Bàn làm việc của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC dành góc đẹp nhất để hình ông và cháu nội, bên cạnh là phu nhân - “Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc. Khoe tấm hình cháu gái vừa hơn 1 tuổi, ông “chốt”: Đời doanh nhân chỉ thành công khi gia đình thành công, bản thân thành nhân.
"Tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận mọi thử thách, cơ hội. Một doanh nhân là phải luôn trong tâm thế chuẩn bị như vậy. Không có dấn thân thì không bao giờ phát triển”. Ảnh: Lê Quân
Trong câu chuyện với Tạp chí du lịch TP.HCM Xuân 2023, ông Đặng Văn Thành hào hứng nói về chuyện tăng tốc đầu tư một loạt điểm đến mới, những dự định làm du lịch sau đại dịch. Ông tin ngành du lịch sẽ khởi sắc trong quý 1/2023 và trở lại bình thường vào thời điểm cuối năm.
LÀM DU LỊCH, NGOÀI CHIẾN LƯỢC ĐÚNG, TÔI THẤY MÌNH MAY MẮN
- So với nhiều doanh nghiệp khác, TTC có thể nói là đi sau, nhưng đã đặt sự hiện diện của mình tại các trọng điểm du lịch trên cả nước như Huế, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, TP.HCM, Cần Thơ… và cả nước ngoài là Campuchia. Lĩnh vực này có gì đặc biệt để hấp dẫn ông, một người “gốc” tài chính, nông nghiệp?
- Tập đoàn TTC đã có hơn 43 năm hoạt động trên thị trường. Trong các lĩnh vực đầu tư đúng là du lịch muộn hơn, khoảng gần 10 năm. Nhưng thực tế du lịch luôn nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của chúng tôi.
Mà nói gần 10 năm thì đó là số năm TTC hoạt động thực sự chuyên nghiệp, bài bản, chứ chúng tôi đã làm trước đó rồi. Ban đầu chúng tôi đến với du lịch thông qua tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bởi du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế lớn nhất thế giới và tăng trưởng nhanh nhất. Ngành công nghiệp không khói này những năm gần đây trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và được gọi là ngành “xuất khẩu tại chỗ” mà các quốc gia phát triển đều chú trọng.
"Làm du lịch, ngoài chiến lược đúng, tôi thấy mình may mắn", doanh nhân Đặng Văn Thành. Ảnh: Lê Quân
Đến năm 2014, chúng tôi bắt đầu xâu chuỗi lại, định vị du lịch thành một mảng kinh doanh quan trọng cùng với các mảng chủ lực khác của tập đoàn. Đánh dấu sự phát triển bằng việc M&A Công ty Cổ phần Du lịch Golf Việt Nam. Năm 2015, song song với việc xây dựng, cải tạo hệ thống các khách sạn, TTC cũng từng bước hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu mới.
- Nhưng vì sao ông chọn thời điểm 2014 để làm du lịch một cách mạnh mẽ mà không phải lúc khác. Phải chăng khoảng thời gian này ông đã rời mảng tài chính tâm huyết và có nhiều thời gian để tập trung?
- Thực ra chỉ là trùng hợp. Như tôi nói, du lịch đã nằm trong định hướng phát triển của TTC. Chỉ là chúng tôi chọn thời điểm nào để bung ra phát triển mạnh mẽ, trở thành một lĩnh vực chính trong sơ đồ tổ chức của TTC. Và 2014 là thời điểm tôi thấy hợp lý.
Đến hôm nay thì có lẽ mọi người đã nhìn thấy sự quyết tâm của TTC trong lĩnh vực du lịch. Tôi phải thừa nhận rằng, TTC ngoài có tầm nhìn chiến lược đúng thì cũng có yếu tố may mắn. Chúng tôi có các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đắc địa tại hầu hết các địa điểm du lịch quan trọng.
Như tại Đà Lạt, TTC sở hữu Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, Đồi Mộng Mơ, Khách sạn Ngọc Lan… Ở Bình Thuận, chúng tôi có Khu du lịch Tà Cú, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng bên bờ biển. Nha Trang thì có khách sạn TTC Michelia ngay trung tâm thành phố. Đặc biệt, chúng tôi đang đầu tư vào Dốc Lết, điểm đến hấp dẫn cho cả du khách nước ngoài và nội địa. Người dân Nha Trang cũng rất thích và thường đến Dốc Lết vui chơi, bởi nơi này có bãi biển dài, cát trắng mịn rất đẹp và an toàn.
"Đời doanh nhân của tôi giống cây mía vậy. Cây mía cứ lên một đốt thì lại có một cái mắt chắn lại, rồi lại có đốt mới, nhưng càng nhiều mắt chồng lên thì thân mía càng cứng cáp”. Ảnh: Lê Quân
Chúng tôi đang đầu tư nhiều hạng mục vui chơi, nghỉ dưỡng thú vị ở đây, để du khách có nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch của mình. Đặc biệt, khách du lịch đang rất thích thú với rừng phượng đỏ 5 ha mà chúng tôi trồng ở đây. Rừng phượng đỏ rực mỗi độ hè về tạo nên một điểm nhấn đặc biệt cho cả khu vực.
- Có điều gì khiến ông lại chọn phượng mà không phải một loại hoa khác, bởi phượng chỉ nở theo mùa, trong khi các loại hoa khác có thể khoe sắc quanh năm?
- Tôi thấy hoa phượng rất rực rỡ mà lại gắn liền với hoài bão, ký ức của chúng ta, bởi ai cũng đi qua thời học sinh, thời tuổi trẻ sôi nổi. Phượng lại là loại hoa đặc trưng của vùng nhiệt đới thì tại sao mình không tận dụng để giới thiệu với khách du lịch ở các quốc gia ôn đới. Tôi liên tưởng đến nhiều người Việt mình đến Nhật Bản đôi khi chỉ để ngắm hoa anh đào. Thế nên tôi quyết định chọn phượng làm điểm nhấn cho các điểm du lịch của TTC.
Mỗi lần đến Dốc Lết, tôi ngắm mãi rừng hoa phượng rực rỡ. Điểm nhấn rừng phượng này tôi gọi là thành công, tự hào của chúng tôi.
- Nhưng phượng chỉ nở vào hè. Ông có định can thiệp để khách có thể nhìn thấy loại hoa này quanh năm, đồng nghĩa thu hút khách đến nhiều hơn?
- Không, tôi làm du lịch xanh và tôi nghĩ cần tôn trọng tự nhiên. Hoa nào cũng phải theo mùa, mình phải chấp nhận như vậy. Tôi sẽ không dùng các biện pháp khoa học để can thiệp cho phượng nở trái mùa đâu.
Tôi nghĩ mình nên cho mọi thứ vừa đủ, hoặc thiếu một chút, để khách họ tìm, họ thấy “thèm”.
Trồng rất nhiều phượng làm điểm nhấn ở khu du lịch của TTC, doanh nhân Đặng Văn Thành nói ông muốn giới thiệu với khách du lịch ở các quốc gia ôn đới loài hoa đặc biệt của Việt Nam. Ảnh: TTC
TÔI ĐÃ LÀM DU LỊCH TỪ MỘT SỨ MỆNH KHÁC
- Trong gần 10 năm qua, TTC đã dành nguồn lực rất lớn đầu tư vào du lịch. Ông nhìn ra lợi thế của du lịch từ thời điểm này ra sao mà quyết định dồn lực như vậy?
