Khách sạn rao bán khắp nơi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàng loạt khách sạn ở những địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng… đang rao bán với giá rẻ hơn trước dịch Covid-19 nhưng vẫn vắng người mua

"Bán khách sạn 4 sao đường Lý Tự Trọng, quận 1, có 12 lầu, 1 tầng hầm và 120 phòng, diện tích 6.656 m2. Tuyến đường khách sạn siêu sang, gần chợ Bến Thành, gần tuyến Metro Bến Thành… Giá bán 900 tỉ đồng".

Trên các website mua bán, giao dịch bất động sản, phân khúc khách sạn được rao bán tấp nập. Trên các khu phố du lịch sầm uất ở trung tâm TP.HCM như đường Lê Thị Riêng, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Phạm Hồng Thái, Lê Lai, Thủ Khoa Huân…, chưa bao giờ khách sạn được rao bán nhiều như bây giờ.

Đồng loạt rao bán giá rẻ

Sau 3 đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch chưa hồi phục trở lại và nhận tiếp "cú đấm bồi" ở đợt dịch lần thứ 4 khiến doanh nghiệp kiệt quệ. Theo Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.

Trong nửa đầu năm 2021, TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động; các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019…

Tại TP Đà Nẵng, từ sau Tết nguyên đán đến nay, hàng loạt khách sạn đã rao bán vì không chịu nổi áp lực của dịch Covid-19. Hiện TP Đà Nẵng có 943 khách sạn với số lượng khoảng 40.000 phòng. Phần lớn các khách sạn đều đóng cửa hoặc chỉ mở để duy trì hoạt động. Trên các sàn giao dịch bất động sản, nhiều đơn vị rao bán khách sạn. Cụ thể, một khách sạn đường Trần Bạch Đằng có diện tích 90 m2 với 19 phòng được rao bán giá 21 tỉ đồng. Khách sạn mặt tiền đường Hồ Nghinh 19 phòng với giá 22 tỉ đồng…

Khách sạn rao bán khắp nơi - 1

Trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM có nhiều khách sạn rao bán, cho thuê. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Văn Việt, quản lý Sàn Giao dịch bất động sản VRM (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết rất nhiều khách sạn rao bán với giá rẻ hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 khoảng 20%-25%. Kể từ sau Tết đến đầu tháng 5, nhiều người vẫn hỏi mua khách sạn nhưng đến thời điểm hiện tại thì rất ít giao dịch ở thị trường này. Nguyên nhân do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà.

Tại tỉnh Khánh Hòa, trên dưới 100 khách sạn đang rao bán. Giá bán khách sạn đang xuống dốc nhưng lượng giao dịch hạn chế. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 1.147 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng; trong đó có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4 - 5 sao. Các khách sạn đa số đóng cửa, khoảng 400 cơ sở vẫn hoạt động nhưng cầm chừng.

Khảo sát trên các website bất động sản, hàng loạt khách sạn 2-3 sao ở Nha Trang rao bán với nhiều mức giá từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng. Một khách sạn đường Phạm Văn Đồng có diện tích 220 m2, mặt tiền ngang 14 m, mới xây dựng cao 17 tầng, có sổ đỏ sở hữu lâu dài… đang rao bán với giá 110 tỉ đồng.

Bà V., chủ một khách sạn 4 sao, cho biết đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng để xây dựng khách sạn 180 phòng và đưa vào hoạt động từ tháng 11-2018. Thời điểm này, công suất phòng tại khách sạn của bà V. luôn ở mức trên 90% và đạt doanh thu gần 4 tỉ đồng mỗi tháng. Để xây khách sạn, bà đã vay ngân hàng 110 tỉ đồng, mỗi tháng trả gốc lẫn lãi khoảng 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, công việc đi xuống buộc lòng phải rao bán khách sạn.

Áp lực nợ vay, "ngấm đòn" dịch Covid-19

Sàn giao dịch bất động sản VRM hiện đang rao bán gần 170 khách sạn ở tất cả phân khúc, gồm cả khách sạn 5 sao, chủ yếu ở khu vực ven biển của Đà Nẵng. Phần lớn các ông chủ rao bán khách sạn đều đầu tư từ tiền vay vốn ngân hàng.

"Vì áp lực không trả nổi tiền lãi nên họ buộc lòng phải rao bán. Họ cũng thừa biết nếu rao bán trong thời điểm này thì không được giá hoặc có thể bị ép giá" - ông Nguyễn Văn Việt, quản lý Sàn Giao dịch bất động sản VRM, nói.

