Mở cửa du lịch cần tránh "quay xe" chính sách
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sáng 25/12, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”.
Các Đại biểu dự hội nghị đang thảo luận về các vấn đề phục hồi và phát triển ngành du lịch. Ảnh: Báo Nghệ An.
Hội thảo có khoảng 300 khách mời là lãnh đạo, đại diện các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong nước, các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch tham dự hội thảo. Hội thảo tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò, đồng thời kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo Du lịch năm 2021. Ảnh: Báo Nghệ An.
Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.
Trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.
Ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh cần mở cửa toàn bộ để khôi phục và phát triển ngành du lịch. Ảnh: Cổng TTĐT Nghệ An.
Tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh “mở cửa” để khẳng định tính cấp thiết của việc mở cửa và khôi phục du lịch. Ông cho biết hiện nay không có hỗ trợ nào tốt hơn việc mở cửa toàn bộ, đơn cử như hàng không phải được bay thường lệ, cửa khẩu phải mở. Ngành ngoại giao và hàng không cần liên kết với ngành du lịch. Theo ông, không nên cách ly mà theo dõi sức khỏe của khách, xây dựng các phương án phù hợp.
Ông kêu gọi Bộ Y tế vào cuộc cùng ngành du lịch để đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn cho du khách quay trở lại. “Du lịch chỉ phục hồi khi mang thị trường cho doanh nghiệp, mang khách đến cho điểm đến. Muốn mở phải đồng bộ. Giữa các địa phương phải mở liên thông, không thể cát cứ, nơi làm thế này, nơi làm thế kia. Giữa các bộ, ngành như y tế, giao thông, ngoại giao, công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải quy định thông suốt, nhất quán,” ông phát biểu.
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Nghệ An.
Đồng tính với ý kiến của ông Siêu, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...;
Ngoài ra, trong bối cảnh mới, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới; thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới…
Thứ trưởng cho rằng thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã sẵn sàng các phương án tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho khách quốc tế dự kiến vào giữa năm 2022.
Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành phố trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Khi đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Báo Nghệ An.
Ông Việt cũng chỉ ra 3 mục tiêu để phục hồi, phát triển ngành Du lịch trong giai đoạn mới. Đầu tiên, cần từng bước mở lại hoạt động du lịch chắc chắn, ổn định và an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch, đưa Du lịch sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể…
Thứ hai là khơi thông, phát triển thị trường du lịch nội địa, từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vaccine và cuối cùng là không ngừng nâng cao năng lực cạnh trạnh, sức chống chịu và tạo động lực phát triển mới cho ngành Du lịch trong bối cảnh mới.
Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ, đại dịch Covid-19 như cơn cuồng phong chưa từng có trong lịch sử, “quét khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, khiến du lịch và hàng không là 2 ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch Việt Nam một ngành đang tăng trưởng 4 năm liên tục ở mức 2 con số, đóng góp 10% GDP, đóng góp lan toả trên 18% GDP nay suy thoái nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, ông Kỳ đề nghị cần phục hồi hệ thống giao thông vận tải đường hàng không, đặc biệt là hàng không quốc tế. Cần nhanh chóng bãi bỏ rào cản của địa phương, khai báo y tế cần thống nhất với nhau, tránh mất thời gian quy định ở nhiều địa phương khác nhau.
“Để khôi phục các hoạt động du lịch nội đại hiệu quả, cần hoàn thành nhanh tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và người lao động trong ngành du lịch. Chúng ta cần tiêm vắc xin để chớp thời cơ mở cửa Du lịch Việt Nam trở lại” – ông Kỳ nhận định.
Ngoài ra, Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế. Chúng ta cần sớm có chính sách tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu được về nước.
Cũng theo ông Kỳ, chính sách chống dịch phòng, chống dịch của Bộ Y tế cần nhất quán, tránh tình trạng “quay xe về chính sách” sẽ gây cản trở cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Dưới sự điều hành của chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành, Hội thảo còn mời các chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý và trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tiến hành thảo luận bàn tròn xung quanh các giải pháp được đưa ra.
Nhu cầu thực tế do dịch Covid-19 đã dẫn đến những xu hướng mới mà du lịch Việt Nam cần nắm bắt.