Dân gian truyền thống kết hợp tân thời để chinh phục trái tim du khách
Khi khai thác các tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch, ngoài việc giữ gìn tính nguyên bản, cần khai thác khía cạnh tân thời của nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách.
TP.HCM có nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu vẫn còn được bảo tồn và phát triển đến hôm nay.
TS. Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nam Bộ tại TP.HCM cho rằng, việc giữ gìn tính nguyên bản của di sản là cần thiết, nhưng cũng cần cho phép nó được phát triển để phù hợp với thị hiếu thời đại.
TP.HCM nói riêng hay Nam Bộ nói chung luôn là vùng đất tiếp thu rất nhanh những điều mới mẻ. Vì vậy, khi khai thác các tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch, ngoài việc giữ gìn tính nguyên bản, thành phố cũng cần khai thác khía cạnh tân thời của nghệ thuật truyền thống để du khách có nhiều sự lựa chọn.
TS. Mai Mỹ Duyên lấy ví dụ À Ố Show – một chương trình nghệ thuật dân gian gây tiếng vang trong nước và thế giới, chính là điển hình cho việc nghệ thuật dân gian truyền thống kết hợp đổi mới để chinh phục trái tim du khách.
Thưởng thức bữa tối trên du thuyền tại bến Bạch Đằng (TP.HCM), du khách sẽ được chiêu đãi thêm các tiết mục biểu diễn đờn ca tài tử.
Việc gìn giữ và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được các cấp chính quyền thành phố đặc biệt chú trọng. Ngoài các lễ hội dân gian cấp quốc gia như Lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ, Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, hay Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông), TP.HCM còn có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thời gian qua, thành phố đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến năm 2025. Qua đó, những điệu “xàng xê liêu cống” từng bước đi vào tiềm thức của người dân thành phố và cũng là món ăn tinh thần đặc sắc dành cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Đờn ca tài tử đang dần chinh phục ngày càng nhiều trái tim của công chúng yêu nghệ thuật tại thành phố.
Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và các nghệ sĩ đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa là những viên ngọc quý, đang từng ngày xây dựng bộ mặt văn hóa thành phố và gìn giữ nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông. Thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ thường xuyên cho đội ngũ này.
Trong chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” số tháng 10/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết, thời gian qua, các cấp lãnh đạo thành phố cũng như các sở ban ngành đã có những hành động thiết thực để đội ngũ nghệ nhân tiếp tục phát huy trí tuệ, tài năng của mình.
Cụ thể, thành phố đã tiến hành khảo sát lấy thông tin liên quan đến các mặt tuổi tác, nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và thành tích nghệ thuật của đội ngũ nghệ nhân. Qua đó, hệ thống hóa tất cả cơ sở dữ liệu về các nghệ nhân đang sinh sống và làm nghệ thuật tại TP.HCM. Thời gian tới, thành phố cũng sẽ quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng những cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết, thành phố sẽ quyết liệt xây dựng những cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nghệ nhân.
TS. Mai Mỹ Duyên chia sẻ trong chương trình rằng, không giống như các đối tượng của di sản văn hóa vật thể như đình, chùa cổ… khi có hư hỏng thì có thể tiến hành trùng tu, tôn tạo để tiếp tục công cuộc giữ gìn và bảo tồn các di sản ấy, các nghệ nhân là một thực thể sống, mang trong mình tinh túy của nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể, khi mất đi thì không cách nào giữ lại được. Chính vì vậy, phải nhanh chóng có những chính sách đãi ngộ cho họ lúc còn sống vì đó là một việc làm cấp thiết.
TS. Mai Mỹ Duyên phát biểu trong chương trình.
Nói riêng về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cũng cho biết, suốt nhiều năm nay, TP.HCM luôn có nhiều chính sách cụ thể đi đôi với giải pháp trọng tâm, trọng điểm để góp phần giữ gìn và bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này.
Được sự cho phép của các cấp chính quyền, nhiều nghệ nhân đã tổ chức các lớp truyền dạy về đờn ca tài tử tại các trung tâm văn hóa quận, huyện, góp phần lan tỏa loại hình nghệ thuật di sản trong quần chúng. Mặt khác, một số địa phương cũng phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ nghệ nhân chủ chốt. Trên cơ sở đó, đờn ca tài tử đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng xóm, ấp, khu phố, làm cho phong trào đờn ca tài tử ngày càng thấm sâu trong đời sống văn hóa người dân thành phố.
Bên cạnh đó, với chương trình sân khấu học đường, TP.HCM đã có kế hoạch liên tịch giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo trong việc giới thiệu cũng như phổ biến kiến thức loại hình nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử đến với các cấp học như tiểu học, THCS và một số trường đại học trên địa bàn khá hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Sở Văn hóa – Thể thao cũng thường xuyên tổ chức các liên hoan biểu diễn đờn ca tài tử và xem đây như một sân chơi hiệu quả để giữ gìn các loại hình nghệ thuật này. Đài truyền hình TP.HCM và đài tiếng nói nhân dân TP.HCM cũng có nhiều hoạt động như cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” hay “Bông lúa vàng”. Mở rộng hơn, còn có cuộc thi tài năng “Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” được nâng tầm cấp quốc gia.
Cuộc thi tài năng “Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” năm 2020. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Không những thế, Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng đã thông qua 19 sự kiện lễ hội tiêu biểu của thành phố, trong đó có lễ hội “Trên bến dưới thuyền” và nghệ thuật đờn ca tài tử là chất liệu chính trong lễ hội, góp phần lan tỏa loại hình nghệ thuật này một cách rất hiệu quả đến du khách.
Những hoạt động nói trên đã góp phần giữ tính gốc rễ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Bên cạnh đó, còn phản ánh được đời sống xã hội hiện đại và nhu cầu của nhân dân thành phố trong việc thưởng thức loại hình nghệ thuật này.