Người nước ngoài bỡ ngỡ đi chợ thời giãn cách ở TP.HCM
Lần đầu dùng phiếu đi chợ, xếp hàng dài để mua đồ ăn, chấp nhận “có gì ăn nấy” là những trải nghiệm không thể quên của người nước ngoài sống ở TP.HCM thời dịch.
“Từng sống ở châu Âu và Mỹ, tôi mới chỉ xếp hàng mua quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ điện tử… vào các đợt khuyến mãi lớn trong năm. Còn cầm phiếu, xếp hàng mua thực phẩm thì lần đầu tôi được trải nghiệm ở TP.HCM”, anh Anderson (người Anh) tỏ ra ngạc nhiên.
Từ cuối tháng 7, người dân TP.HCM bắt đầu nhận được phiếu đi siêu thị theo ngày trong tuần. Cư dân ngoại quốc đã gặp không ít khó khăn khi mua lương thực, thực phẩm.
Lần đầu xếp hàng, dùng phiếu đi chợ
Mấy hôm nay, anh Anderson sống ở TP Thủ Đức cầm phiếu đi siêu thị từ sáng sớm. Sau vài lần xếp hàng mệt nhoài, anh tự rút kinh nghiệm và làm quen với kiểu đi chợ mới ở TP.HCM.
“Lần đầu tôi đi lúc 10h thì phải đợi quá trưa mới được vào. Lần thứ hai tôi đi lúc 14h thì chưa kịp vào họ đã rục rịch đóng cửa lúc 15h30. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên có mặt từ 7h sáng”, Anderson chia sẻ.
Sáng 29/7, ông Peter (người Đức) đã tròn mắt bất ngờ khi thấy người xếp hàng dài trước một siêu thị nhỏ ở quận 1. Người dân giải thích cho ông về việc địa phương phát phiếu mua thực phẩm theo ngày. Điều này ông chưa được phổ biến thông tin cũng như chưa nhận được phiếu nào.
Nhiều người nước ngoài ngạc nhiên khi được phát phiếu mua lương thực, thực phẩm và phải xếp hàng dài đợi mua. Ảnh: Duy Hiệu.
Sau khi nhờ hàng xóm liên hệ chính quyền địa phương, ông có hai phiếu đi siêu thị trong tuần. “Bây giờ tấm phiếu này còn có giá trị hơn tiền. Nó khiến tôi lần đầu biết mua tích trữ đồ ăn trong 5 năm sống ở Việt Nam vì không phải lúc nào muốn mua là được”, ông Peter hài hước nói.
Chị Lisa (người Pháp, quận Bình Thạnh) đã sống ở TP.HCM 3 năm nhưng chưa từng gặp hoàn cảnh này. Chị đã biết rõ phương thức đi chợ mới của thành phố. Tuy nhiên, chị phải đứng xếp hàng dưới trời nắng hơn một giờ mới vào được siêu thị tiện lợi.
“Trước đây, nếu siêu thị này đông thì có thể đến siêu thị khác, hàng hóa đầy đủ. Bây giờ chúng ta không có sự lựa chọn, tôi đành chấp nhận làm quen”, Lisa chia sẻ.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương nhận định do số lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động khá lớn, người dân chủ yếu đổ về kênh phân phối siêu thị nên không tránh khỏi tình trạng dồn ứ.
Tính đến ngày 3/8, TP.HCM có 29 chợ truyền thống hoạt động, 2.763 cửa hàng tiện lợi mở cửa, hơn 130 điểm bán hàng lưu động, đồng thời thành phố đang triển khai thêm 41 điểm bán lưu động với 71 đầu xe.
Có gì ăn nấy
Trong bối cảnh siết chặt giãn cách, không ít người nước ngoài gặp khó trong việc mua thực phẩm. Họ buộc phải làm quen với tình hình chung, thay đổi ít nhiều thói quen ăn uống.
Anh Karriem (người Malaysia, ở quận 1) theo đạo Hồi, ăn uống theo tiêu chuẩn Halal, trong đó phải kiêng thịt heo.
“Lần nào đi siêu thị chỉ còn mỗi thịt heo, tôi phải ăn tạm đồ hộp, hoặc ăn chay. Tôi tận dụng phiếu đi chợ từng ngày từng giờ để mua được thịt bò, gà, cá tươi sống”, anh Karriem kể.
Tại quận 4, nơi Miller (người Mỹ) sống thì không có siêu thị lớn. Trước đây, cô thường đến siêu thị Lotte quận 7 để mua đúng loại thực phẩm, nguyên liệu. Hiện Miller chỉ được mua đồ ăn ở siêu thị nhỏ gần nhà.
“Tôi dùng các ứng dụng mua sắm nhưng không khả thi, họ không cho đặt hàng vì cửa hàng khác quận, dù chỉ cách 1 km. Bữa ăn của tôi có phần sơ sài hơn”, Miller nói.
Nhiều nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn người Tây như bơ, sữa, bột mì, sợi spaghetti, phô mai, quả olive… thường không được ưu tiên cung ứng trong thời gian này.
Người nước ngoài phải "nhập gia tùy tục" khi đi chợ hay siêu thị ở Việt Nam, nhất là trong thời dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.
Một shipper cho biết đã vài lần phải nhờ người gửi tin nhắn bằng tiếng Anh thông báo cho vị khách nước ngoài về việc hết hàng, hủy đơn.
Còn Niel (người Philippines) sống trong khu phong tỏa ở TP Thủ Đức, nói rằng anh phải nhờ hàng xóm mua hoặc lấy thực phẩm viện trợ. “Họ lấy được gì cho họ thì sẽ chia cho tôi một phần, tôi không có sự lựa chọn”, Niel cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài chọn cách dò hỏi địa chỉ mua thực phẩm trên mạng xã hội. Họ ngại ra đường đi siêu thị do rào cản ngôn ngữ và lo sợ lây nhiễm.
Trên nhóm Facebook của cộng đồng người ngoại quốc ở TP.HCM xuất hiện hàng loạt bài đăng với nội dung như “làm ơn chỉ giúp tôi chỗ mua bột mì”, “tôi cần mua ít trái cây”…
Tuy nhiên một thành viên cho rằng đây cũng chỉ là phương án “chữa cháy” khi không mua được ở siêu thị, do phí vận chuyển cao nên không thể áp dụng thường xuyên.
Nhịp sống thay đổi, không được vi vu ngoài đường hay la cà quán xá, những cư dân ngoại quốc ở TP.HCM tự tạo những thú...