Đầu tư sản xuất chè gắn với du lịch cộng đồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chè là cây trồng gắn liền với đời sống của bà con huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nhờ quá trình gìn giữ, mở rộng phát triển, nhiều đồi chè trên địa bàn huyện Tân Sơn đã tạo nên cảnh quan tự nhiên đẹp hùng vĩ và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch.

Chính quyền huyện Tân Sơn đang nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân nơi đây để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.

Mới đây, có dịp đến đồi chè ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những quả đồi lớn nhỏ, nằm liền kề, nối tiếp nhau tạo cho nơi đây khung cảnh rất độc đáo, riêng biệt. Nắm bắt được nhu cầu, một số hộ dân người Mường tại xã Long Cốc đã mở homestay để phục vụ khách du lịch.

Ông Hà Văn Quyết, chủ homestay Hà Hiển tại xóm Cạn, xã Long Cốc, cho biết: “Cuối năm 2017, một số bức ảnh đồi chè xã Long Cốc xuất hiện trên báo, mạng xã hội, khiến nơi đây thu hút được nhiều khách du lịch. Đối với người dân tộc Mường chúng tôi, làm du lịch vẫn còn lạ lẫm và nhiều mới mẻ. Tuy nhiên, thấy khách có nhu cầu, tôi đã bàn với gia đình mở homestay với quy mô khoảng 20-30 khách.

Bên cạnh dịch vụ lưu trú, chúng tôi còn liên kết với các hộ sản xuất chè để khách có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm khác, như: Tự tay hái những búp chè tươi xanh, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh...”.

Đầu tư sản xuất chè gắn với du lịch cộng đồng - 1

Những đồi chè gắn liền với du lịch cộng đồng ở xã Long Cốc (Tân Sơn, Phú Thọ). Ảnh: ÚT MƯỜI. 

Được biết, toàn xã Long Cốc hiện có 692ha chè, trong năm 2020 cho thu hoạch chè tươi với năng suất 121 tạ/ha. Với nguồn nguyên liệu này, Long Cốc cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn chè khô/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương.

Chị Phạm Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc cho biết: “Toàn bộ diện tích chè Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP. Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có ít khách du lịch nên sản lượng tiêu thụ chè an toàn cũng giảm hơn nhiều”.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn cho biết: “Ngoài đồi chè xã Long Cốc, trên địa bàn huyện Tân Sơn còn có nhiều đồi chè khác, như: Đồi chè xã Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông. Để kiểm soát chất lượng và sản lượng chè an toàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, vận động các hộ kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, nhà máy sản xuất, giới thiệu sản phẩm... để kích thích nhu cầu của khách hàng”.

Tuy nhiên, hiện nay, các mô hình kinh doanh homestay chủ yếu vẫn là do người dân tự phát, còn manh mún và chưa tập trung. Công tác quản lý, phát triển du lịch chưa bảo đảm, chưa thành lập được mô hình hợp tác xã, tổ dịch vụ quản lý, tư vấn, điều phối hoạt động du lịch, hỗ trợ khách đến các điểm du lịch.

Đầu tư sản xuất chè gắn với du lịch cộng đồng - 2

Đồi chè Phú Thọ - Nguyen Phuc Thanh

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế, chưa có điểm vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch khác phục vụ khách tham quan ở lại nhiều ngày. Vẫn còn tình trạng khách du lịch đến tham quan tự do ăn uống, xả rác thải bừa bãi, thiếu ý thức, giẫm nát và làm gãy búp chè, ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch của người dân.

Ông Trần Văn Giang, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tân Sơn cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và giới thiệu các tour, tuyến du lịch gắn với vùng chè để phục vụ khách tham quan. Các đồi chè xã Long Cốc, Mỹ Thuận sẽ là điểm dừng chân tham quan trong tour du lịch liên kết với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Xuân Sơn.

Trong năm 2021, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Thực hiện tập huấn nghiệp vụ công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay”.

Có thể thấy, để phát triển du lịch từ cây chè, không chỉ tập trung khai thác, xây dựng điểm tham quan tại chỗ mà cần chế biến các sản phẩm từ cây chè để phục vụ du lịch.

Hiện nay, các tour, tuyến du lịch được xây dựng, tổ chức gắn với những vùng chè mới chỉ dừng lại là những điểm dừng chân tự phát dành cho khách chụp ảnh mà chưa có đầu tư các dịch vụ du lịch, hoạt động tham quan nhà máy sản xuất, thưởng thức và mua sản phẩm.

Vì thế, trong thời gian tới, để khai thác tốt, triệt để và hiệu quả nhất cây chè phục vụ cho du lịch, cần vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan từ đồi chè kết hợp với nhà máy sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm, tạo ấn tượng và trở thành địa chỉ tin cậy đáp ứng, kích thích nhu cầu đối với du khách.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

HUYỀN TRANG - DƯƠNG SAO - Video Du lịch Việt Nam (Báo QDND)

CLIP HOT