Hệ sinh thái du lịch đều tê liệt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không phá sản thì cũng 'bó gối' chịu lỗ, giám đốc các doanh nghiệp dịch vụ như lữ hành, lưu trú, vận tải đã đến giai đoạn chẳng còn biết nói gì vì đã gần như đóng băng mọi hoạt động.

Hệ sinh thái du lịch đều tê liệt - 1

Bến xe Miền Đông vắng lặng. ẢNH: KHẢ HÒA

Khách sạn rao bán, lữ hành đóng cửa

“Công ty không làm gì cả, ngưng toàn bộ mọi hoạt động” là câu trả lời kèm nụ cười chua xót của ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, khi chúng tôi đặt câu hỏi “Giám đốc doanh nghiệp (DN) du lịch làm gì trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay?”.

Chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, Ngôi sao biển Sài Gòn tưng bừng khai trương tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 - một trong những sản phẩm giải trí về đêm hấp dẫn nhất của Phú Quốc United Center - siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hàng đầu Đông Nam Á tại Phú Quốc.

Thời điểm đó, ông Huỳnh Văn Sơn tất bật với hàng tá kế hoạch, chạy đi chạy lại liên tục Phú Quốc - TP.HCM để chăm chút cho “thành phố không ngủ” đầu tiên của Việt Nam (VN), với kỳ vọng dự án đẳng cấp kết hợp cùng Tập đoàn Vingroup sẽ trở thành đòn then chốt tạo nên sức bật mới cho sự phát triển của du lịch Phú Quốc nói riêng và toàn ngành du lịch VN sau hơn 1 năm đóng băng vì Covid-19.

Không chỉ vậy, chợ đêm Đà Lạt, phố đi bộ chợ đêm Vũng Tàu, chợ đêm Đà Nẵng... loạt dự án cũng đang gấp rút được Ngôi sao biển Sài Gòn triển khai để đón đầu ngành du lịch sau đại dịch.

Du lịch đóng băng, các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ cũng chẳng còn sức sống. Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao/tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%, lượng lao động giảm 35% so với 2019.

Từ cuối 2020 đến nay, làn sóng bán tháo khách sạn để cắt lỗ liên tục diễn ra và vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Ban đầu là khách sạn nhỏ, sau đó tới các khách sạn “có sao” rồi đến cả khách sạn 4 - 5 sao cũng lần lượt được rao bán.

Tô Phương, chàng thanh niên 30 tuổi chuyên “săn” những căn nhà cũ, sửa sang lại thành dạng homestay phục vụ du lịch tại Đà Lạt, chia sẻ từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát đợt 4, tất cả các căn phòng của anh đều bỏ trống. Quy định người đến từ TP.HCM hay các tỉnh, thành là vùng dịch đến Đà Lạt phải tự cách ly 21 ngày đã chặn hoàn toàn mọi khả năng kinh doanh của Phương.

“Không chỉ lần này, mỗi lần dịch bùng lên thì Đà Lạt đều lập tức bị ảnh hưởng rất nặng. Hầu hết mọi người đến Đà Lạt chỉ để nghỉ dưỡng, du lịch nên có dịch là gần như mất hết khách, không ai thuê phòng. Trước đây, chúng tôi đón khách rất đều, mỗi tháng thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng. Giờ khoản này coi như mất trắng, phòng bỏ không nhưng vẫn phải duy trì tiền thuê nhà, điện, nước... Thật sự rất khó khăn. Do tự làm, vốn tự có nên không đến nỗi phá sản nhưng mọi kế hoạch tìm kiếm nhà, sang nhượng thêm các dự án đều phải ngưng, coi như thất nghiệp”, chàng trai trẻ buồn rầu nói.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một khách sạn 5 sao tại TP.HCM cho biết lượng khách hiện nay chỉ đạt khoảng 1% nhưng vẫn phải tốn chi phí duy trì toàn bộ khách sạn công suất gần 500 phòng. Nhà hàng, quầy bar bên trong khách sạn tuy đã được cho mở lại nhưng vì không có khách cũng đành tiếp tục đóng cửa để tiết giảm chi phí.

Hàng không, đường thủy, đường bộ... kiệt quệ

Cùng chung hệ sinh thái, các đơn vị vận tải cũng không đứng ngoài “vòng xoáy chết chóc của dịch bệnh”. Hàng không, đường sắt đứng trước nguy cơ phá sản. Máy bay, tàu hỏa phải đem ra trưng dụng chở hàng. Trong thời gian cao điểm dịch bệnh, các đơn vị vận chuyển du lịch đường bộ gần như ngưng hoạt động hoàn toàn.

Từ tháng 5.2020 đến nay, nhiều DN bắt đầu mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân nhưng không đủ lượng khách để duy trì hoạt động. Phụ thuộc vào lượng khách của các công ty lữ hành lớn, nên trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tình hình kinh doanh của các đơn vị vận chuyển giảm từ 60 - 80%. Giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay, con số này đã chạm ngưỡng 100%, tức tiếp tục ngưng hoạt động.

Trao đổi với Thanh Niên trưa 17.6, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông tại TP.HCM), cho biết các tuyến buýt đã ngưng hoạt động hoàn toàn theo đúng Chỉ thị 15 của Chính phủ và quy định của UBND TP. Tuy vậy, công ty vẫn cố gắng duy trì lương cho 100% người lao động để họ ổn định cuộc sống. Theo ông Toản, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, lượng khách sử dụng buýt đường sông giảm rất mạnh.

Thống kê lượng khách năm 2020 và quý đầu 2021 chỉ đạt chưa tới 50% so với cùng kỳ 2019. Mỗi tháng, công ty phải bù lỗ vài tỉ đồng cho các chi phí bảo trì, bảo dưỡng, khấu hao, sửa chữa, nhân sự... và tình trạng này đã kéo dài gần 1 năm rưỡi.

Buýt đường sông điêu đứng nhưng ông Toản cho biết có muốn cựa quậy, chuyển ngành cũng không nổi vì “thời buổi dịch bệnh thế này, có ngành nào mà không khó. Đến như thị trường tiêu thụ hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nông sản còn chới với thì dịch vụ, những ngành ít thiết yếu hơn làm gì còn chỗ mà động đậy. Giờ phải chịu, cố được ngày nào hay ngày đó thôi chứ biết sao”.

Tương tự, ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty du thuyền Viet Princess, kể: Viet Princess có 4 tàu du ngoạn sông Mê Kông, là nguồn thu nhập chính của DN. Mỗi năm, 4 con tàu này đem về doanh thu khoảng 150 tỉ đồng, lợi nhuận 25 tỉ đồng. Thế nhưng từ khi Covid-19 kéo tới, ngành du lịch gần như đóng băng, mỗi tháng công ty ông Cường phải bù lỗ khoảng 1,5 tỉ đồng, dự kiến kéo dài trong 40 tháng.

“Kinh doanh đã khó, tiếp cận vốn ngân hàng còn khó hơn. 4 chiếc tàu của chúng tôi trị giá 200 tỉ đồng, sau khi trừ khấu hao 5 năm hoạt động, giá trị hiện còn khoảng 180 tỉ. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư thêm vào lĩnh vực bất động sản, sở hữu những căn hộ bất động sản du lịch có giá trị khoảng 7 tỉ đồng. Hằng năm, chúng tôi chuyển vào các ngân hàng thương mại hơn 100 tỉ đồng.

Thế nhưng, đem tất cả số tài sản trên đến ngân hàng vẫn không đủ điều kiện trở thành tài sản thế chấp để Du thuyền Viet Princess được vay vốn dù chỉ 10 tỉ đồng. Nếu thủ tục của ngân hàng tiếp tục khó khăn thế này, những chính sách hỗ trợ DN tiếp tục chậm trễ thế này thì các DN du lịch sẽ rất khó để cầm cự cho đến khi đại dịch qua đi”, ông Trương Quang Cường lo ngại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Mai (Theo Thanh Niên)

CLIP HOT