Hơn nửa đội bay của các hãng hàng không lại nằm sân
Ba trong 4 hãng hàng không của Việt Nam đang đắp chiếu quá nửa số máy bay. Các sân bay đau đầu tính phương án chỗ đỗ cho lượng máy bay đang tạm dừng khai thác.
Theo số liệu từ Planespotters, các hãng hàng không lớn của Việt Nam đang phải cho nằm sân lượng lớn máy bay do không đủ khách để vận hành. Tỷ lệ máy bay phải tạm dừng khai thác có hãng đã vượt hơn nửa.
Cụ thể, trong tổng số 74 máy bay của Vietjet Air, chỉ còn 22 chiếc đang được hãng khai thác, trong khi 52 chiếc nằm sân. Gần như toàn bộ đội bay mẫu A320 của hãng đều được đưa vào trạng thái niêm cất khi 17 trên 18 chiếc đang không được khai thác.
Hơn nửa đội bay 'đắp chiếu'
Vietnam Airlines cũng đang buộc phải cho tạm dừng bay hơn một nửa đội bay vì vắng khách. Trong 100 chiếc máy bay mà hãng đang biên chế, 53 chiếc đã nằm sân, chỉ còn 47 chiếc duy trì khai thác. Trong 29 chiếc máy bay thân rộng gồm các mẫu A350 và Boeing 787, có tới 14 chiếc đã phải tạm dừng khai thác.
Một phần ba đội bay của Bamboo Airways cũng đang trong tình trạng niêm cất, bảo quản. Cụ thể, hãng biên chế 27 máy bay thì có 9 chiếc đang phải tạm dừng khai thác, trong đó chủ yếu là những chiếc Airbus A320.
Đìu hiu hơn cả là đội bay của Pacific Airlines. Với đội bay 17 chiếc thì hãng đã phải tạm dừng khai thác tới 13 chiếc, chỉ còn 4 chiếc tham gia khai thác. Con số này cho thấy tác động của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát thứ 4 này tới ngành hàng không.
Máy bay của các hãng hàng không buộc phải nằm sân do lượng khách bay nội địa đã giảm mạnh vì lo ngại dịch bệnh. Theo đại diện sân bay Nội Bài, giai đoạn đầu tháng 6 mỗi ngày sân bay này chỉ đón khoảng 5.000 - 6.000 khách từ 80 - 90 chuyến bay, trong khi cao điểm con số này có thể lên tới 80.000 khách/ngày.
“Thông thường, lượng tàu bay đỗ qua đêm tại Nội Bài chỉ khoảng 70 tàu và đến hôm sau là bay đi, bay về hết. Nhưng những ngày qua, chúng tôi phải bố trí chỗ đỗ cho gần 90 tàu bay, trong đó không ít chiếc 'đắp chiếu' cả tháng. Như Vietnam Airlines mỗi đêm có khoảng 30 tàu bay đỗ, trong đó hơn chục chiếc không khai thác. Số lượng tàu “nằm sân” của Vietjet cũng tương tự”, đại diện sân bay Nội Bài chia sẻ.
"Khách còn bằng 1 phần 10 thì máy bay không nằm sân, biết bay đi đâu”, vị này nói thêm.
Lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng cho biết chỉ Hà Nội và TP.HCM vẫn còn duy trì chuyến bay, nhiều tỉnh thành khác đã dừng. Đến ngày 5/6, doanh nghiệp chỉ phục vụ 6 - 8 chuyến bay nội địa tại Tân Sơn Nhất thay vì hàng trăm chuyến như trước đây.
Đỗ tạm trên đường băng
Trong bối cảnh máy bay nằm sân hàng loạt, chỗ đỗ trở nên khan hiếm, ngay từ cuối tháng 5, Cục Hàng không đã có văn bản đề nghị rà soát để khôi phục lại các vị trí đỗ máy bay qua đêm tạm thời hoặc bố trí mới các vị trí đỗ máy bay qua đêm trên các đường lăn đang đóng cửa, các đường lăn ít sử dụng.
Mục đích là không hoặc ít ảnh hưởng đến hoạt động khai thác sân bay (đối với sân bay Nội Bài) cũng như nghiên cứu cả phương án bố trí máy bay đỗ qua đêm trên đường băng 11R/29L trong thời gian đóng cửa đường băng này.
Do lượng máy bay nằm sân tăng vọt, Cục Hàng không đang đề nghị nghiên cứu phương án đỗ máy bay trên đường lăn, đường băng đang đóng cửa không khai thác. Ảnh: Khánh Huyền.
Cục Hàng không cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động hàng không dân dụng trên cả nước và các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay.
Hoạt động khai thác máy bay giảm và tỷ lệ máy bay đỗ qua đêm tiếp tục tăng, đặc biệt là nhu cầu đỗ qua đêm tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (các sân bay có cơ sở bảo dưỡng máy bay của các hãng hàng không).
Nhằm giải quyết nhu cầu đó, Cục trưởng yêu cầu ACV chỉ đạo các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng các sân bay trực thuộc khẩn trương làm việc với các hãng hàng không trong nước để xác định nhu cầu bố trí vị trí đỗ máy bay qua đêm của các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, ACV cũng được yêu cầu xây dựng phương án phân bổ, bố trí vị trí đỗ máy bay qua đêm của các hãng hàng không tại nhiều sân bay khác nhau trong mạng cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu vị trí đỗ trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài.
Trong đó, Cục trưởng lưu ý tối đa hóa phương án bố trí vị trí đỗ máy bay qua đêm cho các hãng hàng không theo các sân bay căn cứ của các hãng hàng không đã được phê duyệt. Không tập trung bố trí thêm vị trí đỗ máy bay qua đêm tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, Cục yêu cầu ACV giải quyết ngay các đề xuất của Vietnam Airlines liên quan đến nhu cầu bố trí các vị trí đỗ máy bay qua đêm tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đáp ứng cho Vietnam Airlines với vai trò là hãng hàng không quốc gia, hoạt động lâu năm, có các cơ sở bảo dưỡng, điều hành chính tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Cục trưởng cũng yêu cầu các hãng hàng không trong nước khẩn trương làm việc với ACV, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các sân bay khác để cung cấp kế hoạch khai thác máy bay, nhu cầu đỗ qua đêm của hãng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài, đồng thời phối hợp với các sân bay xây dựng phương án đỗ máy bay phù hợp.
Sau Bamboo Airwyas, câu chuyện Vietravel rục rịch muốn rút cổ phần khỏi Vietravel Airlines chỉ sau 4 tháng cất cánh khiến nhiều...