Doanh thu tăng, Đường Sách vẫn trăn trở đổi mới thu hút bạn đọc
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Đường Sách TP.HCM cho thấy, tổng doanh thu đạt 31,36 tỷ VNĐ, tăng trưởng 8,63% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức.
Đường Sách tổ chức 212 hoạt động, tăng 38,6% so với năm 2024, đa dạng về chủ đề từ lễ hội, trưng bày, giao lưu, workshop và biểu diễn nghệ thuật.
Tuy nhiên, sức mua và doanh thu không tăng tương ứng. Điều này cho thấy khách hàng ngày càng đề cao trải nghiệm cá nhân hóa hơn là mua sắm đơn thuần.
Du khách đến Đường Sách để "tham gia sự kiện", "trải nghiệm workshop" hay "chụp ảnh", việc mua sách chỉ là hoạt động kèm theo.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách du lịch đến TP.HCM tăng đột biến do có nhiều sự kiện kích hoạt du lịch và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngoài ra, các sự kiện mang chất liệu văn hóa nghệ thuật tại Đường Sách cũng tăng cao.
Các gian hàng tăng cường các mặt hàng phục vụ khách du lịch, quà lưu niệm cũng góp phần tăng trưởng doanh thu (tỉ lệ mặt hàng lưu niệm có tăng lên so với năm 2024 với doanh thu hơn 1,6 tỷ đồng).
Báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 vào sáng 18/7, ông Lê Hoàng, Giám đốc Cty TNHH Đường sách TP quan ngại: "Dù doanh thu tăng, số lượng sách bán ra lại giảm nhẹ 1,8% (đạt 339.376 cuốn). Đáng lo ngại hơn, số tựa sách mới phát hành giảm mạnh 42%, chỉ còn 1.108 đầu sách".
Mảng sách thiếu nhi tiếp tục đà suy giảm, doanh thu giảm đến 12,75% (đạt 3,98 tỷ VNĐ).
Mặc dù số lượng sách thiếu nhi bán ra có tăng nhẹ 0,6%, nhưng sự sụt giảm doanh thu mạnh mẽ cho thấy nhiều khả năng là do bán sách tồn kho hoặc giảm giá sâu, chứ không phải các ấn phẩm mới, giá trị cao.
Đây là xu hướng kéo dài từ năm 2023 và nếu không có giải pháp đột phá, mảng sách thiếu nhi sẽ tiếp tục mất đi vai trò nền tảng trong việc vun đắp văn hóa đọc.
Bên cạnh đó, cơ cấu doanh thu cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt. Doanh thu bán lẻ trực tiếp tại gian hàng dù tăng nhẹ về con số tuyệt đối, nhưng tỷ trọng đã giảm từ 57,7% (2024) xuống 55,4% (2025). Kênh bán sỉ gặp khó khăn lớn, doanh thu giảm 13,8%, kéo tỷ trọng xuống còn 16,3%.
Điểm sáng là doanh thu từ quà lưu niệm tăng gấp đôi lên 5% tổng doanh thu, và các quán cà phê sách đóng góp ổn định 7%, góp phần đa dạng hóa nguồn thu.
Nếu không có chiến lược giữ chân độc giả tại không gian thực, Đường Sách có nguy cơ mất đi bản sắc ‘trải nghiệm’ và trở thành một ‘dãy cửa hàng trưng bày tĩnh lặng’, ông Lê Hoàng cảnh báo.
Ngược lại, kênh online ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 40,35%, đạt 8,82 tỷ VNĐ, nâng tỷ trọng từ 21,8% lên 28,1%. Tuy nhiên, doanh thu online chủ yếu đến từ một số ít đơn vị, cho thấy sự chuẩn bị chưa đồng bộ của các gian hàng trong việc thích ứng với xu thế số.
Đáng chú ý, vai trò chủ động tổ chức sự kiện của các gian hàng sụt giảm mạnh, chỉ chiếm 44% tổng số hoạt động. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì sự sôi động và gắn kết của Đường Sách, đòi hỏi các gian hàng cần chủ động hơn để biến mỗi không gian thành một điểm đến đáng nhớ.
Tại buổi họp, nhiều ý kiến đóng góp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững Đường Sách.
Các thảo luận tập trung vào việc làm thế nào để Đường Sách không chỉ duy trì sức hút mà còn thực sự trở thành một không gian văn hóa đọc mang tính biểu tượng, đáp ứng nhu cầu thay đổi của độc giả trong thời đại số.
Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng sách, đổi mới hoạt động các gian hàng, và cải tiến cách tiếp cận độc giả nhỏ tuổi để khơi dậy tình yêu đọc sách, từ đó định vị rõ hơn vai trò của mình trong đời sống văn hóa.
Mục tiêu không chỉ là duy trì tăng trưởng doanh thu mà còn là củng cố vai trò trung tâm văn hóa đọc, đổi mới cách tiếp cận độc giả và giữ vững bản sắc riêng biệt của mình.
Theo ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng Phòng Báo chí - xuất bản Sở VH&TT, việc đa dạng hóa và làm mới danh mục sản phẩm của các đơn vị là cực kỳ cần thiết để bắt kịp nhu cầu thị trường và tăng cường sức hấp dẫn cho khách hàng, biến lượng khách tham quan ổn định thành sức mua thực tế.
Ngoài ra các ý kiến đóng góp tại buổi Sơ kết cũng nêu rõ cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào các ấn phẩm mới, chất lượng, đồng thời khuyến khích các gian hàng linh hoạt và chủ động hơn trong việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để tận dụng tối đa lượng khách tham quan ổn định.