Hải Phòng và sắc đỏ hoa Phượng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Phòng và sắc đỏ hoa Phượng - 1

Hoa Phượng đỏ Hải Phòng

Mỗi khi lời của bài hát cất lên, những người con của Hải Phòng dù ở khắp năm châu bốn biển, đều bâng khuâng, nhớ về Hải Phòng với sắc đỏ rợp trời của hoa Phượng mỗi khi hè về. Trong ký ức và hiện tại, Phượng đỏ còn là sắc màu nhiệt huyết của thế hệ các anh hùng trong chiến đấu, lao động, học tập, sáng tạo, quyết thắng… Vì thế, hoa Phượng là một nét đẹp rất riêng và đã trở thành biểu tượng của TP. Hải Phòng. Và lễ hội hoa Phượng đỏ lần thứ nhất ra đời, được tổ chức quy mô rộng khắp TP vào đêm mùng 9 và mùng 10/6/2012.

Hoa Phượng

Hải Phòng - TP bên bờ biển xanh, chỉ có gần 1,9 triệu dân, nhưng lại có trên 10 nghìn cây Phượng vĩ, số cây được trồng nhiều nhất trên thế giới ở một TP. Hoa Phượng đỏ Hải Phòng còn gọi là Phượng Vĩ, hoa nắng, Phượng Hoàng Mộc. Tên Phượng Vĩ là chữ ghép Việt Hán. Phượng Vĩ là đuôi con chim Phượng, được người Pháp mang sang Hải Phòng trồng vào những năm cuối thế kỷ 19. Về công dụng, quả Phượng Vĩ có màu nâu sẫm, khi chín có chiều dài tới 60cm, rộng 5cm, ăn rất bùi và khá ngon. Quả Phượng được sử dụng khá nhiều nơi, nhiều nhất tại khu vực Caribe trong vai trò bộ gõ âm nhạc với tên gọi Shak-Shak hay maraca. Thân cây Phượng khi về già làm gỗ để đóng các đồ dân dụng, cây cho vỏ và rễ làm thuốc hạ nhiệt, chống sốt rét, đầy bụng, tiêu mỡ, phong tê thấp, giảm huyết áp; lá Phượng trị phong tê thấp, đầy hơi khó tiêu. Hoa và nụ Phượng vừa ăn được và còn gắn với tuổi học trò qua từng bài hát đi cùng năm tháng như: Thành phố hoa Phượng đỏ, Phượng Hồng… Hoa Phượng nở cũng là kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò. Vì thế, hoa Phượng gắn với hoa học trò, nồng thắm như tính khí người dân miền biển Hải Phòng, nhiệt huyết như người cách mạng kiên trung, người anh hùng trong lao động sản xuất; là màu máu quyện tinh thần chiến đấu không tiếc máu xương của thế hệ các anh hùng đã ngã xuống cho hòa bình, phồn thịnh của TP hoa Phượng. Để có các đường hoa Phượng nở rực đỏ đẹp mê hồn ngày nay...

Sắc đỏ lung linh hai chữ “Hải Phòng”

Lung linh sắc đỏ Hải Phòng, đó là chủ đề của Lễ hội hoa Phượng đỏ lần thứ nhất, nhằm tạo ra một loại hình lễ hội văn hóa du lịch mới, dựa trên hình ảnh hoa phượng, gắn với vùng địa linh và con người Hải Phòng. Lễ hội hoa Phượng sẽ trở thành lễ hội thường niên, truyền thống, đặc trưng của Hải Phòng. Lễ hội được tổ chức trên diện rộng, trang trọng, ấn tượng, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện mang đậm bản sắc Hải Phòng. Lễ hội lấy hình ảnh hoa Phượng làm chủ đạo. Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trên các sân khấu, khán đài và các hoạt động khác diễn ra tại những địa danh văn hóa, du lịch của thành phố và trên các tuyến đường phố chính. Điều đặc biệt là du khách đi bất cứ đâu, trên tuyến đường nào cũng thấy màu đỏ thắm của hoa Phượng đua nhau nở rộ. Và con đường 353 mang tên Phạm Văn Đồng với sự đầu tư gần 500 tỷ đồng, nối trung tâm TP với thắng cảnh Du lịch Đồ Sơn là con đường hoa Phượng dài nhất Việt Nam với gần 4000 cây hoa Phượng là một điểm nhấn rất tuyệt của lễ hội. Điểm nhấn thứ hai là “Đêm hội hoa Phượng đỏ” được tổ chức tại quảng trường Nhà hát thành phố và khu trung tâm… Đây là chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, diễu hành hoành tráng, sôi động, và ấn tượng với sự tham gia của hàng trăm đoàn trong và ngoài nước mặc trang phục đỏ. Với những bài hát về vùng đất và con người Hải Phòng, màn bắn pháo hoa màu đỏ, du khách trong và ngoài nước cùng người dân ra phố thưởng thức lễ hội và mặc trang phục màu đỏ. Dàn hợp xướng lớn chưa từng thấy làm nền bài hát “Thành phố hoa Phượng đỏ” gồm hàng nghìn người trang phục đỏ biểu diễn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động phong phú như: chung kết Đại hội lân sư rồng tranh cúp hoa Phượng đỏ, diễu hành mô tô cánh Phượng, giải đua xe đạp Cúp hoa Phượng đỏ với 12 đoàn xe mô tô phân khối lớn, trên 1000 tay đua xe đạp là người Hải Phòng và du khách quốc tế vào cuộc kết nối các tuyến điểm du lịch hưởng ứng chủ đề năm 2012 “Đô thị và an toàn giao thông”, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo quê hương TP hoa Phượng; chương trình công bố gắn nhãn chuỗi các sản phẩm du lịch hướng tới Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng Hải Phòng 2013; kết hợp giới thiệu tour, tuyến trọng điểm du lịch; trưng bày và trình diễn thư pháp về chữ “Phượng”; tổ chức phát động các cuộc thi ảnh, tranh đẹp về Hoa Phượng, sáng tác ca khúc, thơ, truyện ngắn, ký về hoa Phượng; giới thiệu sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, chương trình giảm giá đặc biệt của Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, Đồ Sơn, Cát Bà dành tặng những du khách tên Phượng và người thân đi cùng khi đi du lịch đến TP hoa Phượng.

