Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng kiểm tra xâm nhập mặn vùng lúa và cây ăn trái
Sóc Trăng có hơn 6.000 ha lúa đông – xuân muộn được người dân trồng ở khu vực ngoài kế hoạch nên có thể ảnh hưởng đến năng suất khi xâm nhập mặn diễn ra gay gắt.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trò chuyện với người trồng cây ăn trái
Ngày 25/3, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại vùng cây ăn trái và trồng lúa của huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề. Ba địa phương này đều có tiếp giáp sông Hậu, riêng Trần Đề còn giáp với biển.
Hơn 6.000 ha lúa đông - xuân ngoài kế hoạch
Tại Kế Sách, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra nguồn nước được người dân lấy từ sông để bơm vào ruộng lúa, tưới cho cây ăn trái tại xã Thới An Hội. Do địa phương chủ động đo độ mặn và thông báo cho người dân qua nhóm Zalo từ xã đến ấp nên nông dân chủ động lấy nước ngọt sớm vào đồng và vườn cây ăn trái, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi.Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (trái) trao đổi với lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Kế Sách tại cánh đồng xã Thới An Hội. Ảnh: Duy Khang.
Đối với huyện Long Phú, nhiều nơi nông dân đã thu hoạch xong lúa đông – xuân, năng suất gần 7 tấn/ha. Những nơi còn lúa đang trong giai đoạn “cong trái me”, nước dưới kênh nội đồng còn ngọt do hệ thống thủy lợi khép kín. Vì vậy, nông dân vùng này rất phấn khởi khi giá lúa vẫn giữ ở mức cao.
Cách cảng Trần Đề khoảng 5 km, trà lúa đông – xuân muộn của xã Đại Ân 2 (Trần Đề, Sóc Trăng) đang giai đoạn trổ bông. Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư Huyện ủy Trần Đề cho biết nước trên đồng mặn 2,8 phần nghìn. Tuy nhiên, lúa vẫn đang xanh tốt và địa phương đang có kế hoạch rút nước mặt khỏi ruộng để lúa trổ bông xong sẽ bơm nước vào khi độ mặn ngoài sông giảm.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022 - 2023. Xâm nhập mặn năm nay có khả năng nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.
Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến ngày 1/3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu và có xu hướng ngày càng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn Long Phú – Tiếp Nhật và Kế Sách. Ranh mặn 4 gram/lít dịch chuyển thường xuyên trên địa bàn xã Nhơn Mỹ – Song Phụng gây khó khăn cho việc cung cấp nước khu vực Long Phú – Tiếp Nhật.
Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 2 - 3/2024 (độ mặn tại Đại Ngãi, Nhơn Mỹ thường xuyên ở mức trên 8 gram/lít) gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vùng Long Phú – Tiếp Nhật. Theo dự báo của cơ quan chức năng, cuối tháng 5/2024, xâm nhập mặn sẽ giảm dần.Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trò chuyện với người trồng cây ăn trái (áo xanh). Ảnh: Duy Khang.
Do làm sớm công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn ngày từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn nhằm thực hiện thắng lợi vụ đông - xuân năm nay (trên 180.000 ha). Tuy nhiên, do giá lúa đang tăng cao một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất vụ đông - xuân muộn (vụ 3) vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.
Hiện, huyện Long Phú và Trần Đề có hơn 6.000 ha lúa đông – xuân muộn được người dân sản xuất ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp. Nước ngọt vẫn còn trong hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt nhưng xâm nhập mặn rất gay gắt nên nguy cơ thiếu nước và giảm năng suất đối với lúa ngoài kế hoạch là rất cao.
900 tỷ đồng cho dự án kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã kiểm tra công trình cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.
Theo đại diện chủ đầu tư, công trình cống âu Rạch Mọp có vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, xây dựng tại huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Vị trí công trình nằm trên sông Rạch Mọp với các hạng mục công trình gồm: Cống, âu thuyền, bờ kè, nhà quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát... Nhiệm vụ của công trình là kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.220 ha đất tự nhiên trên địa bàn các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP Sóc Trăng.
Công trình cống âu Rạch Mọp cũng giúp giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích tự nhiên trên 36.000 ha trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Dự án còn làm tăng khả năng luân chuyển dòng chảy, nâng cao hiệu quả tháo chua, rửa phèn và tiêu thoát nước môi trường trong vùng dự án.Công trình âu cống Rạch Mọp có vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Ảnh: Duy Khang.
Theo kế hoạch, công trình cống âu Rạch Mọp hoàn thành công tác lắp đặt cửa van, vận hành ngăn mặn trên sông Rạch Mọp vào cuối năm 2024. Đây là âu cống có vốn đầu tư lớn nhất của Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu (900 tỷ đồng). Ngoài cống âu Rạch Mọp, dự án còn cống Mương Khai 2, cống Trà Ếch, cống Cái Trưng, cống Cau Trường và cống Trà Quýt với kế hoạch hoàn thành trước ngày 5/3/2025.
Kết thúc chuyến khảo sát tình hình xâm nhập mặn và kiểm tra công trình cống âu Rạch Mọp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương trong việc ứng phó với hạn, mặn. Ông lưu ý các địa phương cần xem ngành nông nghiệp là trụ đỡ trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Vì vậy, bên cạnh tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn thì ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần quan tâm đến những giải pháp lâu dài cho từng vùng để người dân trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp mà không bị xung đột nguồn nước mặn – ngọt.
“Hướng lâu dài là địa phương phải nghiên cứu quy hoạch rõ ràng, vùng nào trồng lúa, vùng nào trồng màu, vùng nào trồng cây ăn trái… để có nguyên một diện tích tổng thể lớn thì mới đầu tư được hạ tầng thủy lợi. Cụ thể là xây cống, nạo vét các tuyến kênh để đầu tư thành khu vực hạ tầng công cộng cho bà con dùng chung. Hiện nay có nơi trồng màu, chỗ trồng lúa, nơi thì nuôi thủy sản, cây ăn trái… nên xung đột nguồn nước. Hộ nuôi tôm muốn lấy nước mặn nhưng người trồng lúa thì không”, ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền để người dân không làm lúa ngoài kế hoạch; chuẩn bị ao, mương, liếp của gia đình để dự trữ nước ngọt để chủ động trong sinh hoạt, sản xuất. Ngành nông nghiệp và các địa phương cũng phải khuyến cáo người dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, không thể phung phí nguồn tài nguyên quý khiến nguồn nước ngọt suy kiệt.