Chủ tịch UBND TP.HCM khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 24-5, kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường.

Chủ tịch UBND TP.HCM khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường - 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: TTBC

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng, với nhiều chuỗi lây nhiễm từ nhiều nguồn, nhiều biến chủng chưa có dấu hiệu suy giảm.

Hôm nay (24-5) là ngày thứ 10 liên tục cả nước ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3 số. Tổng số ca nhiễm từ ngày 27-4 đến nay trên 2.000 trường hợp, nhiều nhất là ở các khu công nghiệp chiếm 66,3% ca nhiễm.

Ông Phong yêu cầu từ ngày 25-5, cả công viên chức và khách đến các cơ quan công sở liên hệ công tác, làm việc phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan, đơn vị cố gắng có tổ COVID-19 để kiểm soát khách ra vào cơ quan mình.

Cùng với đó, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong việc liên quan đến phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị các quận huyện và TP Thủ Đức quan tâm, Sở Thông tin - truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ sẵn sàng cho Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 đi vào hoạt động.

Phối hợp với Sở Y tế ban hành thông cáo báo chí lúc 18h hằng ngày để cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân TP.HCM.

"Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh người dân phải chú trọng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế ra đường vì khả năng kháng thể của người lớn tuổi yếu, điển hình như trường hợp của BN 4780 ở quận 3", ông Phong nói.

Đối với Sở Y tế, ông Phong yêu cầu rà soát lại tất cả các quy trình phòng chống dịch tại các cơ sở y tế và thực hiện giãn cách trong bệnh viện, trong đó chú ý những người đi thăm nuôi người bệnh.

"Hạn chế tối đa người thăm nuôi. Nếu có trường hợp nào cần thăm nuôi thì chỉ cần 1 người thôi và cần kiểm soát một cách chặt chẽ" - ông Phong nói và cho rằng các bệnh viện cần có khu cách ly tạm thời.

Các bệnh viện cũng cần yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải cài đặt ứng dụng bluezone nếu có thiết bị di động, còn nếu không có phải áp dụng các hình thức khác. Bệnh viện nào có điều kiện thì trang bị bộ nhận diện khuôn mặt.

Riêng Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất, ông Phong yêu cầu phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giảm, tách giờ làm việc vào buổi sáng và giờ tan ca buổi chiều, nhằm giảm mật độ người làm việc quá đông trong cùng một thời điểm.

Cùng với đó, tổ chức phương án diễn tập ứng phó với tình huống dịch xảy ra tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Những phương án này không bao giờ thừa. Bởi vì 2.221 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trên cả nước bắt đầu từ ngày 27-4 thì 66,2% là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nếu xuất hiện ca nhiễm ở một doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn thì lúc đó buộc phải tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp đó, ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất và thu nhập của người lao động" - ông Phong nói.

Đối với Công an TP.HCM, ông Phong đề nghị phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức và các sở ngành rà soát lại các lao động nước ngoài được cấp giấy tờ nhập cảnh vào làm việc với các doanh nghiệp.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V (Theo Báo Tuổi trẻ)

CLIP HOT