Trận động đất có độ lớn 5.0 được xác định xảy ra ở huyện KonPlong(Kon Tum) gây rung lắc mặt đất ở nhiều tỉnh, thành miền Trung- Tây Nguyên vào trưa 28/7.
Ông Trần Thành (ngụ TP Quảng Ngãi), cho hay cả nhà đang ăn trưa thì bàn ghế bỗng dung rung lắc mạnh khiến ai cũng giật mình.
Trong khi đó, nhiều người dân tại TP Pleiku (Gia Lai), Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng cũng cảm nhật mặt đất chao đảo trong khi ăn trưa trong nhà.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cho biết, đến trưa 28/7, đơn vị vẫn đang tiếp tục cập nhật bản đồ vị trí và theo dõi trận động đất xảy ra cùng ngày.
Theo ghi nhận của Trung tâm, 3 giờ 12 phút 14 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3.4 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.879 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Đến 8 giờ 35 phút 29 giây (giờ Hà Nội) độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.839 độ vĩ Bắc, 108.365 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Và trận động đất lúc 3.
Mới nhất, vào hồi 11giờ 17 phút 46 giây (giờ Hà Nội) trận động đất có độ lớn 4.1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.851 độ vĩ Bắc, 108.327 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.3km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Thị trấn Măng Đen, huyện KonPlong (Kon Tum).
Ít phút sau, lúc 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) một trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Trong khi đó, nhiều người dân tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, địa phương này cảm nhận cơn địa chấn rất rõ. Một chủ quán tạp hóa còn chia sẻ video quầy hàng rung lắc mạnh, rơi cả đồ đạc xuống dưới.
Hoạt động tích nước của hồ chứa thuỷ điện gây ra hàng trăm trận động đất kích thích tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, trận động đất có độ lớn 5.0 độ xảy ra trưa nay (28/7) là trận động đất có cường độ mạnh nhất, gây rung chấn cho khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình. Các địa phương cần kiểm tra đánh giá thiệt hại. Cơ quan này đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2 do động đất.
Trước khi trận động mạnh 5.0 độ xảy ra trưa nay, từ sáng sớm đến trưa, khu vực này đã ghi nhận 3 trận động đất liên tiếp. Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 3 giờ 12 phút 14 giây với độ lớn 3.4 trên địa bàn huyện khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Hai trận tiếp theo xảy ra lúc lúc 8 giờ 35 phút 29 giây (giờ Hà Nội) và 11 giờ 17 phút 46 giây với độ lớn lần lượt là 3.3 và 4.1.
Khu vực long hồ thủy điện Thượng Kon Tum.
Hiện tại chưa có thống kê thiệt hại do trận động đất gây ra. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ nước ta cảm nhận được rung chấn từ trận động đất này.
Các chuyên gia nhận định, động đất ở Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích tại Kon Plông được nhận định có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Mới đây tại khu vực Kon Plông đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.