Doanh nghiệp TP.HCM xoay xở để gỡ khó từ thị trường Nga

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản sang Nga gần 500 triệu USD và nhập một số nguyên vật liệu của nước này để sản xuất. Chiến sự ở Nga và Ukraine hiện ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường này.

Đa dạng cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu

Tập đoàn Phúc Sinh mỗi năm xuất khẩu sản phẩm cà phê, hồ tiêu và hạt điều sang thị trường Nga trị gíá hơn 30 triệu USD. 2 tháng đầu năm nay, hàng xuất khẩu của Phúc Sinh sang thị trường này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, doanh thu được gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, khi xảy ra chiến sự, lập tức Phúc Sinh bị ảnh hưởng do việc cấm vận ngân hàng thanh toán quốc tế với Nga. Nhiều hãng tàu trên thế giới từ chối vận chuyển hàng đến Nga. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đang tập trung thu hồi công nợ các đơn hàng đã xuất và chuyển hướng sang thị trường khác.

“Phúc Sinh xuất khẩu gần 100 nước trên thế giới,  trong đó, Nga chiếm 5-8%  trong tổng hàng hóa xuất khẩu. Chúng tôi vẫn xuất khẩu từ 90-92% sang thị trường khác. Hiện nay, chúng tôi sẽ thuyết phục các khách hàng ở thị trường khác tăng lượng nhập khẩu của mình từ 100% lên 120-130% nên tổng lượng hàng hóa xuất khẩu không thay đổi và không bị ảnh hưởng lắm”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho biết.

Doanh nghiệp TP.HCM xoay xở để gỡ khó từ thị trường Nga - 1

Nhân viên Tập đoàn Phúc Sinh đóng gói sản phẩm chuyển sang xuất khẩu cho khách hàng ở nước khác sau khi tạm dừng xuất khẩu sang Nga

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn mà các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất từ thị trường Nga cũng khó khăn, như nhập lúa mì, bắp, thép, nhựa đường... Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung bột mì cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở nhập khẩu bột mì của TP.HCM đã chuyển sang nhập khẩu từ Mỹ, Úc với rất nhiều khó khăn.

Cụ thể như Công ty liên doanh Bột Quốc tế (Intermix), trước đây, mỗi năm nhập khẩu khoảng 30.000 tấn bột mì ở Nga và Ukraine. Vừa qua, công ty đang chuẩn bị nhập nguyên liệu sản xuất cho năm nay thì chiến sự xảy ra. Công ty phải chuyển hướng sang nhập khẩu bột mì ở Mỹ và Úc nhưng đến nay chưa nhập được dù giá đã tăng hơn 20% và giá đang tiếp tục tăng cao.

“Bây giờ, thị trường giá bột mì đang tăng cao, mình đang tìm thị trường nhập khẩu nhiều nước khác, có 2 nước Mỹ và Úc giá lúa mì tốt, dễ dùng. Nhưng hiện nay, mình chưa nhập được vì cạnh tranh với các nước khác, vì các nước khác đang tranh mua nên mình chưa mua được”, bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc tế (Intermix) nói.

Có cơ hội nhưng phải nắm chắc luật

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, trong bối cảnh nhiều xáo trộn và giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đang tăng cao thì doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tăng giá trị sản phẩm, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chiến tranh Nga - Ukraine và biện pháp cấm vận của phương Tây gây ra thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xâm nhập thị trường Châu Âu, chủ yếu là trong lĩnh vực nông sản và lương thực để thay thế nguồn hàng từ Nga và Ukraine. Doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Doanh nghiệp TP.HCM xoay xở để gỡ khó từ thị trường Nga - 2

Công nhân Tập đoàn Phúc Sinh đang chuyển hàng ra xe tải để xuất khẩu sang thị trường khác sau khi dừng xuất khẩu sang Nga

Các chuyên gia kinh tế lưu ý, khi mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần chú ý đến việc Mỹ đang thực hiện nhiều chính sách cấm vận với Nga. Doanh nghiệp cần được Chính phủ, cơ quan chức năng, các hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ cập nhật, tìm hiểu về luật cấm vận này và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài, tránh bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận.

“Quy định cấm vận rất phức tạp vì nó quá mới nên cần vai trò của Chính phủ trong hướng dẫn. Nếu để cho doanh nghiệp tự do, linh hoạt thì có khi họ bị trừng phạt mà họ không biết chứ không phải cố ý vi phạm. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần vai trò hỗ trợ Nhà nước và vai trò của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với tình hình hiện nay, các biện pháp cấm vận của Mỹ đối với Nga sẽ không sớm được tháo gỡ mà có thể kéo dài. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tìm nguồn cung mới về nguyên vật liệu sản xuất để thích ứng với những biến động này của thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp nên tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu cho hàng nông sản.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lệ Hằng (Báo VOV)

CLIP HOT