Đỏ mắt tìm nhân lực du lịch chất lượng cao hậu Covid-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thành phố chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ… về công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Chiều 13/5/2022, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 năm 2022 diễn ra từ ngày 14-17/5/2022.

Đỏ mắt tìm nhân lực du lịch chất lượng cao hậu Covid-19 - 1

Chủ tọa buổi hội thảo “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19” 

Hội thảo quy tụ hơn 70 tác giả với hơn 55 bài viết từ 24 trường đại học, 7 cơ quan, doanh nghiệp và 3 viện nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch. Nội dung hội thảo tập trung thảo luận vào 4 vấn đề quan trọng: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, liên kết vùng phát triển du lịch, liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, phát triển các loại hình du lịch đặc thù.

Sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch thiếu hụt trầm trọng; tính đến giữa tháng 4/2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 796 doanh nghiệp, giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2020.

Đỏ mắt tìm nhân lực du lịch chất lượng cao hậu Covid-19 - 2

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu tại Hội thảo chiều ngày 13/5/2022

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch thành phố đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn. Cụ thể, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo du lịch để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Đồng thời, chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ… về công tác đào tạo nguồn nhân lực.

"Thông qua hội thảo, chúng tôi mong muốn được lắng nghe các sáng kiến, giải pháp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Sở, ngành địa phương về những điểm mạnh, mặt còn hạn chế mà ngành phải đối diện trong quá trình phục hồi sau dịch. Từ đó, cùng nhau tìm ra các giải pháp để có cơ sở kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương để có giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch khá trầm trọng như hiện nay", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu kì vọng.

Đỏ mắt tìm nhân lực du lịch chất lượng cao hậu Covid-19 - 3

Đại diện BTC, TS. Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến trao tặng những bó hoa tươi thắm cho các vị chủ tọa Hội thảo

Theo đó, tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận định hướng giải pháp cũng như cách thức thực thi nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam, đồng thời nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19… Các địa phương cần chủ động liên kết, hợp tác trong xây dựng, phát triển nhân lực du lịch. Đồng thời, thiết lập mối quan hệ giữa ba nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực du lịch.

Theo thống kê từ Sở Du lịch TP.HCM, tính đến giữa tháng 4/2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 796 doanh nghiệp (giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2020), trong đó có 454 doanh nghiệp lữ hành, 342 cơ sở lưu trú và 6.410 hướng dẫn viên du lịch. 

Trung bình hằng năm, có hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học trên địa bàn thành phố, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp.

Qua đó cho thấy cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề của ngành Du lịch; nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật sự đạt chuẩn; một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao; chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT