Đa dạng cách thu hút nguồn khách quốc tế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành du lịch cần tăng cường đẩy mạnh chiến lược thu hút nguồn khách từ những thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... trong khi chờ đón khách Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế trong tháng 1-2023 ước đạt hơn 870.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 1-2022 và gấp hơn 44 lần so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan nằm trong tốp các thị trường nguồn có lượng khách tới Việt Nam nhiều nhất nhưng một khảo sát mới đây cho thấy du khách từ các thị trường này có mức độ nhận biết khá thấp về hình ảnh Việt Nam.

Con số bất ngờ

Báo cáo "Xu hướng du lịch quốc tế của Hàn Quốc - Nhật Bản - Đài Loan" do công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company công bố cho thấy những con số bất ngờ về hành vi và tâm lý đi du lịch nước ngoài của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan trong thời gian tới.

Theo đó, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều thuộc tốp các thị trường có lượng khách đi du lịch nước ngoài cao hàng đầu thế giới. Hàn Quốc có lượng khách xuất ngoại nhiều nhất, kế đó là Nhật Bản và Đài Loan. Năm 2019, hơn 28,7 triệu người Hàn Quốc đã đi du lịch quốc tế, trong đó có 4,3 triệu khách chọn Việt Nam. Trước dịch COVID-19, năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong tốp các điểm đến hàng đầu với khách Hàn Quốc, chỉ đứng sau Nhật Bản. Một điểm chung khác của 3 thị trường trên là mức chi tiêu cho du lịch nước ngoài cao.

Đa dạng cách thu hút nguồn khách quốc tế - 1

Đoàn khách Nhật Bản đến Việt Nam du lịch thông qua công ty lữ hành Ảnh: BÌNH AN

Riêng trong tháng 1-2023, Việt Nam đón hơn 258.000 lượt khách Hàn Quốc, 34.170 lượt khách Nhật Bản và 31.334 lượt khách Đài Loan (Trung Quốc)... Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Company, cho biết đây là 3 trong số các thị trường có lượt khách đến Việt Nam nhiều và liên tục tăng trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây cho thấy du khách từ 3 thị trường này có mức độ nhận biết còn khá thấp về hình ảnh Việt Nam. Ngành du lịch đang thiếu những chiến dịch quảng bá, truyền thông tới đúng thị trường và đối tượng khách tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nguồn khách lớn nhất trước dịch COVID-19 là Trung Quốc chưa thể khôi phục trở lại.

"Các doanh nghiệp (DN) và điểm đến tại Việt Nam có thể đưa ra những hướng tiếp cận mới thu hút khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tới tham quan, cũng như quay trở lại nhiều lần trong mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 của ngành du lịch" - ông Đặng Mạnh Phước nói.

Đẩy mạnh chiến lược xúc tiến, quảng bá

Những ngày này, các DN tiếp tục đón nhiều đoàn khách quốc tế. Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết trong tuần qua đã đón và phục vụ một đoàn khách Thái Lan đến Việt Nam bằng hàng không, tham quan Đà Nẵng - Hội An. Trước đó, trong tháng 12-2022, công ty liên tục tiếp đón các đoàn khách khác cũng từ Thái Lan. "Đây là lần đầu tiên công ty phục vụ các đoàn khách Thái Lan đến Việt Nam bằng đường bay, mở ra cơ hội phát triển thị trường du lịch quốc tế ngay tại các nước châu Á" - đại diện Lữ hành Saigontourist nói.

Cùng với các thị trường mới tại châu Á, trong năm nay, Lữ hành Saigontourist sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế, tăng cường hoạt động quảng bá và khai thác các thị trường trọng điểm truyền thống tại châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và chuẩn bị đón nguồn khách từ Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến của riêng từng DN, vẫn cần chiến lược tổng thể từ quy mô quốc gia bài bản, đồng bộ cho các thị trường trọng điểm để đa dạng thị trường nguồn khách.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, khẳng định cần một chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch thường xuyên, liên tục tới những thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng. Năm 2022, Việt Nam gần như chỉ có 1 đợt xúc tiến quảng bá ở nước ngoài là nước Anh. Trong thuật ngữ xúc tiến du lịch có rất nhiều từ, bao gồm cả "chuyến đi kỹ thuật" - tức những chuyến đi thường xuyên, liên tục để "nhắc" du khách nhớ tới du lịch Việt Nam. Các chuyến đi của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch… làm việc với hiệp hội du lịch các nước, doanh nghiệp đối tác nước ngoài để cung cấp thông tin giúp họ nắm bắt tình hình, cũng là để nghe ngóng, ghi nhận, điều chỉnh chính sách.

"Sự kiện truyền thông được ví như sóng, sóng sau đè sóng trước. Nếu không luôn gợi nhớ, nhắc nhớ họ sẽ quên ngay. Những hoạt động này chúng ta đang rất thiếu. Vai trò quảng bá của các DN du lịch cũng có nhưng không nhiều vì khó khăn về tài chính và nhiều vấn đề khác. Nhiều ý kiến cho rằng DN cần đóng góp kinh phí tham gia quảng bá xúc tiến. DN đóng góp cũng hợp lý nhưng có hạn. Xúc tiến quốc gia không thể bằng ngân sách của mỗi DN, vì quốc gia có mục tiêu chung còn DN có mục tiêu riêng nên cần xúc tiến tầm quốc gia và do ngân sách chi trả, nhất là phải triển khai sớm" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh. 

Ở chiều ngược lại, cơ quan xúc tiến du lịch của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang triển khai hàng loạt chính sách quảng bá, xúc tiến để mời gọi, thu hút khách Việt đi nước ngoài.

Tại buổi họp công bố chương trình quảng bá du lịch Amazing Tour Đài Loan tại TP HCM mới đây, đại diện Cục Du lịch Đài Loan cho biết từ tháng 10-2022 đến nay, khoảng 130.000 khách Việt Nam đến vùng lãnh thổ này du lịch, vượt kỳ vọng của họ. Còn Nhật Bản, ngay sau khi mở cửa, chỉ trong tháng 12-2022 nước này đón 28.200 lượt du khách Việt. Ngành du lịch Hàn Quốc cũng liên tục phối hợp với các DN Việt Nam về quảng bá, xúc tiến để thu hút khách Việt và Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường khách phục hồi nhanh chóng của nước này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thái Phương (Báo Người Lao Động)

CLIP HOT