Hiến kế ‘giải cứu’ 18.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang tại Hà Nội và TP.HCM
Cho thuê cũng là cách để "giải cứu" 18.000 căn hộ tái định cư ở Hà Nội, TP.HCM bị bỏ hoang, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng tăng thì hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện tại các thành phố lớn lại đang bỏ hoang. Ghi nhận của VARS cho thấy, tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở.
Cho thuê
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
TP.HCM còn 11.042 căn hộ và nền đất để trống, trong đó 8.938 căn hộ tại 85 dự án chung cư, cụm chung cư. (Ảnh: TP)
Còn tại TP.HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Việc hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Khảo sát của VARS cho biết trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ.
VARS cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng có các giải pháp “đánh thức” ngay hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Theo Hội này, cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Tuy nhiên, Nhà nước cần có các quy định rõ ràng và đồng bộ về việc cho thuê nhà tái định cư, bao gồm mức giá thuê, thời hạn thuê, và các điều kiện thuê cụ thể, để đảm bảo quyền lợi của cả người cho thuê và người thuê.
Nhà nước cũng cần áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư; như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác. Song song đó là cải thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư này, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng, để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống.
Nhiều năm không sử dụng, hạ tâầg căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm xuống cấp nặng. (Ảnh: TP)
Nghiên cứu giá bán hợp lý
Với quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống.
Đối với các dự án đã hoàn thiện và chưa được sử dụng, có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, chính quyền cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.
Và để không tái diễn tình trạng người tái định cư chê nhà tái định cư, VARS nói rằng chính quyền cần một kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư.
Nhiều lần đấu giá thất bại, TP.HCM sắp đấu giá lần thứ 4 khu gần 4.000 căn hộ tại Bình Khánh - Thủ Thiêm. (Ảnh: TL)
Chính quyền nên khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư. Như vậy sẽ đảm bảo các dự án này phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng. Song song đó là có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng các dự án tái định cư để đảm bảo chất lượng và an toàn.
Một việc cần làm nữa là thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai mới với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Ngày 16/5, tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM trước Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, TP.HCM còn 11.042 căn hộ và nền đất, trong đó 8.938 căn hộ và 2.104 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để trống. Thành phố đã có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ và nền đất tại khu 3.790 căn ở khu tái định cư Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức và gần 1.000 căn ở xã Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh. Dự kiến cuối năm 2024, khi hoàn tất các thủ tục sẽ tiến hành đấu giá 3.790 căn hộ này. Việc đấu giá 3.790 căn hộ này đã từng thực hiện nhiều lần nhưng thất bại. |
Thành phố Hồ Chí Minh chính là thiên đường của những “tín đồ” yêu thích hương vị cà phê. Từ những ly cà phê thủ...