Không được để Doanh nghiệp gặp khó khăn vì sự chậm trễ của chính quyền

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đẩy mạnh việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, TPHCM đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; ưu tiên và mở rộng đối tượng được tiêm vắc xin ngừa Covid-19; gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí; khoanh nợ, giảm và giãn lãi suất vay kinh doanh;… là một số đề xuất nổi bật của Doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TPHCM với DN sáng nay (10/6).

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Chu Tiến Dũng cho hay, khảo sát nhanh trên 100 DN, có 80/100 DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 90%, thị trường bị thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm khoảng 52%, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu khoảng 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng chống dịch chiếm khoảng 50%.

Theo ông Chu Tiến Dũng, hiện nay, các DN đang nỗ lực khắc phục khó khăn bằng việc cấu trúc lại DN, chuyển đổi công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, liên kết DN… Một số ngành công nghiệp trọng yếu đã ổn định bước đầu, kết nối lại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất đang tăng cao làm giảm sức cạnh tranh; gói hỗ trợ lần 1 của TP chưa thật sự rõ nét, DN vẫn khó tiếp cận…

Đề xuất TPHCM sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của Thành phố

Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM bày tỏ đồng tình với các nhóm giải pháp TP đề ra và tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, chung tay ủng hộ công sức, vật chất, trang thiết bị để cùng TP chống dịch hiệu quả.

Cùng với đó, DN đề xuất TP có cơ chế, kế hoạch và lộ trình cụ thể về chương trình tiêm vắc xin cho đối tượng là công nhân, người lao động; tạo điều kiện và hướng dẫn cho DN có đủ điều kiện được tiếp cận và mua vắc xin cho người lao động tại DN. Đồng thời, triển khai nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐTB-XH ban hành và tháo gỡ các rào cản từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ số 1.

Thành phố cũng cần xem xét để ban hành gói hỗ trợ riêng của TP, trong đó quan tâm đến vấn đề giảm, giãn lãi suất, khuyến khích ngân hàng cho vay tín chấp nhằm giúp DN vượt qua khó khăn hiện nay; xem xét giảm chi phí sản xuất cho DN như: điện, nước, phí cảng biển, vận chuyển...; hỗ trợ kinh phí về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho công nhân, người lao động thất nghiệp.

Chia sẻ thêm về khó khăn của ngành lương thực - thực phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực- Thực phẩm TP cho rằng, chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 - 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường, cộng với việc nguyên liệu đầu vào tăng giá khiến các DN khó khăn càng khó khăn hơn. Nhưng các DN lương thực - thực phẩm đã và đang nỗ lực rất lớn để không bị đứt gãy trong cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá cả bình ổn cho người dân trên địa bàn. Hội đề xuất UBND TP chỉ đạo các Sở - ngành liên quan và lực lượng kiểm tra tại các chốt chặn tạo điều kiện cho các DN lương thực - thực phẩm được vận chuyển hàng hóa thuận lợi từ nơi sản xuất, kho hàng đến các điểm bán hàng, các khu cách ly, bệnh viện…

Ngoài ra, Hội cũng đề nghị TP có cơ chế tác động đến các đơn vị bán lẻ rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng nhằm tăng khả năng lưu động vốn của các DN sản xuất, nhất là DN sản xuất sản phẩm thiết yếu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kho lạnh góp phần làm tăng giá trị hàng hóa, tạo dựng chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các DN vừa và nhỏ.

Về phía ngân hàng nhà nước, sớm bổ sung các DN sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay; cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những DN đang làm ăn có uy tín, giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn…

Không được để Doanh nghiệp gặp khó khăn vì sự chậm trễ của chính quyền - 1

Vắc xin đang là vấn đề đươc nhiều doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hiện nay xuất hiện tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” giữa các tỉnh thành với doanh nghiệp TPHCM, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của DN. Ví dụ như, một số tỉnh thành lân cận yêu cầu lái xe chở hàng từ TPHCM về phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng chi phí xét nghiệm khá cao, nguồn tài xế của DN còn hạn chế khiến nhiều DN gặp khó khăn, bất cập trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa giao thương qua lại.

Từ những hoạt động thực tiễn của DN, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Thêu Đan TP đề xuất Bộ Y tế cần thêm người lao động ngành Dệt May vào nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19; Sở Y tế TP hỗ trợ các bộ Kit test nhanh Covid-19 để DN tự sàng lọc cho người lao động; không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khối doanh nghiệp vào ngày 1/7/2021 theo Thông tư số 01 của Văn phòng Chính phủ, tiếp tục áp dụng mức lương hiện hành.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn khẳng định cần tập trung nhiều hơn đến việc ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của nguồn nhân công lao động trong hoạt động sản xuất, 17 ý kiến phát biểu đại diện cho các doanh nghiệp tại hội nghị đều chia sẻ mong muốn được tiếp cận và liên hệ mua vắc-xin Covid-19, thông qua Bộ Y tế kiểm định để tiến hành tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên và người lao động đơn vị mình.

Sự phát triển của Thành phố không thể tách rời sự phát triển của Doanh nghiệp

Cảm ơn và trân trọng ghi nhận các ý kiến, đề xuất, hiến kế của DN tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng đó là cơ sở để TP hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, cùng DN thực hiện hiệu quả “Mục tiêu kép”.

Theo Chủ tịch UBND TP, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt dịch bệnh lây nhiễm lần thứ 4. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP nói chung và cộng đồng DN TPHCM nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Để thực sự là chỗ dựa vững chắc cho DN trong mọi khó khăn, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở - ngành, đơn vị, quận - huyện cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Không được để Doanh nghiệp gặp khó khăn vì sự chậm trễ của chính quyền - 2

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trân trọng cảm ơn sự chia sẻ và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Trong đó, nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TPHCM theo lĩnh vực, chuyên môn, địa bàn phụ trách.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến của các Sở - ngành chuyên môn về gói hỗ trợ thứ 2 của TP, trình UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét; đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền của TP, rà soát lại để báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, tổng hợp các đề xuất của DN, chuyển các Sở - ngành, quận - huyện giải quyết kịp thời các vấn đề trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao; không được để DN chịu thiệt thòi, gặp khó khăn vì sự chậm trễ của chính quyền.

Đề nghị Hiệp hội DN tỉnh tiếp tục ghi nhận và tổng hợp các tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế của cộng đồng DN TP để kịp thời trao đổi, báo cáo với UBND TP

Trên tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cùng vượt qua khó khăn, Chủ tịch UBND TP cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng DN, nhà hảo tâm, tổ chức và cá nhân trên địa bàn vào Quỹ vắc xin của TP. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP đang triển khai kế hoạch mua vắc xin cho TP theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mục tiêu là tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân TPHCM, tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh hiện nay nguồn cung vắc xin khan hiếm nên việc tiêm vắc xin phải có lộ trình, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các nhóm nguy cơ cao. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các DN tiếp tục nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K và Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh đã được ban hành.

Về giao thương hàng hóa, giao Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các DN để sớm tham mưu chỉ đạo giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả, góp phần hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa của DN.

“Sự phát triển, phồn vinh của TP không thể tách rời với sự phát triển của DN. Khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Khi DN gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn TP không bao giờ đứng ngoài cuộc”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vân Anh (Trung tâm báo chí TP.HCM)

CLIP HOT