Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 19: Tìm giải pháp để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành. Đó là cần những giải pháp sáng tạo hơn, năng động và chủ động quyết liệt hơn để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển TP.HCM.
Ngày 30/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức hội nghị lần thứ 19 mở rộng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị.
Khách mời Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Vụ trưởng Vụ địa phương III, Ban Tổ chức Trung ương; Tô Quang Ngọc, Vụ trưởng Vụ địa bàn 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM; Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ kinh tế vùng và địa phương, Ban Kinh tế Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Nhiều chỉ số kinh tế - xã hội vượt chỉ tiêu
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh hội nghị lần này gồm nhiều vấn đề lớn và quan trọng. Vì vậy, đồng chí gợi mở các nội dung quan trọng để các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sát thực tiễn và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá, sau khi TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Thành ủy TP.HCM cùng hệ thống chính trị thành phố thể hiện quyết tâm rất cao để tập trung khắc phục hậu quả đại dịch; triển khai các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội để bù đắp lại những thiệt hại trong năm 2021.
Dù năm 2022 có nhiều khó khăn thách thức, nhưng TP.HCM đã phục hồi nhanh và khá toàn diện. Dự báo đến cuối năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 9% (chỉ tiêu năm từ 6-6,5%).
Với những kết quả trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vào làm việc với TP.HCM đã nhận xét, đánh giá cao tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. TP.HCM đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh những kết quả, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận, TP.HCM đã, đang và sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một số nhiệm vụ triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM còn chậm trễ. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cố gắng nỗ lực triển khai nhiều nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Cùng với đó, nhiều vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, cung ứng xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thị trường xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn. Công tác xây dựng chính quyền đô thị, chất lượng hoạt động công vụ chưa cao, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng.
Trong bối cảnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành. Đó là cần những giải pháp sáng tạo hơn, năng động và chủ động quyết liệt hơn để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển TP.HCM.
Tìm giải pháp tăng tốc phát triển trong năm 2023
Bí thư Thành ủy TP.HCM gợi mở nhiều nội dung để các đại biểu cho ý kiến, thảo luận phân tích đánh giá sâu về nguyên nhân đạt được, đặc biệt nguyên nhân chủ quan đối với những tồn tại, hạn chế; các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới đối với nội dung về kinh tế -xã hội.
Đó là, hội nghị tập trung phân tích, dự báo tình hình, những thuận lợi, khó khăn, thách thức có thể xảy ra để chủ động, không bị bất ngờ, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển của TP.HCM. Cùng với đó thảo luận chủ đề năm 2023 của TP.HCM “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư" và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 7,5% - 8%.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng gợi mở để hội nghị thảo luận thêm nhiều nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa then chốt nhằm bảo đảm cho thành phố phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung ưu tiên, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển của thành phố trong năm 2023.
Cùng với đó là vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. TP.HCM triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TPHCM sẽ đề nghị Trung ương và sẵn sàng thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù thời gian tới.
TP.HCM sẵn sàng thí điểm các cơ chế, chính sách mới
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng.
Đối với công tác xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá, tinh thần làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao trong đội ngũ cán bộ đảng viên ngày càng tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng. Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương, củng cố niềm tin và động lực cho cán bộ, người đứng đầu các cấp, khơi dậy ý chí quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt ở từng cấp, từng ngành.
Dù vậy, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vẫn còn một số mặt chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, sự vận hành của bộ máy hệ thống chính trị có lúc, có nơi, có lĩnh vực còn chậm trễ, thậm chí trì trệ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của TP.HCM. Do đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận, tìm giải pháp, các biện pháp triển khai thực chất hơn trong năm tới.
Trong đó, đồng chí yêu cầu tìm giải pháp để triển khai thực hiện tốt hơn nữa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; đổi mới phương thức nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Đồng thời có giải pháp đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Qua hai năm thực hiện Nghị quyết 26 của Thành ủy TP.HCM về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá, Nghị quyết 26 ra đời trong bối cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được quy hoạch, triển khai thực hiện có nhiều kết quả quan trọng, có tính đột phá trong phát huy tiềm năng, nguồn lực, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM tương xứng vị trí, tầm vóc.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu sót, vi phạm, làm phát sinh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong bộ phận người dân, xã hội. Mục tiêu của Nghị quyết 26 là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hoàn toàn những thiếu sót, vi phạm; tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng theo mục tiêu, tiến độ đã đề ra.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả làm được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện thời gian tới, nhằm giải quyết cơ bản các khiếu kiện kéo dài, sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, phấn đấu hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng gợi mở thêm các nội dung trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin, phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Cùng với đó là dự thảo báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ TP.HCM để các đại biểu tập trung thảo luận.
Sau đó, các đại biểu đã tham gia thảo luận ở các tổ về những nội dung mà đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM gợi mở.
Trước đó, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã trình bày chương trình làm việc, cùng các nội dung tại hội nghị. Trong đó, hội nghị thảo luận đánh giá lại nhiều nội dung quan trọng của năm 2022, đó là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác dân vận; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023. Cùng với đó là đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Thành ủy TP.HCM về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030; sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ TP.HCM. Đồng thời, tổng kết 5 năm thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về quy trình giải quyết thông tin, phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị lần này cũng xem xét thêm nhiều nội dung quan trọng khác trong chương trình làm việc. |
Làm việc với TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu thành phố phải góp phần, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương...