vai cụ thể
"Thế giới taxi riêng" ở sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động 5-6 năm nay và người lạ không dễ vào bên trong tòa nhà TCP hoặc khu vực xung quanh sân bay để bắt khách
Quay lại chuyện chúng tôi bị "ép" đi chung xe với một hành khách sau khi được "cò" ở sảnh D dẫn lên lầu 3 tòa nhà TCP để lên xe vào trưa 9-2, khi tôi bày tỏ sự bực tức, thì tài xế nói: "Anh chị thông cảm, tôi cũng phải gửi lại tiền trà nước cho "cò" chứ đâu được hưởng hết".
Rõ ràng số tiền ăn chia
Trên xe, tài xế nói mình tên H. và cho biết đã hoạt động kiểu như trên khoảng 6 năm nay. Hằng ngày, anh chạy xe vào bãi đỗ ôtô trong tòa nhà TCP để hành nghề taxi dù xe không có app (phần mềm), không bảng hiệu, hộp đèn taxi. Theo tài xế H., ngoài anh thì trong bãi xe tòa nhà TCP có hơn 10 người cũng làm nghề tương tự, mỗi ngày chia nhau tỏa ra tìm khách, những người hoạt động lâu năm có thể "đá" khách cho nhau nếu không đi chuyến đó và người nhận chuyến sẽ gửi 1 khoản phí từ 10 đến 20% tùy chuyến. Tuy nhiên, những người "đá" khách thường là những người có thâm niên ở đây. Nhiều ngày có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận những người hoạt động như tài xế H. đều quen biết với những người bán nước, giữ xe, điều tiết giao thông bên trong tòa nhà TCP.
Các nhân viên hãng xe Avigo (ngoài cùng bên phải) chèo kéo khách trong tòa TCP. Ảnh: Trần Thái.
Trong khi đó, tiếp cận ông B., chạy xe công nghệ, ông bật mí có khoảng 10 người là "trùm" bến bãi nơi đây như ông D., Kh., Tr., H.,… "Những người này ai cũng phải nể vì họ hoạt động trong khu vực sân bay nhiều năm. Điểm đặc biệt là họ kêu giá 1 chuyến xe rất cao, gấp đôi giá thường, nếu khách đồng ý, họ chạy luôn hoặc chỉ làm "cò" bắt khách cho người khác và lấy 20.000 - 30.000 đồng. Đối tượng của nhóm người này là những hành khách không tải app, không có 3G để đặt xe và thường đáp chuyến bay vào ban đêm, khi vắng xe, không còn nhiều lựa chọn" - ông B. cho biết.
Cũng từ những ngày "ăn dầm nằm dề" tại đây, chúng tôi ghi nhận hãng xe Avigo có một lực lượng rất hùng hậu trong tòa nhà TCP, những người này được gọi là "nhân viên điều phối" nhưng chuyên áp sát khách để mời chào đi xe. Minh chứng là 23 giờ ngày 13-2, quầy gọi xe của Avigo là nơi duy nhất có nhân viên ngồi trực. Cũng theo quy định, hành khách có nhu cầu đi taxi tại sân bay sẽ phải đặt qua ứng dụng của hãng hoặc gọi xe trực tiếp tại quầy ở sảnh D. Thế nhưng, khi mở app Avigo thì ứng dụng này không hoạt động, chúng tôi đã trực tiếp gặp nhân viên ngồi tại quầy để đặt xe. Sau vài thao tác trên máy tính, nhân viên thông báo, theo bảng giá, quãng đường chúng tôi đặt có giá cước 360.000 đồng. Tuy nhiên, khi chưa kịp "chốt", cuộc nói chuyện của chúng tôi đã bị chặn ngang bởi một người đàn ông mặc đồng phục sơ mi trắng, quần tây giống nhiều nhân viên khác của hãng này nói: "Ra gặp mấy người điều hành ngoài kia nó báo giá cho kìa".
Lúc này, nữ nhân viên ngồi tại quầy hướng dẫn chúng tôi di chuyển theo hướng người đàn ông kể trên để ra khu vực gần với nơi đậu xe của hãng. "400.000 đồng" - một người đàn ông khác có đeo bảng tên của hãng Avigo báo giá ngay sau khi chúng tôi thông tin về nơi đến. Chúng tôi ngạc nhiên: "Nhân viên tại quầy vừa báo 360.000 đồng". "Báo lộn đó!" - người này nói chắc nịch. Không tin một người vừa kiểm tra thông tin trên máy tính và báo giá lại báo sai so với người báo giá trước đó, chúng tôi quay lại hỏi nhân viên. Người này cho biết: "Ảnh nói bao nhiêu là bấy nhiêu đó ạ!".
Chỉ cách vài bước chân, từ quầy đặt xe ra đến xe, hành khách đã phải mất 40.000 đồng. Vậy số tiền chênh lệch này là gì và tại sao khách đi xe phải trả? Câu hỏi này được tài xế chở chúng tôi ngay sau đó lý giải là tiền để trả cho "nhân viên điều phối xe" hay theo cách hiểu của chúng tôi đó là tiền công chèo kéo. Nhưng họ chèo kéo mà khách phải trả tiền thì thật sự vô lý. Hơn nữa, dù đi xe hợp đồng nhưng hợp đồng duy nhất giữa chúng tôi là hợp đồng miệng.
Không dễ vào tòa nhà TCP!