Cũng trong dịp này, từ ngày 5/6, các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP, tại danh thắng Đồ Sơn, Cát Bà, Kiến Thụy, Dương Kinh, Vĩnh Bảo, An Lão… đồng loạt chỉnh trang, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng nhau niêm yết và giảm từ 20 đến 30 % các dịch vụ du lịch.

Bên lề lễ hội, là sôi nổi chương trình công bố gắn chuỗi các sản phẩm du lịch hướng tới năm Du lịch quốc gia 2013 như: hàng loạt sản phẩm mắm Cát Hải truyền thống phục vụ riêng cho Lễ hội hoa Phượng, bánh đa (bánh đa cua, bánh đa ngâm và bánh đa trần), nem cua bể, vua ba ba đệ nhất bếp, chả mực, cơm cháy hải sản, chả cá, Mạc trà, đồ da cá sấu, đồ mây tre đan thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, trang sức, hải sản… Các loại sản phẩm dịch vụ văn hóa- du lịch như: suối khoáng nóng Tiên Lãng, chơi gôn, leo núi, đua thuyền, các loại hình nghệ thuật dân gian và hiện đại, khuyến khích các đơn vị in chế tác các sản phẩm đồ lưu niệm, lô gô hoa Phượng trên các mặt hàng lưu niệm đặc thương hiệu Hải Phòng.

Cơ hội giới thiệu, quảng bá bức tranh Du lịch Hải Phòng

Lễ hội hoa Phượng khai thác tối đa biểu trưng hoa Phượng trong hàng loạt sự kiện, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, quà lưu niệm. Lễ hội hoa Phượng đỏ được coi là hoạt động tạo đà, khởi động cho Năm Du lịch quốc gia 2013 được tổ chức tại Hải Phòng. Ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP và ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng: Chúng ta cần tự hào để đóng góp trí lực, vì TP mình sở hữu hai tên gọi, TP Cảng và TP hoa Phượng đỏ, song nhiều năm qua công tác xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh Hải Phòng còn hạn chế, khách du lịch quốc tế chưa chú ý nhiều đến Hải Phòng. Do vậy, Lễ hội hoa Phượng đỏ là hoạt động mang tính đột phá, tạo sự khác biệt, hấp dẫn để người dân, du khách trong và ngoài nước biết, đến thưởng thức, chiêm ngưỡng, tìm hiểu khám phá, sử dụng dịch vụ du lịch, tạo được không khí ngày hội như đêm 30 và mùng 1 Tết. Do vậy, các ngành cần đặc biệt chú ý công tác an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, nhất là công tác vệ sinh môi trường, điểm đỗ xe cho thật hợp lý…

Ngoài công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, TP còn tổ chức nhiều hoạt động sự kiện tuyên truyền phát triển du lịch với quy mô lớn thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Lễ hội kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Làng cá tại Cát Bà, Lễ hội Đồ Sơn Biển gọi, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn…

Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ nhất sẽ là động lực để người dân TP cũng như du khách càng hiểu rõ thêm về TP cảng với biểu tượng hoa phượng đỏ độc đáo, càng thêm yêu thêm quý, trân trọng và nỗ lực đóng góp sức mình xây dựng TP ngày đàng hoàng to đẹp hơn, hiện đại hơn.

Lê Hiệp

(Báo Du lịch Việt Nam, ngày 7.6.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT