Khách bùng nổ, ngành du lịch thiếu nhân sự, hướng dẫn viên phải kiêm bồi bàn
Kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương với lượng khách bùng nổ đã làm lộ nhiều điểm trừ của du lịch khi mở cửa trở lại, trong đó thiếu nhân sự là trầm trọng nhất.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, trong 3 ngày nghỉ lễ giỗ tổ, các điểm du lịch đã đón và phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách nội địa, trong đó khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú.
Chính lượng khách bùng nổ đã khiến ngành du lịch sau hai năm đóng băng vì COVID-19 và mới mở cửa trở lại vừa đúng 1 tháng lộ ra nhiều bất cập.
Theo lời kể của nhiều hướng dẫn viên du lịch, do lượng khách tăng mạnh, trong khi các cơ sở du lịch vẫn chưa thể tuyển đủ nhân sự chuyên nghiệp sau thời gian dài đóng cửa nên bị quá tải và phục vụ thiếu chuyên nghiệp hơn trước. Trong nhiều tình huống, để chữa cháy, những hướng dẫn viên dẫn tour phải kiêm luôn vai trò của nhân viên phục vụ, bồi bàn...nhằm làm vừa lòng du khách.
“Ngày trước, các tàu ở Hạ Long sẽ có khoảng 5 người cho một đội tàu thì giờ chỉ còn 2 đến 3 người. Tôi và đồng nghiệp phải làm cả bồi bàn, bưng bề đồ để khách không phải chờ đợi quá lâu. Chuyện này trước nay chưa từng có nhưng cũng dễ hiểu thôi, vì du lịch mới chỉ mở cửa lại. Tuy đúng cao điểm nghỉ lễ và mùa hè nên lượng khách đông, nhưng không biết sau này sẽ duy trì được bao lâu? Chưa kể dịch bệnh khi nào mới kết thúc. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp, cơ sở không dám mở rộng hoạt động, tuyển thêm nhân viên vì sợ cảnh mở cửa rồi lại phải đóng cửa như nhiều lần trước đó. Vốn mà đã chi ra rồi thì không thể lấy lại được nên họ tính toán về nhân sự là đúng thôi”, anh Lê Văn Thành, một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội nói.
Hướng dẫn viên gặp nhiều khó khăn khi du lịch mở cửa trở lại. (Ảnh minh họa)
Còn theo anh Lê Đình Ban - hướng dẫn viên ở Hải Phòng, thêm một khó khăn nữa với những người dẫn tour đó là do nhiều địa phương vẫn trong tình trạng khởi động mở cửa du lịch nên nhiều hàng quán ăn uống hay bán đồ lưu niệm vẫn thưa thớt, nghèo nàn, khiến hướng dẫn viên du lịch phải rất vất vả để chiều ý "thượng đế".
"Tôi mới dẫn khách đi du lịch Cao Bằng, tại đây cơ sở vật chất vốn đã không được đa dạng như các vùng du lịch khác, sau dịch thì lại càng thiếu thốn. Điểm phục vụ ăn uống cách khu tham quan du lịch lên tới 40-50km khiến thời gian di chuyển rất vất vả, khách chủ yếu phải ngồi trên xe là nhiều.
Bên cạnh đó, đối với khách có nhu cầu mua đồ lưu niệm làm quà thì càng vất vả hơn. Bởi nơi đây chỉ có duy nhất một chỗ bán, khách muốn mua thì phải mua ngay từ ngày đầu hoặc để hướng dẫn viên sắp xếp cung đường cho hợp lý. Nếu không thì không thể đi hàng trăm cây số để mua quà được", anh Ban nói.
Anh Ban cũng cho biết, du lịch vùng biển đã có khởi sắc hơn sau khi khách đông trở lại từ dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Những ngày gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã bổ sung lượng nhân lực đủ phục vụ lượng khách ngày càng đông. Tuy số lượng đã nhiều lên nhưng chất lượng nhân sự lại chưa tốt. Việc này cũng ảnh hưởng đến chất lượng của tour vì du khách cứ không hài lòng với bất cứ điều gì trong tour là phàn nàn với hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành.
Đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, sau khi quá tải tại kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương và để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới, nhiều hãng lữ hành, cơ sở du lịch đang ráo riết chuẩn bị lại hạ tầng, tuyển thêm nhân sự để đón một lượng khách bùng nổ. Tuy nhiên, việc tìm nhân sự không hề dễ vì ngành du lịch đã bị gián đoạn quá lâu.
Gần một nửa mặt bằng trên đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM) chưa có chủ, nhiều chủ tiệm hàng rong tận dụng để...