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, trong quá trình các nhân viên, những nhóm "cò" hùng hậu hoạt động, chèo kéo rôm rả, bát nháo ở tòa nhà TCP, không ít lần họ giáp mặt với nhân viên an ninh của sân bay nhưng chẳng hề hấn gì. Trong khi đó, vào vai một nhân vật "trông giống cò" xuất hiện ở làn C, nơi đón taxi, phóng viên đã nhanh chóng bị nhân viên an ninh sân bay áp sát, dò hỏi. Đi theo chúng tôi một quãng, người này lấy lý do chúng tôi đang bật camera ghi hình nên yêu cầu "báo tên tuổi", mặc dù khu vực này không có biển cấm quay phim, chụp hình.
Theo ông B., những người lạ không thể vào tòa nhà TCP để bắt khách vì "khu vực hoạt động" được phân chia rõ ràng, tài xế nào cả gan vi phạm là dễ gặp họa. Tương tự, một tài xế taxi truyền thống hoạt động lâu năm tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng khẳng định không dễ gì một người lạ chạy ôtô vào khu vực tòa nhà TCP bắt khách, bởi an ninh sân bay sẽ xử lý ngay. Do đó, những nhóm người ngày nào cũng có mặt trong tòa nhà TCP để bắt khách hay làm cò mồi, theo tài xế này là "phải có lý do".
Một tài xế hãng xe Avigo trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Trần Thái.
Một cán bộ Thanh tra giao thông cho biết tòa nhà TCP ngoài các bãi giữ xe còn có làn D dưới tầng trệt dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón trả khách. Ngoài ra, tầng 3 - 5 của tòa nhà này dành cho các hãng xe công nghệ (Grab, Be…) đón khách. "Lực lượng chúng tôi thường xuyên đóng chốt, phối hợp các lực lượng khác để hướng dẫn phương tiện và xử lý các hành vi đón trả khách sai quy định bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, thẩm quyền chỉ được kiểm tra bên ngoài tòa nhà TCP như các làn A, B, C. Riêng khu vực làn D cũng như các tầng 3, 4, 5 thuộc tòa nhà này thì Thanh tra giao thông không kiểm tra do các văn bản quy định thẩm quyền trước đó" - vị cán bộ Thanh tra giao thông nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng Công an quận Tân Bình, cho hay Công an quận Tân Bình chỉ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực sân bay, việc phân luồng, bố trí chỗ đậu và bắt khách cho các tài xế taxi thuộc quyền quản lý từ các cơ quan thẩm quyền khác. "Tình trạng các tài xế taxi chèo kéo như thông tin Báo Người Lao Động phản ánh là có và từng bị Công an quận Tân Bình phối hợp với các lực lượng tại sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra, xử phạt nhưng vẫn tái phạm" - thượng tá Nguyễn Thành Lợi thừa nhận. Ông nói ngay sau đọc Báo Người Lao Động, sáng 16-2, lực lượng Công an quận Tân Bình đã ra quân phối hợp các lực lượng khác tổ chức kiểm tra các khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. "Hiện chúng tôi đã kiểm tra và lập biên bản một số trường hợp" - thượng tá Nguyễn Thành Lợi nói.
Trưởng Công an quận Tân Bình cũng cho biết an ninh sân bay Tân Sơn Nhất từng bàn giao một số đối tượng sử dụng giấy tờ giả khi đi máy bay và đã được công an quận lập hồ sơ xử lý theo quy định. "Riêng những trường hợp vi phạm về hành vi chèo kéo hay "chặt chém" khách thì công an quận chưa tiếp nhận trường hợp nào để xử lý" - trưởng Công an quận Tân Bình khẳng định.
"Co vòi"! Đúng như khẳng định của lãnh đạo Công an quận Tân Bình, theo ghi nhận, lúc 9 giờ 30 phút ngày 16-2, tại khu vực đón trả khách tại làn A và B, lực lượng liên ngành đã tổ chức kiểm tra, xử phạt các trường hợp tài xế vi phạm. Chỉ trong vòng 10 phút, lực lượng chức năng đã lập biên bản 2 trường hợp vi phạm. Cụ thể, một ôtô cá nhân không có hợp đồng nhưng đón trả khách sai quy định tại làn A (nơi trả khách) và một phương tiện xe biển số vàng đậu quá thời gian quy định. Sau khi Báo Người Lao Động lên tiếng, trong tòa nhà TCP không còn cảnh chèo kéo, bát nháo như vài ngày trước. Ảnh: Lê Vĩnh. Trưa cùng ngày, dù lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất khá đông nhưng với hành lý trên người, phóng viên đi từ sảnh quốc nội, lần lượt băng qua các làn A, B, C, D. Tại đây, tình trạng "cò" chèo kéo khách không còn như những ngày trước. Tại tầng 1 ở làn D, hành khách trao đổi nhanh với nhân viên các hãng xe đặt quầy, sau đó nhanh chóng lên xe rời đi. Tương tự, ở lầu 3, 4, 5 của làn D - nơi các hãng taxi công nghệ đón khách cũng không còn tình trạng lộn xộn. Người dân trật tự xếp hàng, đợi taxi công nghệ đã đặt trước đến đón. "Tôi đặt taxi công nghệ về quận Tân Bình, vừa mở ứng dụng lên là đặt được. Tài xế hẹn lên lầu 3 đón" - chị Trần Giang (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết. |
Việt Nam nối lại đường bay với 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tần suất bay vẫn còn thấp do lượng khách chưa cao.