- Như tôi nói lúc đầu, ngành công nghiệp không khói này được các nước phát triển rất chú trọng đầu tư. Nhưng ở TTC, tôi còn một sứ mệnh khác, là vì sức khỏe tinh thần, hạnh phúc của gần 7.000 người lao động. Tôi luôn tự hào là tôi có lực lượng lao động hàng ngàn người, và có nhiều người từ khi tóc xanh cho đến bây giờ tóc lấm tấm bạc, họ đi trọn cả đời cùng sự phát triển của tập đoàn. Tôi muốn cán bộ, nhân viên của tôi và cả người thân của họ có địa điểm du lịch, nghỉ ngơi giải trí. Họ sẽ tự hào về nơi họ làm việc, gắn bó khi đến bất kỳ địa phương nào cũng nhìn thấy logo du lịch màu tím quen thuộc của TTC.
Khi một nhân viên đưa người thân đi du lịch, nghỉ dưỡng ở khách sạn TTC, ăn uống ở nhà hàng TTC, giải trí ở các khu vui chơi của TTC, thì ắt hẳn họ sẽ tự hào lắm. Tự hào về nơi họ làm việc chuyên nghiệp, có đầy đủ các lĩnh vực kinh doanh quan trọng, tự hào vì họ được chăm sóc từ vật chất đến tinh thần.
- Thực trạng hiện nay là du lịch ở các địa phương sau thời gian phát triển đang bị cũ, không có gì để níu chân khách ở lại dài hơn. Ông có hướng làm mới nơi mình đến, hay liên kết để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn hơn. Quan trọng là để khách ở lại dài, chi tiêu nhiều hơn?
"Tôi hay nói 'đụng' tới ngành du lịch là vô cùng thách thức, bởi đặc thù ngành này là 'thượng đế' vui buồn gì họ cũng phê bình mình được hết", doanh nhân Đặng Văn Thành. Ảnh: Lê Quân
- Đây là vấn đề tôi trăn trở. Như mọi người thấy, chúng tôi đi sau so với các doanh nghiệp du lịch khác. Nhưng như vậy mình chuẩn bị được nhiều hơn, rút được kinh nghiệm. Ví dụ như Khu du lịch Tà Cú ở Bình Thuận. Đây là điểm đến đặc biệt nhưng đầu tư chưa xứng tầm, chưa định vị được đó là điểm đến loại hình nào nên chưa hút khách.
Tôi đến và nghĩ khác. Chúng tôi sẽ tổ chức nơi này thành khu du lịch tâm linh, xây dựng thêm khu nghỉ dưỡng cho khách hành hương, tham quan. Sẽ không có món mặn nào được bán tại các nhà hàng khu vực này nữa, mà chỉ có nhà hàng chay.
Hay như tại Đà Lạt, sau nhiều năm khai thác lợi thế sẵn có thì phải nâng giá trị lên. Chúng tôi đã và đang làm mới TTC World - Thung lũng tình yêu, với nhiều hạng mục vui chơi, giải trí. Chúng tôi chuẩn bị khởi công một cầu kính với công nghệ 7D hiện đại nhất, để tạo điểm nhấn hút khách đến thành phố này.
Tất nhiên, mình muốn nhưng phải được ủng hộ, các doanh nghiệp cùng ngành bắt tay. Nhiều tay sẽ vỗ nên kêu, chứ 1 - 2 doanh nghiệp muốn thay đổi mà nhiều người khác không chung tay thì rất khó.
Còn cũ hay không cũ, đầu tiên do từng doanh nghiệp họ nhìn nhận và thay đổi. Mình kinh doanh lĩnh vực nào cũng phải thay đổi nó theo hướng ngày càng đi lên, như thế thì khách hàng và chính bản thân mình mới không thấy nhàm chán.
Làm du lịch thì yếu tố mới lạ càng phải được xem trọng. Làm mới điểm đến, làm mới cung cách phục vụ, chuyên nghiệp trong kinh doanh để khách hàng cũ quay lại, khách hàng mới hào hứng khám phá, đó là cả một nghệ thuật, một chiến lược phải xây dựng và cập nhật liên tục.
Những người làm công tác này phải thật sự có chuyên môn, nghiêm túc. Tôi hay nói “đụng” tới ngành du lịch thật sự là vô cùng thách thức. Bởi đặc thù ngành này là khách hàng - “thượng đế” vui buồn gì họ cũng phê bình mình được hết!
- Chính vì đặc thù, nên tôi muốn hỏi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, như ông, mình sẽ làm sao để khách nước ngoài họ đến Việt Nam rồi quay lại không chán, giống người Việt đi Thái Lan, đi Singapore vậy?
- Như tôi đã nói, du lịch chúng ta có cái hạn chế là manh mún. Các quốc gia khác, như Trung Quốc, Thái Lan họ làm đồng bộ hơn chúng ta. Họ kết nối thành những chuỗi kinh doanh rất lớn có thành viên là khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận chuyển, hướng dẫn viên, tất cả tạo thành chuỗi liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Và nhờ có hệ sinh thái chung như vậy nên họ có mức giá hợp lý để cạnh tranh.
Còn chúng ta, mỗi anh làm một kiểu. Cùng dịch vụ nhưng mỗi nơi một giá. Điều này khiến cho ngành du lịch chúng ta bất lợi, không đủ sức cạnh tranh.
"Du lịch sẽ khởi sắc từ quý I, và tôi dự báo có thể cuối năm, mọi thứ sẽ bình thường trở lại". Ảnh: Lê Quân
Cũng vì vậy mà chúng tôi có tiêu chí dịch vụ của riêng TTC. Tôi luôn nói với nhân viên phải làm sao để khách đến mà họ thoải mái, vui vẻ như ở chính nhà của họ vậy. Rồi khi quay lại, mình phải chào đón thế nào để họ thấy là được chờ đợi.
Sự “welcome” nó nhỏ thôi, nhưng cách của chúng ta sẽ tạo cho khách quyến luyến, cảm tình. Mình phải làm sao cho khách muốn đến và muốn quay lại, chứ đừng để tình trạng khách đến vì tò mò rồi không quay lại sẽ rất tiếc.
CHÚNG TÔI ĐANG BẮT ĐẦU MỘT NĂM 2023 TĂNG TỐC
- Du lịch của TTC có lẽ đã có một năm 2022 thành công, khi mà ai cũng nhìn nhận Việt Nam chúng ta đã có một năm bùng nổ, nhất là khách nội địa?
- Các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã bị ảnh hưởng rất nặng nề của 2 năm Covid-19. Thiệt hại này trong 1 - 2 năm khó bù đắp được. Bản thân chúng tôi năm 2021 đã phải gồng mình chịu đựng, dùng “lương khô” để sống và duy trì hoạt động. Du lịch nó khác hơn các lĩnh vực khác, mình không hoạt động thì càng phải duy tu, nếu không sẽ xuống cấp.
Năm 2022, khi mọi hoạt động quay lại bình thường, các điểm đến của TTC hoạt động hết công suất vào thời gian cao điểm, nên có thể nói năm nay là hòa vốn và có lãi đôi chút. Dù lãi còn khiêm tốn lắm nhưng tôi cho đây đã là thắng lợi rồi.
- Vậy theo ông, thì khi nào du lịch của chúng ta mới phục hồi thực sự?
- Trung Quốc đã chính thức cửa, và tôi hy vọng hết quý 1/2023, du lịch sẽ khởi sắc.
Còn khi nào chúng ta thấy khách Trung Quốc và khách Nga quay lại, khách châu Âu quay lại thì du lịch Việt mới thực sự phục hồi. Tôi dự báo có thể cuối năm 2023, mọi thứ sẽ bình thường trở lại.
Còn bây giờ, chúng ta vẫn đang phục vụ cho khách nội địa. Nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị tinh thần là có thể thời gian tới khách nội địa không bùng nổ như năm 2022. Bởi nửa năm 2020 và suốt cả năm 2021 kẹt dịch, năm 2022 bùng nổ là như một quy luật nén thôi. Chúng ta dễ thấy là sau giai đoạn bùng lên mấy tháng hè rồi đã lắng xuống, chậm dần lại.
- Bất lợi với chúng ta là sau 2 năm thiệt hại vì dịch bệnh thì tiếp đến lại dính đòn khủng hoảng kinh tế. Khó khăn này có làm thay đổi chiến lược kinh doanh của TTC?
- Tôi cũng chia sẻ với nhiều anh chị em doanh nghiệp, kinh tế phát triển có chu kỳ, và ngành nào cũng có quy luật đào thải. Cho nên thời kỳ COVID-19 vừa qua cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có thời gian tĩnh lại, rà soát lại kế hoạch, hướng kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp có công tác quản trị tốt, điều hành tốt, kiểm soát tốt thì khó khăn vừa qua chỉ khiến họ bị chậm lại một bước thôi. Bởi họ đã tính toán sự phát triển, có chiến lược dài hơi rồi.
Nhưng khó khăn luôn khiến chúng ta nhìn ra cơ hội. Ông bà mình nói trong nguy luôn có cơ. Qua khó khăn vừa rồi và đang tiếp tục diễn ra, sẽ có một số doanh nghiệp thấy không còn đủ đam mê nữa thì họ sẽ dừng kinh doanh, chuyển nhượng, hoặc là kêu gọi đầu tư. Tôi nghĩ mình phải chấp nhận quy luật thị trường, cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có chiến lược phát triển tốt.
Với TTC thì chúng tôi luôn có kế hoạch rất dài hơi, chuẩn bị nhiều tình huống, nên đại dịch không làm thay đổi gì chiến lược đầu tư gì cả. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một năm 2023 tăng tốc.
- Ông có thể bật mí kế hoạch này không? Và định hướng du lịch trong dài hạn của TTC sẽ như thế nào?
- Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ đầu tư ngay khách sạn 5 sao ở Huế, tiếp đến là Vũng Tàu, Đà Nẵng.
Còn tại các điểm đang có sự hiện diện hiện nay, chúng tôi đầu tư thêm danh mục mới để nâng tầm, thu hút khách. Ví dụ tại Thung lũng tình yêu chúng tôi sẽ hoàn thiện khu phức hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Chúng tôi sẽ thu hút khách ở các vùng nhiệt đới đến đây, như khách Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Singapore… và khách nội địa. Bởi chúng ta đang có lợi thế vùng khí hậu tuyệt vời này thì không có lý do gì không đầu tư xứng tầm.
"Trong gia đình, vợ chồng tôi luôn có những nguyên tắc bất thành văn phải giữ. Và nguyên tắc này tiếp tục truyền cho đời con". Ảnh: Lê Quân
Tại các điểm đến có biển thì đẩy mạnh thu hút khách nghỉ đông và khách hạng sang. Chúng tôi đang đầu tư khu resort và khách sạn 5 sao ở Dốc Lết, giai đoạn 1 dự kiến tháng 6/2023 hoạt động sẽ có 200 phòng và 10 bungalow.
Giai đoạn 2 cũng thêm 200 phòng nữa. Tôi cũng đầu tư thêm khu trò chơi biển để đa dạng dịch vụ.
Tại Bình Thuận, khu du lịch Tà Cú sẽ nâng cấp thành khu du lịch tâm linh. Tại Bến Tre, trong năm nay cũng sẽ có khu vui chơi nước. Hay TTC Ninh Thuận cũng được nâng cấp phù hợp đón khách nước ngoài.
Chúng tôi cũng cố gắng hiện diện ở những trung tâm du lịch lớn mà hiện nay mình chưa đến, như Hà Nội.
Tức là nơi nào có sự hiện diện rồi thì trong năm 2023 sẽ làm mới, tăng thêm danh mục; những nơi chưa có thì chắc chắn chúng tôi sẽ có mặt từ 2023 đến 2030.
- Mình có dự định tiến ra nước ngoài, hoặc mở rộng thêm tại Campuchia không?
- Ở nước ngoài, tôi hiện chỉ có Campuchia, và trong thời gian tới nếu TTC cân đối được, có thể sẽ đầu tư tại Úc và Mỹ.
TÔI CẢM NHẬN ĐƯỢC CON MÌNH CHỊU ÁP LỰC VÌ THÀNH CÔNG CỦA CHA MẸ
- Tôi thấy ông luôn tự hào ngoài có vợ và các con cùng chia sẻ điều hành, phát triển doanh nghiệp thì còn đội ngũ nhân sự giỏi và trung thành, đã đi cùng suốt chiều dài phát triển. Ông làm sao để người lao động gắn bó với mình như vậy?
- Đúng. Đó là niềm tự hào của tôi. Và từ bản thân, tôi luôn mong các doanh nghiệp trẻ phải chú ý xây dựng lực lượng cơ hữu, phải có đội ngũ sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của doanh nghiệp cả lúc khó khăn hay thịnh vượng. Tôi gọi đội ngũ của tôi là những cán bộ trung kiên, và đó là nền móng của TTC.
Tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng, một người trưởng thành được đánh dấu bằng thời gian rời ghế nhà trường. Khi đó, anh đứng ở ngã 3 đường với những lưỡng lự. Nếu anh muốn mưu sinh trực tiếp, thì khởi nghiệp. Thành quả lao động của những người này là có thể trở thành những doanh nhân lỗi lạc.
Nếu không thì mình mưu sinh gián tiếp. Thành quả lao động của mình sẽ là chọn được nơi làm việc, ngành nghề phù hợp để cống hiến, giúp mình có cơ hội phát triển bản thân.
Các cán bộ thuộc đội ngũ trung kiên của tôi là như vậy. Chúng tôi cùng đồng hành và tôi chứng kiến họ trưởng thành, cùng góp sức đảm đương nhiều vị trí chủ chốt của doanh nghiệp. Đó là thành quả lao động, là thành công.
Tôi lại càng may mắn là gia đình cùng chia sẻ công việc của doanh nghiệp. Đầu tiên là hai vợ chồng. Chúng tôi cùng sáng lập, điều hành doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái TTC lớn lên từ những viên gạch đầu tiên. Rồi đến thế hệ thứ 2 là các con tôi cũng tham gia cùng cha mẹ.
Tất nhiên trong gia đình, vợ chồng tôi luôn có những nguyên tắc bất thành văn phải giữ. Và nguyên tắc này tiếp tục truyền cho đời con. Gia đình là phải có gia quy, có giáo dục theo nguyên tắc riêng của gia đình.
- Nhưng ông làm sao hướng con mình tham gia việc doanh nghiệp gia đình cùng cha mẹ, và nhìn ra khả năng của họ để giao việc chính xác cho từng người như vậy?
- Không ai hiểu con mình hơn mình! Nói thật tôi cũng định hướng ngay từ đầu. Người làm mía đường, người làm bất động sản hay du lịch là tôi hoạch định rất sớm từ sở trường, khả năng và sự yêu thích của từng người con tôi. Nhưng mình định hướng vậy rồi còn con làm hay không thì mình không ép được.
Nhưng tôi cũng thấy các con có ảnh hưởng từ cha mẹ thật sự. Tôi có 4 người con, đến giờ thì tôi khẳng định 2 con lớn (anh Đặng Hồng Anh và chị Đặng Huỳnh Ức My - PV) ảnh hưởng rất lớn từ ba mẹ về nghề nghiệp, tính cách quyết liệt trong kinh doanh.
Con trai thứ 3 (anh Đặng Huỳnh Anh Tuấn - PV) cũng đang phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng của tập đoàn, là năng lượng và du lịch. Riêng cậu út (Đặng Huỳnh Thái Sơn - PV), tôi hướng nghiệp khá sớm, con theo học marketing và cũng bắt đầu kinh doanh.
- Có bao giờ ông thấy các con mình đang phải chịu áp lực vì bóng cha mẹ quá lớn, quá tài giỏi và thành công trên thương trường?
- Tôi cảm nhận là có chứ. Con tôi nối nghiệp gia đình, tiếp tục phần việc phát triển doanh nghiệp do cha mẹ gầy dựng thì đó là thuận lợi. Nhưng cùng với đó, không thể nói các con tôi không có mệt mỏi, áp lực. Bởi tự mình kiếm tiền và giữ đồng tiền mình làm ra thì nhẹ nhàng hơn là giữ cơ nghiệp của gia đình và không có cách nào khác ngoài làm cho doanh nghiệp phát triển. Tôi phải khẳng định là các con tôi rất có ý chí, vượt qua nhiều thử thách mới làm được.
"Doanh nghiệp phải nhớ chẳng ai giàu 3 họ, chẳng ai khó 3 đời, cho nên tôi mong các doanh nghiệp đừng nản chí, đừng bỏ cuộc”. Ảnh: Lê Quân
Truyền thống gia đình tôi là gần gũi, chia sẻ, yêu thương. Tôi luôn cố gắng chia sẻ với con, truyền hết kỹ năng, tình yêu với công việc, kinh nghiệm thương trường, kiến thức kinh doanh cho con hàng ngày.
MÌNH CỐ GẮNG HẾT SỨC RỒI ĐẠT THÀNH QUẢ THÌ CẢM GIÁC NÓ "ĐÃ' LẮM
- Một số doanh nhân trẻ khi thành đạt thì thường sa ngã, ly tán gia đình, vì sao vậy. Đó có phải một sự đánh đổi, sự hy sinh vì môi trường, công việc không, thưa ông?
- Chúng ta phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, người thân, vợ con mình, người lao động của doanh nghiệp mình. Khi mục đích rõ ràng như vậy thì tại sao không giữ gìn, phát triển mà lại để nó đổ vỡ? Những người nói ra lý do đó thực ra là họ ngụy biện, không vững vàng. Và tôi nói rằng, đó không phải phong cách doanh nhân, khát vọng doanh nhân.
Như bản thân tôi, nếu nhân viên họ nhìn thấy tôi không xứng đáng thì họ có còn đi làm với tôi nữa không, họ có bị thuyết phục khi tôi yêu cầu họ thực hiện nhiệm vụ không? Mình phải chân thành và gương mẫu từ lối sống, tác phong đến công việc, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Muốn doanh nghiệp thành công thì bản thân phải thành nhân trước, gia đình phải thành công.
- Ông rời thị trường tài chính đúng 10 năm, ngay sau đợt khủng hoảng tài chính. Bây giờ lại đúng lúc thị trường tài chính có biến động, có bao giờ ông nghĩ đây là lúc thuận lợi để mình quay lại?
- Tôi buộc phải rời ngân hàng của tôi chứ không phải mình từ bỏ. Trong tôi, cái duyên tài chính vẫn còn. Chỉ là chưa biết khi nào là thời điểm cho mình quay lại thôi. Nhưng trong cuộc đời doanh nhân của tôi, tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận mọi thử thách, cơ hội. Với tài chính vẫn vậy, tôi luôn chuẩn bị tâm thế để quay lại.
Một doanh nhân là phải luôn trong tâm thế chuẩn bị như vậy. Không có dấn thân thì không bao giờ phát triển. Đã là doanh nhân thì cơ hội đến là phải nắm bắt ngay. Đó cũng là sứ mệnh xã hội phân công cho mình.
- Là lứa doanh nhân đầu tiên của đất nước sau giải phóng, đi qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế, nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng TTC đều vượt qua… Ông đúc kết bài học gì về ứng xử với thị trường, ứng xử với khủng hoảng. Lời khuyên của ông cho lớp doanh nhân trẻ, lứa khởi nghiệp hiện nay?
- Cuộc đời kinh doanh 43 năm của tôi đi qua quá nhiều biến cố, chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế rồi, mọi cung bậc hạnh phúc, vất vả, cay đắng của đời doanh nhân tôi đều nếm trải hết. Tôi bây giờ cũng qua cái tuổi kinh doanh để làm giàu rồi, tôi làm vì trách nhiệm, vì sứ mệnh với đất nước.
Với lớp doanh nhân trẻ, tôi muốn nói các bạn cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức luôn song hành. Thế hệ của các bạn khác chúng tôi. Các bạn có khoa học, công nghệ, có cả kinh nghiệm của người đi trước, nên đừng bao giờ tự ti, phải luôn tin vào khả năng, bản lĩnh của mình.
Đời doanh nhân, phải nói rằng chúng ta được sự phân công của xã hội. Chúng ta sản xuất, cung ứng hàng hóa để cân đối cung cầu cho đất nước, và giải quyết việc làm cho người lao động – chính là đồng bào mình. Nếu mình cố gắng rồi đạt thành quả, thực hiện được sứ mệnh xã hội phân công thì nó “đã” lắm, cảm giác sướng khó diễn tả.
Tôi thống kê chu kỳ kinh doanh của tôi khoảng 10 năm lại chịu thử thách. Tôi làm mía đường, đó là ngành kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn TTC, và tôi chiêm nghiệm thấy đời tôi giống cây mía vậy. Cây mía nó có nhiều đốt, cứ lên được một đốt thì lại có một cái mắt mía chắn lại, rồi lại có đốt mới, lại gặp những cái mắt mới chồng lên. Với tôi, những cái mắt đó là những biến động mình gặp phải. Nhưng càng có nhiều mắt chồng lên thì thân mía càng cứng cáp, gốc rễ vững chắc hơn.
Còn đúc kết, rút ra bài học cho mình thì chắc chắn có chứ. 10 năm lại trải qua 1 lần biến động, rất nhanh, rất gần và biến động sau tác động mạnh hơn, khó khăn hơn. Nên doanh nghiệp phải xây chiến lược bài bản, quan tâm công tác quản trị, kiểm soát có trách nhiệm, điều hành chuyên nghiệp. Những vấn đề này phải được coi là kim chỉ nam. Túi mình có lương khô thì khi khó khăn mình mang ra sử dụng, sẽ không có giông bão nào làm ngã mình được.
Mà tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, những khó khăn của thương trường là bình thường, phải xảy ra. Không có những đợt đào thải thì sẽ chẳng có phát triển. Bài hát mà không có cao trào, không có trầm bổng, cứ đều đều thì buồn ngủ lắm.
Doanh nghiệp phải nhớ “chẳng ai giàu 3 họ, chẳng ai khó 3 đời”. Cho nên tôi mong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ đừng nản chí, đừng bỏ cuộc. Với tôi, thị trường không có doanh nghiệp nhỏ doanh nghiệp lớn, chỉ có doanh nghiệp tốt và không tốt hoặc chưa tốt thôi. Còn nếu chúng ta thừa nhận có doanh nghiệp nhỏ thì mỗi khi thị trường biến động, đào thải cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ lớn lên. Tre già thì măng phải mọc, đúng theo quy luật.
- Và dường như tôi nhìn thấy cứ sau một biến cố thì ông lại có thêm những mảng kinh doanh mới thú vị?
- Có lẽ cũng đúng! Và tới đây chắc chắn TTC sẽ có nhiều mảng kinh doanh mới hơn nữa, rất thú vị.
Xin cảm ơn ông và chúc TTC một năm mới thành công với nhiều dự án mới!