Giao thông ngày cận Tết: Tàu xe ế ẩm, vé máy bay tăng nhiệt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp tại nhiều địa phương nên lượng hành khách đi lại bằng tàu xe, máy bay dự báo sẽ vắng hơn so với mọi năm.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, dự kiến lượng khách đi lại qua các bến xe trong kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không đông.

Dù nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần kéo dài 9 ngày, từ ngày 29/1 (tức ngày 27 tháng Chạp, Tân Sửu) đến hết ngày 6/2. Thế nhưng do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp ở nhiều tỉnh thành nên số người đi về quê bằng xe khách còn hạn chế.

“Với tình hình dịch bệnh tại các tỉnh xuất hiện thêm nhiều ca F0, có thể lượng hành khách đi lại qua các bến xe ở Hà Nội sẽ không cao”, ông Toàn nói.

Giao thông ngày cận Tết: Tàu xe ế ẩm, vé máy bay tăng nhiệt - 1

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhu cầu đi lại bằng phương tiện xe khách giảm

Dự kiến trong thời gian cao điểm các ngày 21 - 22 và 26 đến 29/1, lượng khách trên các bến xe sẽ tăng 300% so với ngày thường. Tuy nhiên, do thường ngày lượng khách thấp nên việc hành khách tăng sẽ không vượt năng lực vận chuyển tại các bến xe.

Tại bến xe Mỹ Đình lượng khách qua bến khoảng 4.000 lượt/ngày và lượt xe là 380 lượt/ngày; tại bến xe Giáp Bát là 4.200 lượt khách/ngày và 400 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách/ngày và 220 lượt xe/ngày.

Tại bến xe Nước Ngầm, dù bến xe đã dự phòng xe tăng cường, nhưng theo dự báo lượng khách đi lại cao điểm Tết cũng sẽ giảm so với năm trước.

Đối với đường sắt, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tính thời điểm này, đã bán được hơn 41.000 vé tàu. Cụ thể, vé bán cho hành khách đi tàu Thống nhất từ ngày 20/1 - 13/2 là hơn 28.500 vé; Vé tàu tuyến ngắn hơn 12.700 vé. Ngoài số vé đã bán, thanh toán thành công, còn lượng lớn vé đặt chỗ qua web, qua các ứng dụng bán vé trên điện thoại.

Giao thông ngày cận Tết: Tàu xe ế ẩm, vé máy bay tăng nhiệt - 2

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Trong khi đó, các đoàn tàu do Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn quản lý bán được hơn 25.200 vé tàu Thống nhất và khoảng 11.200 vé tàu khu đoạn. Các đoàn tàu do Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý bán được gần 16.000 vé tàu Thống nhất và hơn 1.500 vé tàu khu đoạn.

Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, dù đường sắt đã lập 5 đôi tàu Bắc – Nam phục vụ người dân cao điểm Tết, nhưng đến nay số lượng đơn vị bán vé ra mới chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân, một phần do người dân từ các tỉnh phía Nam đã về quê trong các đợt dịch trước đây, mặt khác do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên nhiều người hạn chế đi lại, dẫn tới lượng khách mua vé tàu Tết thấp hơn nhiều so với mọi năm.

Giao thông ngày cận Tết: Tàu xe ế ẩm, vé máy bay tăng nhiệt - 3

Sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu đông khách đi lại ngày cận Tết

Tại TP.HCM, những ngày cận Tết Nhâm Dần 2022 tình hình giao thông đã có dự chuyển động sau nhiều tháng ‘đóng băng’ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo ghi nhận, sân bay Tân Sơn Nhất từ hôm 17/1 (tức 15 tháng Chạp) đến nay đã đông đúc hành khách đi lại. 

Năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh và lo ngại trước thông tin phải cách ly y tế khi về quê nên nhiều người đã đặt vé máy bay sớm hơn dự định. Giá vé máy bay thời điểm trước đó được các hãng mở bán còn thấp hơn cả xe khách, tàu hỏa...

Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc thì không khí tại ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông lại 'ảm đạm' hơn mọi năm.

Hiện Tết Nhâm Dần 2022 đã cận kề nhưng lượng khách đổ về bến để đi lại không cao.

Giao thông ngày cận Tết: Tàu xe ế ẩm, vé máy bay tăng nhiệt - 4

Hành khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục bay tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 17 tháng Chạp

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, hiện TP đang có dịch ở cấp độ 1 nhưng các tỉnh thành ở phía Bắc vẫn phát sinh dịch bệnh, việc này ảnh hưởng đến vận tải hành khách dịp Tết.

Cụ thể, đến nay 10 tỉnh, thành vẫn chưa thể liên kết vận tải hành khách với TP.HCM; một số tỉnh TP, còn có quy định cách ly người về. Do đó, dự báo sản lượng hành khách năm nay chỉ đạt 50% so với năm ngoái. Đường sắt đạt 30% và hàng không cũng chỉ đạt khoảng 80% so với năm trước.

Về hoạt động vận tải hành khách đường bộ, ông Hải cho biết dự báo ngày cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 có khoảng 60.000 hành khách so với những năm không có dịch đạt 130.000 hành khách.

“Hiện nay, nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo lượng xe khách để phục vụ người dân. Tuy nhiên, năm nay lượng xe khách đang thừa, các bến xe không có nhu cầu tăng cường xe buýt hỗ trợ. Dù các doanh nghiệp chưa có nhu cầu này nhưng phía Sở GTVT đã có phương án dự phòng và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết”- ông Hải thông tin.

Về giá vé, ông Hải cho biết TP.HCM có 51 đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh thì 22 đơn vị đã kê khai tăng giá vé cao nhất 40% các tuyến Miền Tây, 60% các tuyến phía Bắc.

Hiện nay, Sở GTVT cũng gửi Sở Y tế điều chỉnh tiêu chí gỡ bỏ quy định giãn cách trên xe theo chiều TP.HCM đi các tỉnh. Trong khi đó, chiều các tỉnh khác trở lại TP.HCM thì vẫn tuân thủ quy định dịch bệnh. 

Hàng không tăng chuyến phục vụ Tết

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến tổng lượng hành khách đi lại cao  điểm Tết ước đạt 3,9 triệu hành khách.

Trong dịp Tết âm lịch, dự báo một số cảng hàng không có tần suất khai thác cao. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác bình quân 450 lượt chuyến/ngày với lượng hành khách dự kiến 45.000 người. Cảng hàng không Nội Bài, dự kiến khai thác 300 lượt chuyến/ ngày với khoảng 35.000 hành khách. Các cảng hàng không còn lại dự kiến khai thác từ 550 -750 chuyến mỗi ngày.

Trên các kênh bán vé trực tuyến, chặng Hà Nội - TP.HCM, giá vé máy bay bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tăng với mức tăng dần. Một số chuyến bay đã có dấu hiệu hết vé.

Nếu bay Vietnam Airlines bay ra Hà Nội vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Âm lịch (ngày 29/1, tức 27 tháng Chạp) và bay vào TP.HCM vào ngày cuối cùng (ngày 6/2, tức ngày mùng 6 Tết), giá vé ở mức hơn 4,4 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi bay Vietjet hạng phổ thông, gía vé hơn 3,7 triệu đồng /vé khứ hồi.

Cận Tết giá vé máy bay bắt đầu tăng nhưng vẫn còn thấp so với cùng thời điểm các năm trước. Các năm trước đây giá vé máy bay Tết âm lịch trục Hà Nội - TP.HCM luôn ở mức cao, thậm chí giá lên tới 6 - 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Gia Văn - Tuấn Kiệt (Vietnamnet)

CLIP HOT