Du lịch các địa phương bứt tốc, về đích sớm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch của nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Kiên Giang, Đắk Lắk… ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ, về đích sớm so với kế hoạch năm 2022. 

Quảng Bình đón hơn 1,7 triệu lượt khách 

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, bằng việc triển khai đồng bộ các phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, trong đó tỉnh tập trung vào kích cầu, quảng bá du lịch có hiệu quả cùng nhiều loại hình, dịch vụ du lịch hấp dẫn, 10 tháng đầu năm 2022, Quảng Bình đã đón và phục vụ hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch.

Du lịch các địa phương bứt tốc, về đích sớm - 1

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Quảng Bình đã đón và phục vụ hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch. Ảnh: Hoàng Bùi

Theo đó, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình trong 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 1,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 25.174 lượt, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Để đạt được kết quả đó, ngành du lịch tỉnh này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, kích cầu du lịch và phát triển thị trường khách; hoàn thiện, phát triển các sản phẩm du lịch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin và điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Kiên Giang đón hơn 6,6 triệu lượt khách

Theo TTXVN, trong 10 tháng qua, tỉnh đón trên 6,6 triệu lượt khách, vượt gần 18% kế hoạch năm, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 8.600 tỉ đồng. Trong đó, lượng khách chủ yếu đến Phú Quốc với 4,4 triệu lượt, tăng 170% so cùng kỳ, đạt 116% so với kế hoạch, khách quốc tế 155.000 lượt. Khách đến Phú Quốc chiếm hơn 66% tổng lượng du khách đến tỉnh Kiên Giang trong 10 tháng đầu năm 2022.

Du lịch các địa phương bứt tốc, về đích sớm - 2

Khách đến Phú Quốc chiếm hơn 66% tổng lượng du khách đến tỉnh Kiên Giang trong 10 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

Với kết quả này, ngành du lịch Kiên Giang đã cán đích kế hoạch cả năm từ tháng 9 khi lượng khách vượt 6,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 7.738 tỉ đồng.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, địa phương cũng đã triển khai các giải pháp kích cầu. Trong đó, ngành tăng cường hoạt động kết nối các tỉnh, thành trong cả nước; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh. Song song đó, Phú Quốc cũng đón các đoàn quốc tế từ Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ… đến khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tỉnh tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan – Kiên Giang nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.

Du lịch Hà Nội vượt xa chỉ tiêu năm 2022

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Hà Nội đón trên 17 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 48.350 tỉ đồng. Trước đó, trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội năm 2022, địa phương đặt mục tiêu đón 9 – 10 triệu lượt khách; như vậy, ngành du lịch Hà Nội đã vượt xa chỉ tiêu đón khách.

Du lịch các địa phương bứt tốc, về đích sớm - 3

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Hà Nội trên 17 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 48.350 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Du lịch, nhằm tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội, ngành du lịch thủ đô đang chuẩn bị tổ chức chương trình Festival Áo dài Hà Nội năm 2022 (dự kiến từ ngày 2 đến 4-12 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm); triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025; tổ chức tọa đàm “Kết nối các khu, điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội” năm 2022.

Địa phương cũng đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng/bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo…

Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đón hơn 7 triệu lượt du khách năm 2022

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ đầu nay đến nay, Đà Lạt đón hơn 7 triệu lượt du khách, tăng 340% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, du khách quốc tế 150.000 lượt, đạt 100% kế hoạch, tăng 700% so với năm 2021; khách qua đăng ký lưu trú 5,5 triệu lượt, đạt 110% kế hoạch, tăng 300% so cùng kỳ 2021.

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, như Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng, xúc tiến mở lại một số chuyến bay charter từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… đến Lâm Đồng từ tháng 7-2022. Do đó, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được phục hồi nhanh.

Năm 2023, địa phương đặt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách du lịch qua lưu trú, tăng 18,2%; trong đó, khách quốc tế 250.000 lượt, tăng 67%.

Đắk Lắk đón gần 1 triệu du khách

Hơn 10 tháng đầu của năm 2022, khách du lịch đến tỉnh Đắk Lắk gần cán mốc 1 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đã vượt kế hoạch cả năm. Cụ thể, từ đầu 2022 tới nay, Đắk Lắk đón trên 997.000 lượt khách du lịch, trong đó khoảng 12% là khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 824 tỉ đồng, vượt hơn 50 tỉ đồng so với kế hoạch của cả năm 2022.

Du lịch Đắk Lắk đã nhanh chóng phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Xu hướng chung của du khách là lựa chọn những điểm du lịch mới mẻ, có nhiều trải nghiệm khác lạ, nên chọn các điểm đến ở Đắk Lắk.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ trên Báo điện tử VOV, tỉnh đang tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã chọn đầu tư trọng điểm cho 5 buôn của người dân tộc thiểu số, với mức hỗ trợ từ 800 – 1 tỉ đồng để phát triển du lịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đăng Huy tổng hợp (Sài Gòn Tiếp Thị)

CLIP HOT