Hiện tại, giá khách sạn ở Đà Nẵng phân khúc 1-2 sao khoảng 30 tỉ đồng, 3 sao có giá tầm trên 30-40 tỉ đồng… tùy vào vị trí và diện tích. Theo ông Việt, thời điểm này, nếu nhà đầu tư muốn mua để kinh doanh du lịch thì không nên vì ngành du lịch phải 2, 3 năm nữa mới có thể phục hồi. Nếu nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi thì cần lựa chọn khách sạn phù hợp hoặc giá rẻ, giá tốt.

Trong khi đó, ông Võ Hoàng Lâm, chuyên môi giới mua bán khách sạn ở Nha Trang, cho biết công ty của ông đang môi giới cho khoảng 100 khách sạn từ 2-5 sao và cả khu nghỉ dưỡng có giá từ 23-3.000 tỉ đồng. Đa số các khách sạn này có pháp lý ổn, vị trí tốt.

"Có khách sạn 4 sao trước đây định giá 270 tỉ đồng nhưng 2 lần đấu giá không thành nay chỉ còn 230 tỉ đồng vẫn không có người mua. Nhiều khách sạn có mức giá giảm sâu trên 35% đã được giới đầu tư mua hết, đây là những khách sạn mới đầu tư và hoạt động trong năm 2020 vì áp lực trả nợ ngân hàng buộc phải bán. Số còn lại giá giảm nhẹ nhưng cũng ít giao dịch thành công" - ông Lâm nhận định.

Không chỉ các doanh nghiệp rao bán khách sạn mà cả ngân hàng thương mại cũng rao bán khách sạn là tài sản thế chấp của khách hàng để xử lý, thu hồi nợ. Xu hướng ngân hàng rao bán khách sạn ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, nhiều tài sản thế chấp được rao bán 3-4 lần vẫn chưa xử lý được. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích làn sóng rao bán khách sạn sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là những chủ khách sạn vay vốn ngân hàng từ 70%-80% để đầu tư, kinh doanh khách sạn. Nay dịch bệnh kéo dài, không có nguồn thu, phải bán khách sạn để trả nợ vay hoặc bị ngân hàng xiết nợ.

Chủ một công ty du lịch ở TP.HCM có hệ thống 2 resort phân tích khách sạn là ngành kinh doanh dịch vụ du lịch đặc thù, không thể đóng cửa trong thời gian dài nếu không có khách bởi các trang thiết bị nội thất, phòng ốc… sẽ xuống cấp. Do đó, làn sóng rao bán khách sạn sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. 

Chờ đợi du lịch "sống lại"

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, nói: "Trước đây, không ai nghĩ rằng khu phố Tây có thể tắt đèn trước 0 giờ nhưng giờ mọi thứ đảo lộn. Thiệt hại nặng nề nhất là nhóm khách sạn vừa hoạt động được 2-3 năm nay, đa số doanh nghiệp đều phải dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng. Hiện không còn nguồn thu từ khách du lịch buộc họ phải rao bán sản phẩm tâm huyết của mình cũng là bất khả kháng".

Ông Lê Văn Sơn, Tổng quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang - Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho rằng với tình trạng giãn cách xã hội như hiện nay, 99% số khách sạn ngừng hoạt động. Giải pháp hiện nay là dùng khách sạn làm nơi cách ly nhưng còn ít với khoảng 35 cơ sở. Để ngành du lịch "sống lại" thì ít nhất phải qua năm 2021 và việc tiêm vắc-xin phải phổ biến. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang có văn bản để được đón khách theo hướng "hộ chiếu vắc-xin" để vực lại ngành khách sạn.

Tại TP.HCM, nhiều khách sạn cũng tìm lối ra tạm thời là đăng ký làm điểm cách ly có trả phí cho F1 hoặc cho người nhập cảnh. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không đơn giản khi chi phí cao hơn nhiều so với giá phòng bình thường; khách sạn phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về phòng chống dịch bệnh.

Chủ một khách sạn 3 sao ở quận 1 đang hoạt động theo mô hình điểm cách ly có trả phí gần 1 năm nay, cho biết nhiều chủ khách sạn liên hệ tới hỏi kinh nghiệm đăng ký làm khách sạn cách ly nhưng sau khi tìm hiểu thủ tục, chi phí, cách thức hoạt động, họ rút lui vì không dễ thực hiện.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thái Phương - Kỳ Nam - Bích Vân (Người lao động)

CLIP HOT