“Hương thầm” ở khung cửa ký ức

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

30 năm, bài thơ Hương thầm của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn được Nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài ca Hương thầm đã ăn sâu vào cảm xúc khán giả. Những kỷ niệm đã hiện ra trong khung cửa ký ức của người sáng tác các nốt nhạc da diết và đáng nhớ…

 “Hương thầm” ở khung cửa ký ức - 1

Vì sao chia tay nhưng không nói điều gì?

Một buổi chiều mùa Thu năm 1983, cách nay đúng 30 năm, trong một gian phòng nhỏ thuộc Khu tập thể giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM, có 3 thầy giáo: Vũ Hoàng, giáo viên Khoa Âm Nhạc Mỹ thuật, Hồ Văn Tâm, giáo viên Khoa Hóa và Nguyễn Văn Sơn, giáo viên Khoa Tâm lý đã chuyền tay nhau đọc bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn trong một cuốn sổ tay thơ nhỏ nhắn. Nói như Vũ Hoàng, hệt như một gói thuốc lá Vàm Cỏ trứ danh ngày ấy. Nội dung bài thơ rất xúc động, lời thơ nồng nàn và lãng mạn khiến 3 ông thầy cảm nhận và vô cùng yêu thích. Đọc đi đọc lại bài thơ, chợt Vũ Hoàng nói: “Mình sẽ sáng tác phổ nhạc bài thơ này. Chỉ vì lý do mình thắc mắc: Họ chia tay nhưng không nói điều gì! Vì sao nhỉ?!”

Thời gian đầu Vũ Hoàng không biết nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn là ai, ở đâu. Việc đi tìm kiếm cũng là điều khó khăn. Anh tới gặp nhà thơ Vũ Ân Thy (lúc đó là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Sài Gòn Giải phóng) để hỏi tin tức về nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Câu trả lời là: “Biết!” khiến nhạc sĩ mừng quá, cám ơn rồi vội chào đi”!

Về nhà, ngồi trước dòng kẻ nhạc vuông vức, Vũ Hoàng đã viết từng nốt nhạc, cần mẫn như người nông dân đi gieo hạt. Cứ thế, viết và lại xóa. Rồi lại tiếp tục. Ai biết chuyện hỏi, nói vẫn chưa viết xong, hết tháng này sang tháng khác. Không lẽ bỏ cuộc! Lại viết, lại sửa, như thể leo núi. Có lẽ trời thương nên sau cả năm trời, bản thảo Hương thầm đã hoàn tất vào lúc 4 giờ sáng ngày 25.4.1984. Đây cũng là món quà mừng sinh nhật của nhạc sĩ tặng… cho chính mình.

 “Hương thầm” ở khung cửa ký ức - 2

Bài thơ hay cũng gây … khó!

Giờ ngồi nhớ lại, Vũ Hoàng nói, sở dĩ anh “ậm ạch” mãi mới xong Hương thầm bởi khổ thơ nào của bài thơ cũng đều hay và xúc động. Nhưng là ca khúc phổ thơ lại buộc phải có những nghiêm ngặt của cấu trúc, khúc thức. Do vậy, có lúc nhạc sĩ tưởng sắp bó tay. May mà cũng kiên trì, cần mẫn để xử lý trong giai điệu âm nhạc, tiết tấu…

Điều đau khổ nhất của Vũ Hoàng là câu nhạc đầu tiên. Nếu giữ nguyên si thơ Phan Thị Thanh Nhàn là: Cửa sổ hai nhà cuối phố, thì rất đúng, rất đắt về lời ca. Nhưng, không biết nó có 1 cánh cửa sổ hay 2 cánh cửa sổ hoặc thậm chí không có cánh cửa nào? Về giai điệu âm nhạc, câu mở đầu cần phải được mô phỏng như thế nào đó, để giai điệu hoàn chỉnh không bị đứt khúc, và cũng không tạo sự đột ngột, bất ngờ quá.

Cuối cùng Vũ Hoàng đã thêm vào một từ “khung” cho rõ nghĩa: “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố”, mới có lý để sang câu tiếp “Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ”. À, ở đó có cửa sổ, nhưng lại không khép bao giờ là do… cố ý, hoặc cánh đã bị hỏng nên không khép được!

Sau khi bài hát hoàn tất, các thầy giáo cùng ở Khu tập thể giáo viên với nhạc sĩ rất thích thú và say sưa hát. Lúc đó, Vũ Hoàng  đang dàn dựng  cho dàn Hợp xướng của trường tại Khu Ký túc xá Sinh viên Nguyễn Kim, Quận 5. Khi nhạc sĩ hát giới thiệu tác phẩm mới Hương thầm, các bạn sinh viên tự nhiên cười khoái chí. “Tôi chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, thì có bạn nói: “Thầy nói đúng quá, dãy lầu của tụi em kìa, chỉ có… khung cửa sổ mà thôi”!”, nhạc sĩ Vũ Hoàng hóm hỉnh kể lại

 “Hương thầm” ở khung cửa ký ức - 3

Cuộc gặp xúc động giữa hai tác giả

Bài hát Hương thầm được nhiều ca sĩ chọn thể hiện, đã trở nên nổi tiếng nhưng mãi đến năm 1995, Vũ Hoàng mới có dịp gặp nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn tại Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, ở phố Hàng Buồm. Anh vui miệng hỏi nữ thi sĩ về hai nhân vật trong Hương thầm hiện tại ra sao. Nhà thơ tâm sự, nhân vật chính, anh bộ đội trong bài thơ là em trai ruột của chị, đã chia tay người bạn gái và lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Anh bộ đội ấy đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam…

Khi nghe xong câu chuyện, Vũ Hoàng cảm thấy choáng ngợp, đầy xúc động. Đây không phải là huyền thoại, đây không phải “mua vui cũng được dăm chầu trống canh”, mà đó là tự tình đất nước, là khát vọng tình yêu đôi lứa vĩnh hằng của cả một thế hệ. Từ dạo đó đến nay, mỗi khi nghe Hương thầm, anh như cảm nhận một khoảnh khắc tâm linh, thiêng liêng… và trong tự đáy lòng mình là giọt nước mắt biết ơn, giữa vô thường!

Sau này,  khi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, trong số tác phẩm của chị có bài thơ Hương thầm, thì từ Hà Nội, Phan Thị Thanh Nhàn đã bay vào TP HCM gặp Vũ Hoàng tại nhà riêng. Nữ thi sĩ nói: “Chị cảm ơn em đã phổ nhạc bài thơ Hương thầm, trở thành ca khúc Hương thầm, được khán giả cả nước yêu mến. Thành công của chị trong Giải thường này, có sự đóng góp tài năng âm nhạc của Vũ Hoàng”.

Năm 1990, Nhạc sĩ Vũ Hoàng chuyển công tác từ Trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM về Báo Người Lao động, với vị trí Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ. Từ năm 2004 đến nay, anh giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp Chí Du lịch Thành Phố Hồ Chí Minh. Anh vẫn đam mê và nhiệt tình sáng tác các ca khúc, đặc biệt đồng hành cùng chương trình Thanh niên Tình nguyện – Mùa hè xanh. Nhưng trong ký ức của người nhạc sĩ tài hoa này, một góc Hương thầm vẫn được lưu giữ những vị ngọt ngào quá đẹp, tôn vinh mối tình lãng mạn mà dang dở của người thanh niên cống hiến cuộc đời cho Tổ quốc.

Đ.T.H

Photo: Hoàng Thái Sơn

(Báo Phụ nữ Việt Nam, số 141, ngày 25/11/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT