Doanh nghiệp du lịch than khổ vì giá xăng, dầu
Vấn đề giá xăng tăng ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, kể cả nhu cầu đi du lịch của khách Việt.
Sau đà tăng 6 lần liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước có lần giảm đầu tiên. Xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 632 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh giảm tương đối mạnh.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng khi họ đang cần thu hút du khách sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Doanh nghiệp du lịch phải bù lỗ
Trả lời Zing, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, cho biết việc giá xăng, dầu tăng thời gian qua đã ảnh hưởng đến chiến lược giá và tinh thần du lịch của du khách.
"Du lịch vừa rục rịch mở cửa mà giá xăng, dầu tăng thế này sẽ gây khó khăn trong việc phục hồi. Giá xăng, dầu tăng khiến vật giá leo thang, hầu bao du khách bị bóp lại. Nhu cầu đi lại chắc chắn phải tái điều tiết. Vì thế, lượng khách nội địa lẫn quốc tế đều bị ảnh hưởng", ông Huy nói.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, cái khó nhất của doanh nghiệp lúc này là phải bù lỗ cho những sản phẩm đã bán ra với giá cũ. Việc giá xăng, dầu tăng không có nghĩa sản phẩm du lịch cũng tăng ngay theo được. Do đó, các sản phẩm đã bán coi như doanh nghiệp phải chịu thiệt.
Giá xăng, dầu tăng khiến nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó trong bối cảnh họ đang kích cầu để phục hồi. Ảnh: Lux Group.
Trong khi đó, ông Phạm Hà, CEO Lux Group - đơn vị chuyên kinh doanh mảng du thuyền cao cấp - nhấn mạnh nguy cơ lạm phát trong thời gian tới do vấn đề giá xăng, dầu. Người chịu thiệt lớn nhất sau cùng vẫn là khách hàng.
Cũng giống trường hợp trên, ông Hà cho biết đơn vị đã bán nhiều sản phẩm với giá cũ. Khi giá xăng, dầu tăng, công ty cũng chỉ biết chấp nhận vì đây là rủi ro ngoài ý muốn.
Mặt khác, để các doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm thời điểm này khá khó khăn. Lý do là du lịch đang trong giai đoạn phục hồi, cần những chính sách giá tốt. Việc điều chỉnh giá sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý khách hàng, đặc biệt là người Việt - nhóm du khách rất nhạy cảm về giá.
"Chi phí, giá thành tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn phải giảm lợi nhuận để kích cầu. Chúng tôi đã khó lại càng khó thêm", ông Hà chia sẻ.
Hàng không cần hỗ trợ
Theo dữ liệu phân tích từ Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam tăng mạnh từ đầu tháng 12/2021 đến nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 1, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam duy trì ở mức cao, thậm chí có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, theo nhận định của Vietravel Airlines, những khó khăn đối với ngành hàng không vẫn chưa sớm kết thúc. Ngành hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát. Đồng thời, kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn.
Trong văn bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không, Vietravel Airlines cũng nhấn mạnh việc xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0%.
Doanh nghiệp hàng không "kêu cứu". Ảnh: Hoàng Hà.
"Chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác. Giá nhiên liệu bay Jet-A1 đang có xu hướng tăng cao (hiện tại 94,5 USD/ thùng)", đại diện hãng cho biết.
Do đó, hãng này đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay). Đồng thời cũng điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/ lít.
Ngoài ra, hãng cũng đề nghị bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.
Chia sẻ với Zing, đại diện hãng cho biết hiện tại vẫn chưa điều chỉnh về giá vé máy bay do vấn đề giá xăng, dầu tăng.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, đại diện một đơn vị lữ hành cho biết giá vé máy bay đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, hiện tại, giá vé khứ hồi Hà Nội - Nha Trang vào khoảng 2,5 triệu đồng/người. Trong khi đó, chặng Hà Nội - Phú Quốc là 3,5 triệu đồng/người.
"Mọi năm, dịp tháng 3, tháng 4, giá vé máy bay không cao thế này. Tôi nghĩ có 2 lý do chính. Thứ nhất là vì giá xăng, dầu tăng. Thứ 2, nhu cầu du lịch của khách Việt sau Tết tăng quá nhanh khiến giá vận chuyển tăng theo", người này cho biết.
Sau khoảng một tuần, thị trường du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp...