Di tích lịch sử - văn hóa ở TP.HCM gặp khó khăn trong việc tiếp cận du khách
Một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP.HCM gặp bất lợi trong việc kết nối giao thông, nội dung chưa hấp dẫn, cũng như thiếu thốn đội ngũ hướng dẫn am tường kiến thức về các di tích lịch sử này.
TP.HCM là địa phương đón khách du lịch lớn nhất cả nước. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố tự hào với nét đẹp sống động của một siêu đô thị hiện đại, không ngừng lan tỏa những giá trị lịch sử - văn hóa quý báu thông qua các di sản vật thể và phi vật thể trên khắp các quận, huyện của thành phố.
Vẻ đẹp TP.HCM nhìn từ sông Sài Gòn.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, tính đến hết tháng 7/2022, thành phố hiện có 185 di tích được xếp hạng nhưng chỉ có khoảng hơn 40 di tích thực sự được du khách trong nước và quốc tế quan tâm và có nhu cầu đi tham quan. Trải qua thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh, việc phát triển du lịch từ các di tích đã góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách quốc tế đến TP.HCM, cũng như làm mới trải nghiệm cho du khách nội địa khi ghé thăm thành phố mang tên Bác.
Du khách quốc tế tham quan Bưu điện thành phố.
Từ thực tế trên, có thể thấy, TP.HCM vẫn còn rất nhiều tiềm năng, dư địa lớn để phát triển du lịch di sản văn hóa, hoặc kết hợp du lịch di sản văn hóa với các loại hình du lịch khác. Thế nhưng, qua các chuyến khảo sát thực tiễn, các di tích lịch sử - văn hóa của thành phố hãy còn bộc lộ nhiều bất cập, khiến việc khai thác loại hình du lịch di sản văn hóa chưa thể phát huy hết hiệu quả trong việc phát triển du lịch TP.HCM.
Trong thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với các quận, huyện cũng như TP. Thủ Đức (TP.HCM) triển khai chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng". Có thể thấy, đa số các điểm đến trong những sản phẩm tour tuyến du lịch của các quận, huyện phần lớn đều là các di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, không phải bất cứ di tích nào cũng đều sẵn sàng để phục vụ khách du lịch.
Trong chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” số tháng 10/2022, ông Trần Thế Dũng – Tổng giám đốc công ty Lữ hành Fiditour đã bày tỏ trăn trở làm thế nào để kết hợp, liên thông các sản phẩm du lịch tại các quận, huyện với nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch di sản văn hóa đặc trưng của TP.HCM thực sự hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng có vài thắc mắc liên quan đến những thuận lợi và khó khăn khi phát triển du lịch từ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của thành phố, cùng việc thành phố đã có giải pháp gì để khai thác được tiềm năng kinh tế du lịch từ các giá trị di tích này.
Ông Trần Thế Dũng (trái) và ông Nguyễn Minh Nhựt (phải) đặt câu hỏi liên quan đến phát triển du lịch di sản văn hóa tại TP.HCM cho đại diện Sở Du lịch thành phố.
Trả lời cho các câu hỏi trên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch thành phố đã xác định các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là một trong các sản phẩm chính của du lịch thành phố và Sở Du lịch sẽ tham mưu kế hoạch để triển khai theo từng giai đoạn cụ thể sau khi chiến lược được công bố. Đối với các sản phẩm du lịch mà các quận, huyện tại TP. Thủ Đức đã giới thiệu trong thời gian qua, Sở Du lịch sẽ chủ trì cùng với các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp và các cấp chính quyền tại TP. Thủ Đức để xâu chuỗi cũng như xác định, đánh giá và kết nối các điểm tham quan để trở thành các sản phẩm đặc trưng của TP.HCM.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM.
Theo đó, Sở Du lịch đề xuất 3 hướng kết nối sau: Thứ nhất, kết nối các sản phẩm theo vùng địa lý liên kết, nghĩa là những điểm đến ở lân cận nhau thì sẽ kết nối thành một chương trình tour tuyến một cách cụ thể, hấp dẫn. Thứ hai, kết nối theo chủ đề sản phẩm, như chủ đề về nghi lễ, văn hóa dân gian… Thứ ba, kết nối theo loại hình du lịch, như du lịch MICE, du lịch đêm, du lịch lễ hội…
Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, trong quá trình triển khai các sản phẩm du lịch di sản văn hóa đã có không ít thuận lợi xen lẫn khó khăn. Về mặt thuận lợi, Sở đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên cũng như chỉ đạo thiết thực, hữu ích từ các cấp chính quyền thành phố. Song song đó, các cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng rất nhiệt tình trong việc triển khai các sản phẩm du lịch di sản văn hóa và liên tục nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chính sự phong phú của các di sản tại TP.HCM là chất liệu quý để Sở Du lịch thành phố xây dựng các chương trình tour tuyến hấp dẫn khiến nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Tuy thuận lợi bước đầu là thế, nhưng hiện tại, thành phố vẫn còn nhiều di tích chưa thể đưa vào khai thác du lịch. Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, một vài di tích chưa có kết nối tốt với giao thông khiến việc đưa đoàn du khách đến tham quan vô cùng bất tiện. Thêm vào đó, nội dung tham quan tại các di tích này cũng chưa thực sự hấp dẫn thị hiếu du khách. Đồng thời, các dịch vụ có tại di tích cũng còn sơ sài, không đảm bảo trong việc phát triển du lịch. Quan trọng hơn hết, các di tích này lại không có sự kết nối tốt với các điểm đến xung quanh để làm thành một chương trình tour hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hướng dẫn viên cũng là một điểm yếu khác trong phát triển du lịch di sản văn hóa của TP.HCM. Thành phố vẫn còn thiếu lượng lớn hướng dẫn viên am tường các di tích lịch sử - văn hóa để có thể quảng bá tốt đến các du khách.
Nhằm khắc phục các tình trạng trên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết: “Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hệ thống tài nguyên du lịch thành phố để các công ty lữ hành giới thiệu đến du khách. Không những vậy, Sở Du lịch sẽ đẩy nhanh việc triển khai giai đoạn 2 của việc ứng dụng công nghệ 3D - 360 độ tại điểm đến để du khách có thể truy cập vào các trang web và ứng dụng của du lịch TP.HCM để tiếp cận những điểm đến hay các di tích lịch sử - văn hóa.
Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao, TP. Thủ Đức và các quận, huyện để phát triển những di sản văn hóa phi vật thể trở thành những sản phẩm có thể phục vụ du khách như lễ hội văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường kỳ nhằm góp phần thu hút thêm nhiều khách du lịch đến TP.HCM”.