Lâm Đồng tái khởi động vận tải hành khách
Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành giao thông vận tải Lâm Đồng đã lên phương án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hoạt động vận tải hành khách được an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Dọn dẹp, chỉnh trang lại Bến xe Liên tỉnh Đà Lạt sau một thời gian tạm ngưng hoạt động
Trong điều kiện dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều người dân đã được tiêm vắc xin, tỉnh Lâm Đồng đã mở cửa du lịch, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, việc cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh là điều cần thiết.
Ông Lê Trọng Tài - Giám đốc Nhà xe Tài Thắng cho biết, khi có thông tin tỉnh Lâm Đồng cho phép hoạt động một số tuyến vận tải liên tỉnh trở lại, nhà xe đã đăng ký chạy lại sau gần 4 tháng tạm ngưng hoạt động. Hiện, nhà xe chạy tuyến cố định Đà Lạt - Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Tài, xe chạy trở lại chỉ để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho nhân viên và nhận vận chuyển hàng hóa chứ không có nhiều khách.
“Mỗi chuyến hiện tại của nhà xe chỉ có 5 đến 7 khách, ngày ít nhất chỉ có 2 khách, đang dịch bệnh phức tạp nên tâm lý ai cũng e ngại” - ông Tài chia sẻ. Hiện, nhà xe có 30 nhân viên, trước đó, để tuân thủ phòng dịch, toàn bộ nhân viên của nhà xe phải tạm nghỉ việc, nhà xe cũng đã hỗ trợ nhân viên mỗi tháng 2 triệu đồng để duy trì cuộc sống cũng như giữ chân nhân viên.
Để các chuyến xe liên tỉnh hoạt động nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, theo ông Tài, các lái xe, phụ xe đều phải tiêm đủ vắc xin phòng dịch và có giấy xét nghiệm âm tính mới được di chuyển. Các nhân viên của nhà xe đều đã được tiêm vắc xin mũi 1, một số đã hoàn thành mũi 2. Về phía hành khách yêu cầu đã tiêm 1 mũi vắc xin và giấy test âm tính, đối với khách đã được tiêm 2 mũi thì không cần test Covid-19. Nhân viên và hành khách trước khi lên xe phải khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, mang khẩu trang và tuân thủ 5K, các xe được phun khử khuẩn thường xuyên.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh cho biết, công tác chuẩn bị để hoạt động trở lại đang được thực hiện. Trong đó, ngoài bố trí đội ngũ lái xe, phụ xe tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, các doanh nghiệp còn xây dựng lại lộ trình di chuyển, ưu tiên khởi động lại những tuyến đến các tỉnh “vùng xanh”.
Bến xe vắng khách, chỉ có các tuyến xe buýt hoạt động
Ông Phạm Văn Bốn - Giám đốc Bến xe Liên tỉnh Đà Lạt cho biết, sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh về việc nối lại hoạt động vận tải liên tỉnh với một số tỉnh vùng xanh, bến xe đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phục vụ hoạt động của các hãng xe. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm việc tổ chức hoạt động vận tải và công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Mặc dù đã hoạt động trở lại, nhưng do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tâm lý người dân còn e ngại, nên lưu lượng khách rất ít. Không chỉ tuyến xe liên tỉnh vắng khách mà những xe nội tỉnh cũng không có nhiều khách. Bến xe Liên tỉnh Đà Lạt có 46 doanh nghiệp hoạt động trong bến, nhưng vì không có khách nên hiện tại ngoài nhà xe Tài Thắng thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký chạy liên tỉnh trở lại.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, lái xe và hành khách khi hoạt động trở lại, bến xe đã xây dựng và triển khai các phương án đón trả khách đúng nơi quy định đã có sẵn; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Hành khách trước khi vào cổng bến phải thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn; khử khuẩn thường xuyên các xe tại bến. Bến xe cũng đã bố trí phòng để lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2; 1 phòng cách ly tạm thời và 1 phòng bán vé riêng, phòng chờ nơi hành khách lên, xuống bảo đảm giãn cách và tuân thủ các biện pháp 5K.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải một số tỉnh, thành đã thống nhất triển khai hoạt động tuyến vận tải liên tỉnh với Lâm Đồng như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Dương, Hà Nội, Bình Định, Ninh Thuận, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Thuận, Đồng Nai, An Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Khánh Hòa, An Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định và Phú Thọ, Kom Tum, Đồng Tháp, An Giang. Một số tuyến đã khai thác: Lâm Đồng - Lạng Sơn, Lâm Đồng - Bắc Kạn, Lâm Đồng - Cao Bằng, Lâm Đồng - Hà Nội, Lâm Đồng - Nam Định. Các tuyến còn lại được các sở thống nhất dự kiến khai thác trong tuần tiếp theo.
Chuyển phát nhanh hàng hóa của Công ty Phương Trang
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Gia, ngành giao thông vận tải đang tập trung xây dựng phương án mở cửa hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh và sẽ có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Qua đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải xây dựng phương án bảo đảm tuân thủ quy định, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về phòng chống dịch Covid-19; gửi phương án về Sở Giao thông Vận tải tỉnh để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức phổ biến, quán triệt các quy định và phương án nói trên đến đội ngũ cán bộ, lái phụ xe và nhân viên phục vụ; thường xuyên nắm bắt thông tin về cấp độ dịch do các địa phương công bố các bến xe, trạm dừng nghỉ, hành trình và tuyến đường được hoạt động, lưu thông để xây dựng, cập nhật phương án vận chuyển.
Sau 1 tuần tỉnh có chủ trương mở lại các tuyến liên tỉnh với các tỉnh có cấp độ dịch 1 và 2, nhiều hãng xe trong và ngoài tỉnh cũng đã hỏi về các quy định cho phép ra, vào địa bàn để đăng ký hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng đăng ký khá ít, hiện tại chỉ có 16/94 tuyến đi và đến Lâm Đồng cho chạy lại.
Trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ sớm thống nhất với cơ quan chức năng các tỉnh có đầu tuyến đối lưu về phương án tổ chức vận tải hành khách; thông báo chi tiết việc tổ chức thí điểm vận tải hành khách; chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Chiều 4/10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị địa phương này hỗ trợ, tạo điều kiện cho...