Doanh nghiệp du lịch TP.HCM muốn làm tour đêm
TP.HCM chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch lễ hội sự kiện, sản phẩm du lịch ban đêm gắn với kinh tế đêm.
Tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn thành phố, do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức chiều ngày 6/10, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, phát biểu khai mạc hội nghị.. Ảnh: Hữu Long.
Đi tàu trên sông 4 tiếng, không thấy bến bãi nào
Tại hội nghị, ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt thẳng thắn chia sẻ tình trạng sông dài bao la nhưng không có bến đò, nhằm chỉ đến việc tài nguyên nhiều nhưng không khai thác được.
Ông Phan Xuân Anh, người nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch tàu biển. Ảnh: Hữu Long.
Ông nói: “Tôi đã đi khảo sát khắp các sông trên địa bàn thành phố, và nhận ra không có một bến đò nào cả. Sông rất đẹp, cảnh hai bên bờ rất nên thơ, nhưng không có bến thì làm sao người ta du lịch đường thủy được. Tôi muốn nói là tài nguyên có sẵn, nhưng chúng ta không khuyến khích nên không ai làm.
Không chỉ vậy, phải chăng quy định quá ngặt nghèo mà các doanh nghiệp không làm nổi? Hiện tại để mở một bến tàu thủy nội địa, các doanh nghiệp phải gặp rất nhiều quy định khó khăn đến mức không thể làm nổi, thậm chí các đơn vị trong công lập cũng rất khó đáp ứng đủ các điều kiện. Sông nước nhiều, chúng ta đừng nên làm khó nhau vì các quy định.”
Bến Bình Đông ở Quận 8, TP.HCM. Ảnh: NLĐ.
Ông Xuân Anh cho rằng, chúng ta cần quan tâm hơn về bến, bãi. Nếu đã có ý tưởng về sản phẩm du lịch trên bến dưới thuyền, thì ta cần có thêm khu vui chơi, ăn uống ở tại đó để thu hút du khách. Tâm lý của khách du lịch là phải có chỗ ăn uống, có nơi vui chơi trước, rồi mới bắt đầu thưởng thức dịch vụ. Khi chọn nơi để phát triển một sản phẩm nào đó, cần cân nhắc về điều kiện vận hành, chẳng hạn môi trường, cảnh quan tại đó, để gây ấn tượng tốt trong mắt du khách.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị vận hành tuyến buýt đường sông của TP.HCM, nêu lên định nghĩa mới về sản phẩm du lịch.
Giám đốc đơn vị vận hành Saigon Waterbus chia sẻ rằng mọi thứ liên quan đến đời sống dân sinh đều nên xem là sản phẩm du lịch. Ảnh: Hữu Long.
Ông nhấn mạnh, du lịch không chỉ là những sản phẩm du lịch trực tiếp, mà đó là tất cả sản phẩm độc đáo phục vụ cho dân sinh, cho chất lượng cuộc sống của người dân được tốt hơn, chẳng hạn vận tải, cảnh quan đô thị, thực phẩm. Tất cả những sản phẩm này đều cần được hỗ trợ, khuyến khích để phát triển và nhân rộng hơn.
“Tôi cho rằng, tất cả các sản phẩm trong đời sống đều có “mặc định tính”, tức là đã có sẵn tính du lịch ở đó. Khi chúng ta nâng cao chất lượng đời sống người dân, thì chất lượng các sản phẩm du lịch cũng tăng theo. Không thể diễn để làm du lịch mãi được, mà phải xuất phát từ những gì thực tế đang diễn ra.
Để làm được như vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải tháo gỡ những khó khăn về quy định, cơ chế. Thực tế có những chính sách không theo kịp các xu hướng mới. Tôi lấy ví dụ thực tế, Bến Nhà Rồng là một điểm tham quan thu hút du khách, nằm sát con sông Sài Gòn rất đẹp, nhưng du khách không đến đây được bằng đường thủy”.
Nhân sự giảm, chi phí tăng
Nhân sự luôn là vấn đề nhức nhối của ngành du lịch từ đại dịch cho đến nay. Giám đốc Bảo tàng Áo dài, bà Huỳnh Ngọc Vân bày tỏ thực trạng đáng báo động.
Nguồn nhân lực là bài toán chưa giải được của ngành du lịch. Ảnh: VGP.
“Thay mặt 7 bảo tàng công lập và 5 bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn thành phố, tôi xin chia sẻ tình trạng chảy máu chất xám trong ngành bảo tàng sau đại dịch. Trong thời gian vừa qua khi các bảo tàng không có doanh thu, nhiều cán bộ bảo tàng phải rời khỏi ngành, tìm kiếm các công việc khác mà mưu sinh.
Cán bộ bảo tàng đều là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu trong lĩnh vực. Giờ đây để tìm lại một người vừa có tâm huyết, vừa có trình độ như vậy là không hề dễ. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có chính sách để giữ chân những người còn bám trụ với ngành sau đại dịch, cũng như tìm kiếm nhân tài cho các bảo tàng.
Không chỉ vậy, các bảo tàng hiện tại chưa có phong cách phục vụ “chuẩn du lịch”. Các bảo tàng thường không được tập huấn để phục vụ khách theo cách chuyên nghiệp, theo tinh thần của người làm du lịch, nhất là các bảo tàng ngoài công lập vì phần lớn họ là các cá nhân, hộ gia đình đứng ra thành lập”.
Đại diện Vietravel cũng cho biết: “Đúng là chúng ta không chỉ thiếu người làm trong ngành du lịch mà còn thiếu nhân viên giỏi ngoại ngữ. Hiện nay khi mở cửa du lịch với thế giới, chúng ta chỉ biết tiếng Anh, tiếng Pháp thôi thì chưa đủ, mà cần phải có nhân sự biết tiếng Hàn, tiếng Nhật hay thậm chí là tiếng Thái, để đáp ứng được mọi nhu cầu của mọi nhóm khách”.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Thi Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành, nêu lên trăn trở về nguồn tiền của các công ty du lịch.
Phó Tổng Giám đốc BenThanh Tourist nêu trăn trở của các công ty du lịch. Ảnh: Hữu Long.
Bà Thanh nói rõ hơn về việc này: “Một trong những vấn đề mà các công ty du lịch đang gặp phải, là khó xoay xở dòng tiền và khó tiếp cận được các khoản vay. Mặc dù ngành của chúng tôi là ngành có doanh thu rất lớn, nhưng biên lợi nhuận thì không đáng kể. Hiện tại, các đối tác của chúng tôi có xu hướng muốn quyết toán ngay sau khi kết thúc tour, trong khi các dịch vụ đầu vào thì yêu cầu thanh toán trước.
Trong bối cảnh hiện nay, mọi chi phí đầu vào đều tăng mạnh, chẳng hạn tiền vé máy bay, tiền ăn uống và dịch vụ. Năng lực tài chính của chúng tôi vì thế bị ảnh hưởng nhiều.
Do đó, tôi rất mong các công ty du lịch sẽ nhận được cơ chế đặc thù để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi. Chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ về công tác đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, và các chính sách này cần được kéo dài đến hết năm 2023 vì giai đoạn khó khăn vẫn chưa kết thúc, khó khăn mới kéo đến ngay sau khó khăn cũ.”
TP.HCM muốn làm kinh tế đêm
Sau nhiều chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định: “Ngành du lịch TP.HCM cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch lễ hội sự kiện, sản phẩm du lịch ban đêm gắn với kinh tế đêm, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với đặc trưng của Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện, du lịch MICE và du lịch ẩm thực.
Thành phố có đủ các yếu tố để phát triển giao thông đường thủy và làm đòn bẩy cho phát triển du lịch đường thủy, mang đến lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác trong khu vực. Đồng thời, UBND Thành phố và các sở ngành tham mưu cần chú ý tập trung sớm quy hoạch, đầu tư thêm vị trí các bến bãi phục vụ neo đậu, lên xuống tàu thuyền thuận lợi cho du khách”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, các kiến nghị của doanh nghiệp đang được xem xét, sắp tới sẽ có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Ngành du lịch đã có nhiều buổi gặp mặt, tiếp xúc, để lắng nghe và ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp. Hiện tại, các chính sách về thuế, ưu đãi về giá, cải cách thủ tục hành chính, đã được kiến nghị lên thành phố, trung ương và được xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, các kiến nghị mới về phát triển kinh tế đêm, mở rộng cảng để đón tàu biển, mở rộng thời gian hoạt động về đêm cho các cơ sở lưu trú, các sản phẩm du lịch cũng đang được các cấp trung ương xem xét.
Về vấn đề dòng tiền và nguồn vốn vay, thời gian qua sở đã kết nối các doanh nghiệp với các ngân hàng, giúp một số doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi, sắp tới sẽ được hưởng giảm lãi suất 2% theo Thông tư 31.”
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM tháo gỡ một số vướng mắc cho các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Hữu Long.
Lãnh đạo Sở Du lịch cũng cho biết thêm, trong ngắn hạn và trung hạn, thành phố định hướng phát triển Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái biển, khu du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, và thí điểm một số hoạt động kinh tế đêm tại đây.
Thành phố sẽ tập trung phát triển du lịch theo 5 hướng, với vùng lõi tương ứng đó là hướng Tây Bắc - Củ Chi, Hóc Môn; hướng Đông - Thành phố Thủ Đức; hướng Nam - Bình Chánh; hướng Đông Nam - Nhà Bè, Cần Giờ; và khu vực trung tâm với các city tour.
Cần Giờ được định hướng phát triển thành một khu du lịch sinh thái biển, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế về đêm. Ảnh: Hữu Long.
Sở cũng đang tìm kiếm nguồn hướng dẫn viên giỏi các ngoại ngữ khác nhau. Ngành du lịch đang làm việc với ngành văn hóa và ngành giao thông vận tải, nhằm xây dựng hệ thống du lịch đường thủy hoàn chỉnh đến năm 2030, tổ chức các sự kiện văn hóa gắn liền với du lịch và đưa các di sản trở thành sản phẩm du lịch để giữ chân du khách lâu hơn.
Chiều 6/10, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn thành phố...