Du lịch đối mặt với khủng hoảng: "Bắt tay" để phát triển

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Để vực dậy ngành Du lịch, phục hồi một cách bền vững trong tình cảnh hết sức khó khăn là thiếu vốn, thiếu nhân lực, giá đầu vào tăng, thì việc liên kết phát triển giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, địa phương với địa phương, vùng miền với vùng miền trên cả nước là tất yếu.

Du lịch đối mặt với khủng hoảng: "Bắt tay" để phát triển - 1

 Liên kết giữa 5 tỉnh miền Trung và Hải Phòng, Quảng Ninh góp phần kết nối, đưa khách từ thị trường miền Bắc tới miền Trung Ảnh: QUẢNG HÀ

Nhiều hoạt động thiết thực để thu hút khách

“Bắt nhịp” cho các hoạt động này, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều sự kiện nhằm kích cầu du lịch và đẩy mạnh phục hồi. Trong đó có Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022; Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX; Lễ hội Làng sen quê Bác 2022... Các địa phương cũng chủ động liên kết hoặc thắt chặt các mối quan hệ trước đây để hợp tác, phát triển du lịch.

Mới đây, tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), UBND TP.HCM phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên”. Chương trình này nhằm kết nối các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM với các điểm đến của tỉnh Kon Tum nhằm xây dựng các chương trình liên kết giữa trung tâm du lịch lớn nhất cả nước và tỉnh Kon Tum nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, qua đó thu hút du khách đến khu vực nhiều hơn trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành ở TP.HCM đề xuất các tỉnh Tây Nguyên hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, liên tỉnh; đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn để phục vụ du khách; chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, nâng cao nhận thức người dân trong hoạt động du lịch cộng đồng… Các địa phương tham gia chương trình hợp tác này cũng thống nhất tập trung vào 4 nội dung về: Công tác quản lý nhà nước; công tác phát triển sản phẩm; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp các địa phương cần được phát huy để triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết hợp tác…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng mong muốn sau hội nghị, UBND và Sở VHTTDL các tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ dịch vụ, nguồn nhân lực để tăng cường liên kết và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP.HCM đưa khách tới Tây Nguyên. Trong thời gian tới, TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên cũng cần triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương. Các doanh nghiệp TP.HCM sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, sẵn sàng hỗ trợ ngành Du lịch các tỉnh Tây Nguyên đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, nhằm thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn.

Một liên kết, hợp tác nữa giữa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng với Hải Phòng, Quảng Ninh cũng được thiết lập từ khi dịch bệnh được kiểm soát nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch về “Miền di sản diệu kỳ” của 5 tỉnh miền Trung và đưa khách đến khu vực này nhiều hơn. Đây là hoạt động thiết thực của các địa phương nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ VHTTDL phát động và Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15.3.

Có thể thấy, các chương trình hợp tác, phát triển du lịch gần đây đã đi vào thực chất, có tour, tuyến, sản phẩm du lịch rõ ràng chứ không chung chung, chỉ là những ký kết trên giấy tờ như trước.

Cần có chính sách thu hút đầu tư

Qua nhiều chương trình hợp tác, doanh nghiệp du lịch mong muốn các tỉnh cần có những chính sách, thông tin quy hoạch rõ ràng, nhu cầu đầu tư, danh mục kêu gọi để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, xây dựng các sản phẩm du lịch. Các chương trình hợp tác cũng đặt ra mục tiêu là trao đổi bao nhiêu lượt khách; sản phẩm phải vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa phù hợp với đặc trưng của vùng miền; vừa phát huy, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa của các địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng cam kết hợp tác để đưa ra mức giá phù hợp nhất, chất lượng tốt nhất phục vụ khách du lịch.

Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ hai lấy chủ đề “Hợp tác và hành động”. Qua đó, một lần nữa khẳng định quyết tâm của các địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Khu vực ĐBSCL được cho là rất có lợi thế để phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL. Tuy nhiên, chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp của vùng hiện nay tuy đã hình thành nhưng chưa rõ nét, nhiều mô hình chuỗi chưa thật sự hiệu quả. Có 2 dạng mô hình chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp đang được khai thác là: Các mô hình đơn giản do người dân tự phát làm du lịch và khách tự đến; các mô hình có yếu tố liên kết do người dân tự liên kết với nhau, doanh nghiệp liên kết với người dân… Các hoạt động khai thác và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn ít, trùng lặp, chưa thực sự thu hút; tính liên kết giữa các chủ thể đã tồn tại nhưng còn mang tính cơ học; trong các hoạt động liên kết, vai trò điều phối, chủ đạo chưa được nổi lên khiến cho các liên kết mờ nhạt, lỏng lẻo… Bên cạnh đó, việc liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL và TP.HCM cần dựa trên hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc như: Biển, đảo, đất ngập nước, rừng ngập mặn, khu bảo tồn thiên nhiên… cũng chưa được khai thác hiệu quả.

Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cho rằng, để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo và sáng tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mang nét đặt trưng của từng địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần xem phát triển du lịch là một chiến lược lâu dài để có những đầu tư đúng mức, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Bài cuối: Để ổn định và phục hồi bền vững

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 THUÝ HÀ (Báo Văn Hóa)

CLIP HOT