Hạn sử dụng "hộ chiếu vaccine" - rào cản mới của du lịch quốc tế?
Một số quốc gia châu Âu vừa áp dụng hạn sử dụng 270 ngày cho các loại chứng nhận tiêm chủng của du khách nước ngoài, bất kể họ đã tiêm loại vaccine nào.
Croatia và Áo là hai quốc gia châu Âu đầu tiên quy định hạn sử dụng 270 ngày với các loại chứng nhận tiêm chủng của du khách nước ngoài, bất kể họ đã tiêm loại vaccine gì. Như vậy, qua 270 ngày kể từ khi tiêm vaccine mũi 2, khách du lịch tới Croatia và Áo để được miễn cách ly chỉ còn cách xuất trình xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng đã khỏi bệnh Covid-19.
Bãi biển ở Dubrovnik (Croatia) đông đúc trở lại trong mùa hè. Nguồn: AP
Du khách nước ngoài đến Áo hoặc Croatia hiện nay có thể sử dụng 1 trong 2 loại giấy tờ để được miễn cách ly, gồm chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính (trong vòng 72 giờ đối với PCR hoặc 48 giờ với xét nghiệm kháng nguyên). Ngoài ra, khách du lịch có thể xuất trình bằng chứng đã khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19. Du khách cũng phải chứng minh việc đặt chỗ ở và hoàn thành thanh toán.
Quy định ngày hết hạn của chứng nhận tiêm chủng bất ngờ được đưa ra khi thế giới đang tranh luận về việc sử dụng mũi tiêm thứ 3 để tăng cường. Đây được coi là rào cản tiếp theo với ngành du lịch quốc tế, trong bối cảnh các chính sách vốn đang thay đổi liên tục như hiện nay. Du khách sẽ tốn chi phí xét nghiệm nhiều lần nếu nhiều quốc gia làm theo cách của Croatia và Áo.
Bà Jenny Southan - Sáng lập và Giám đốc điều hành của Globetrender (công ty dự báo xu hướng du lịch) cho biết: "Việc chứng nhận tiêm chủng hết tác dụng sẽ khiến du khách mất tinh thần. Trong khi các nền kinh tế đang thiệt hại nghiêm trọng, động thái này dường như không khôn ngoan". Bà Jenny Southan nhận định, nếu các quốc gia áp đặt thêm hạn chế đi lại và bổ sung yêu cầu xét nghiệm, sẽ khó có sự phục hồi nhanh chóng và ngành du lịch sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2022.
Tại nhiều nơi trên thế giới, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng giúp các hạn chế đi lại được gỡ bỏ và ngành dịch...