Hơn một triệu liều vaccine Covid-19 sắp về Việt Nam
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sáng 15/6 cho biết cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, Việt Nam có thể nhận thêm hơn một triệu liều vaccine từ Covax Facility.
"Chính phủ đã có chủ trương mở rộng thêm nhóm người tiêm vaccine như công nhân các khu công nghiệp ở các tỉnh", ông Đức Anh nói.
Dự kiến trong quý 3, khoảng 2 triệu liều vaccine Bộ Y tế mua từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC có thể về nước, ngoài ra còn có 3 triệu liều của Pfizer. Tuy nhiên, thời gian vaccine chuyển về Việt Nam có thể thay đổi.
Đến nay, Việt Nam nhận được gần 3 triệu liều vaccine để tiến hành tiêm chủng. Trong số này, từ Covax gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều vào ngày 16/5, đều là vaccineAstraZeneca. Ngoài ra, hơn 400.000 liều khác nằm trong số Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều từ AstraZeneca.
Tính đến ngày 15/6, tổng số liều vaccine đã tiêm là 1.552.651. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 59.608.
Ông Đức Anh khẳng định tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Hiện nay không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, tức sau tiêm vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.
"Do đó, có thể có trường hợp bị nhiễm nCoV ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó mắc bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch, hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề", ông Đức Anh nói.
Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60 đến 95%. Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm một liều từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm nCoV, tuy nhiên số tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm hai liều, số trường hợp tử vong giảm gần 100%.
"Điều này cho thấy tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra", ông Đức Anh nói.
Bộ Y tế hôm qua thúc giục Bộ Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, 4 viện vệ sinh dịch tễ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Công tác tiêm chủng phải hoàn thành trước ngày 18/6 để đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi hai cho nhóm đã tiêm mũi một, tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.
Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cho thí điểm hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể...