Hành trình của người nông dân đưa chuối Việt vươn ra thế giới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ nhiều năm nay, mô hình trồng chuối tận dụng từ trái đến cả thân cây, lá chuối để xuất khẩu ra nước ngoài đã trở thành biểu tượng cho sự đổi mới trong nông nghiệp cũng như ngành xuất khẩu nông sản của nước ta. Mô hình này không chỉ cải thiện đời sống người dân địa phương mà còn góp phần làm giàu cho nền nông nghiệp nước nhà thông qua việc xuất khẩu chuối ra nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Nhanh nhạy trong chuyển đổi mô hình nông nghiệp

Xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, đã từ lâu nổi tiếng với những mô hình nông nghiệp tiên tiến. Trong số đó, hợp tác xã (HTX) Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, do ông Lý Minh Hùng sáng lập, nổi bật với mô hình trồng chuối xuất khẩu.

Hành trình từ việc trồng hồ tiêu chuyển sang chuối đã giúp nhiều hộ nông dân vượt qua khó khăn kinh tế, đồng thời mở ra những hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của địa phương.

Hành trình của người nông dân đưa chuối Việt vươn ra thế giới - 1

Người nông dân Lý Minh Hùng nhanh nhạy chuyển đổi từ làm nông nghiệp kiểu truyền thống sang làm nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn.

Trước khi tăng thu nhập nhờ trồng chuối, gia đình của ông Hùng từng gắn bó với cây hồ tiêu nhưng tiền kiếm được chỉ vừa đủ ăn đủ mặc. Đến khi giá tiêu trên thị trường giảm mạnh, cuộc sống trở nên khó khăn, với sự nhanh nhẹn và nhạy bén của mình, ông Hùng đã nhận ra tiềm năng của cây chuối và quyết định chuyển đổi mô hình canh tác của mình từ hồ tiêu sang chuối.

Dù đã nỗ lực thay đổi để thích ứng, sự biến động của thị trường đã khiến nhiều người trồng chuối tại địa phương phải đối mặt với tình trạng rớt giá, làm cuộc sống của họ nhiều phen lao đao.

Năm 2018, để đối phó với những thách thức này, ông Hùng cùng một số bà con đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây chuối xã Thanh Bình, và chỉ một năm sau đó, HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình được thành lập. HTX này hiện đang quản lý 120 ha diện tích chuối, sử dụng các biện pháp canh tác hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản phẩm của họ xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường khó tính như Trung Đông, Qatar, và thậm chí là châu Âu.

Ông Hùng chia sẻ, để đưa trái chuối Việt ra thế giới không hề là một hành trình dễ dàng. Những năm tháng đầu tiên khi gia đình ông khởi nghiệp với cây chuối, ông đã gặp phải không ít khó khăn. Câu chuyện vào năm 2017, khi hàng ngàn tấn chuối già Nam Mỹ bị ứ đọng đầu ra tại Đồng Nai, trở thành ký ức khó quên. Cảnh người nông dân phải vứt bỏ chuối cho dê, bò ăn khiến ông Hùng và nhiều hộ trồng chuối điêu đứng. Dù vậy, ông Hùng không từ bỏ.

Năm 2018, sau khi được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai hỗ trợ tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Hùng quyết định vận động nhiều nông dân khác thành lập HTX Thanh Bình.

Với quyết tâm tìm kiếm cơ hội mới cho cây chuối, ông Hùng không ngừng học hỏi, tìm hiểu quy trình sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước. Những lần thất bại, lỗ hàng chục triệu đồng không làm ông nản chí, ngược lại, ông càng quyết tâm phát triển sản phẩm từ trái chuối để khẳng định giá trị của nó trên thị trường quốc tế.

Hành trình của người nông dân đưa chuối Việt vươn ra thế giới - 2

Hiện HTX của ông Hùng đang quản lý 120 ha diện tích chuối, sử dụng các biện pháp canh tác hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính.

Tận dụng triệt để giá trị của cây chuối, hướng đi tương lai cho nông sản Việt

Không dừng lại ở việc xuất khẩu quả chuối tươi, ông Hùng và các thành viên trong HTX Thanh Bình đã nghiên cứu và tận dụng các phần khác của cây chuối như thân cây và lá để chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao.

Ông Hùng chia sẻ rằng, trước đây, thân cây chuối sau thu hoạch thường gây gánh nặng cho môi trường và khó xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, HTX Thanh Bình đã sử dụng các chế phẩm vi sinh để băm nhỏ và ủ thân cây chuối, biến chúng thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí mua phân bón mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Hành trình của người nông dân đưa chuối Việt vươn ra thế giới - 3

Ông Hùng luôn cập nhật liên tục các công nghệ và máy móc mới nhằm ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm từ chuối.

Ngoài ra, HTX Thanh Bình còn nghiên cứu xuất khẩu thân cây chuối sang Nhật Bản và Hàn Quốc để cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may. Lá chuối, vốn thường bị xem là phế phẩm, cũng được tận dụng làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công. Những nỗ lực này đã giúp HTX Thanh Bình kiếm thêm khoảng 20 triệu đồng/ha, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp địa phương.

HTX Thanh Bình là một trong những đơn vị tiêu biểu, không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu chuối tươi mà còn trong việc sáng tạo ra nhiều sản phẩm từ chuối, đóng góp tích cực vào ngành nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, HTX Thanh Bình đã liên kết với nhiều hộ nông dân, quản lý khoảng 800 ha diện tích chuối, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng cao. Mỗi tháng, HTX xuất khẩu trung bình khoảng 600 tấn chuối tươi, đồng thời chế biến sâu các sản phẩm từ chuối như chuối sấy khô để xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Hùng và các thành viên trong HTX, ngoài việc tăng thu nhập cho các hộ gia đình, HTX Thanh Bình còn tạo việc làm thời vụ cho gần 100 lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình từ 9-15 triệu đồng mỗi tháng.

Dù đạt được những thành công không nhỏ trên hành trình đưa cây chuối vươn ra thế giới nhưng ông Hùng vẫn không ngừng tìm cách phát triển mô hình của mình.

Hành trình của người nông dân đưa chuối Việt vươn ra thế giới - 4

Không chỉ xuất khẩu trái chuối mà ông Hùng cùng các thành viên trong HTX nghiên cứu, tận dụng thành công cả các phần khác của cây chuối như thân cây và lá để chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao.

Để tăng cường giá trị và độ bền vững cho cây chuối, ông đã lên kế hoạch nhập thêm nhiều máy móc hiện đại từ Trung Quốc để phục vụ cho việc chế biến sâu các sản phẩm từ chuối. Mục tiêu của ông là không bỏ sót bất kỳ bộ phận nào của cây chuối, từ trái, thân đến lá, tất cả đều có thể chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao.

Với ông Hùng, việc duy trì và phát triển HTX không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Ông mong muốn địa phương sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn để các HTX phát triển mạnh mẽ, giúp sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế.

Hành trình của người nông dân đưa chuối Việt vươn ra thế giới - 5

Mô hình trồng chuối của ông Hùng hiện đang giúp cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhiều bà con nông dân trên địa bàn.

Nhờ những đóng góp của mình, năm 2018, ông Lý Minh Hùng đã được Trung ương Hội Nông dân trao tặng danh hiệu Nông dân xuất sắc. Đến năm 2023, HTX Thanh Bình đã trở thành một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình dưới sự dẫn dắt của ông Lý Minh Hùng đã chứng minh được khả năng thích ứng, đổi mới và phát triển trong một thị trường nông nghiệp ngày càng cạnh tranh.

Những thành công của HTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần tạo nên một mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, giúp trái chuối Việt Nam vươn ra thế giới và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Nam

CLIP HOT