Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO xem xét là di sản văn hoá phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm sẽ được UNESCO xem xét, thẩm định đề cử vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tối 27.11 (giờ địa phương), tại Thủ đô Rabat, Vương quốc Maroc, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã tổ chức lễ khai mạc Kỳ họp thứ 17.
Kỳ họp sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 28.11 đến ngày 3.12) với sự góp mặt của 1.100 đại biểu đến từ 130/180 Quốc gia thành viên.
Đoàn Việt Nam tham gia kỳ họp gồm các đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Trưởng đoàn), Đại diện phái đoàn Việt Nam tại UNESCO (cùng với đại diện Bộ ngoại giao), Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và nghệ nhân thực hành nghệ thuật gốm của người Chăm.
Đoàn Việt Nam tham gia kỳ họp. Ảnh: Thu Trang
Ngày 20.9.2005, Việt Nam chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới. Cho đến nay, có 180 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn tham gia là thành viên của Công ước 2003.
Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 là cơ quan điều hành của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước. Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể bao gồm 24 đại diện của các quốc gia thành viên, do Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước bầu ra.
Tại kỳ họp này, Ủy ban liên Chính phủ sẽ xem xét báo cáo (26) của các quốc gia thành viên về tình trạng của các di sản được ghi trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã tổ chức lễ khai mạc Kỳ họp thứ 17. Ảnh: Thu Trang
Xem xét các báo cáo (42) chu kỳ đầu tiên về việc thực hiện Công ước và về tình trạng của các di sản được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại các quốc gia thành viên ở Châu Âu.
Xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị ghi tên vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; xem xét, thẩm định hồ sơ đề cử vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xem xét các đề xuất đăng ký vào Danh sách Thực hành bảo vệ tốt; Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể; thảo luận chuyên đề về di sản sống và phát triển bền vững…
Với vai trò là Thành viên Ủy ban liên Chính phủ, Việt Nam sẽ tham gia thảo luận vào các nội dung của kỳ họp, trong đó bao gồm cả việc biểu quyết ghi danh hồ sơ vào các danh sách.
Trong khuôn khổ nội dung chương trình, Việt Nam đã gửi báo cáo (lần thứ 3) theo quy định của Uỷ ban về tình trạng bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể Ca Trù (được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009).
Đồng thời, Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (Việt Nam đã nộp ngày 31.3.2019) sẽ được UNESCO xem xét, thẩm định đề cử vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào chiều 29.11 (giờ địa phương).
Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 đã chính thức bắt đầu. Ngày hội với hàng loạt...