Cần mở cửa du lịch hoàn toàn, bãi bỏ các quy định làm khó du khách
Theo các chuyên gia, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế không ảnh hưởng đến tình hình dịch trong nước, đồng thời bãi bỏ quy định cách ly và các điều kiện phức tạp khác.
Chiều 24/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế". Khách mời tham dự gồm lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), lãnh đạo các Cục, đại diện cơ quan Trung ương, lãnh đạo Sở Du lịch, hiệp hội du lịch cũng như đại diện các doanh nghiệp, hãng hàng không...
Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đạt kết quả tích cực
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, ngành du lịch đóng góp 10% vào GDP cả nước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch chịu tác động nặng, tổn thất hết sức nặng nề, bị "đóng băng", "xuống đáy".
Chia sẻ về kết quả của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ông Hùng cho biết gần hai tháng qua, có khoảng 9.000 lượt khách quốc tế tới Việt Nam và để lại những kết quả tốt đẹp. Theo Bộ trưởng, dự báo, với tỷ lệ tiêm vaccine vào top 10 thế giới, chủ trương của Thủ tướng về "chiến dịch mùa xuân tiêm chủng" đến ngày 30/3 liều vaccine thứ 3 phủ toàn dân thì đây là cơ hội để mở cửa toàn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng chương trình thí điểm đón khách quốc tế đã đạt được các mục tiêu tích cực ban đầu là đảm bảo du lịch an toàn cho du khách, là động lực tích cực cho ngành du lịch. Tuy nhiên, chương trình cũng cho thấy hạn chế trong việc thu hút du khách nghỉ dài ngày. Lý do là du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia những chương trình du lịch trọn gói tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày. Trong khi đó, du khách quốc tế lại mong muốn tự do di chuyển, lựa chọn dịch vụ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.
Mặt khác, trong giai đoạn 1, du khách cũng bị hạn chế về phương tiện đi lại khi chỉ có thể nhập cảnh qua đường hàng không. Hai loại hình là đường bộ, đường thủy cũng rất nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức du lịch ra nước ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn vì hộ chiếu vaccine của Việt chưa được công nhận ở nhiều nước.
Phú Quốc là một trong những địa phương thực hiện thí điểm đón khách quốc tế
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ nay đến 30/4, chương trình thí điểm giai đoạn hai sẽ được triển khai. Từ 1/5, du lịch sẽ mở cửa hoàn toàn ở cả 2 thị trường inbound và outbound. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra các phương án đón khách du lịch quốc tế. Theo đó, du khách phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh.
Du khách quốc tế cũng cần có chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Các địa phương đều mong mỏi mở cửa du lịch quốc tế
Tại hội thảo, đại diện Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho rằng, không chỉ Kiên Giang mà cả nước đều rất mong đợi việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Trước mắt, Kiên Giang sẽ tập trung đón khách từ một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Canada, Singapore, Trung Quốc...
Đại biểu Sở Du lịch Kiên Giang cũng có một số kiến nghị như tiếp tục thục hiện kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thuận lợi, các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ, đảm bảo an ninh, an toàn; Tạm dừng đón khách từ Cộng hòa Uzbekistan đến khi ổn định và cho phép các địa phương chủ động lựa chọn đơn vị lữ hành đón khách để thuận tiện cho công tác quản lý.
"Thời gian tới, cần có chỉ đạo thống nhất về nhập cảnh du lịch, Bộ Y tế nên ban hàng biểu mẫu khi mở cửa đón khách quốc tế", vị này chia sẻ thêm.
Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất sớm xây dựng lộ trình hiệu quả, an toàn đón khách du lịch trở lại; sớm ban hành hướng dẫn mới thí điểm đón khách du lịch, cần có quy định thống nhất cho các địa phương; sớm mở lại đường bay quốc tế; sớm thống nhất công nhận hộ chiếu vaccine; sớm miễn thị thực.
Lễ hội Khinh khí cầu vừa diễn ra thu hút đông đảo du khách tại TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết thành phố đã triển khai các chương trình du lịch liên tuyến hiệu quả, tiêm vaccine bổ sung cho người dân... Thành phố đang phối hợp các doanh nghiệp du lịch để đón đoàn khách đầu tiên trong thời gian tới.
Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định du khách có kết quả test PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Sở cũng kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch kết hợp với các ban bộ ngành liên quan để miễn thị thực cho khách quốc tế.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng có một số đề xuất, kiến nghị, trong đó mở cửa hoàn toàn từ 1/4 để có thời gian chuẩn bị phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng như hội nghị SEA Games. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ, ngành bỏ quy định cách ly với du khách đã tiêm đủ mũi cũng như là khỏi bệnh trong 6 tháng và đã test âm tính PCR. Du khách có thể thực hiện 5K, khai báo y tế đầy đủ.
Nên bãi bỏ các quy định làm khó du khách
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), cho rằng: "Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn". Theo ông Bình, việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết. Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế không ảnh hưởng gi đến tình hình dịch trong nước.
Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.
"Vậy chúng ta phải mở thế nào? Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân vì tương lai của đất nước", ông Bình kết luận.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, chương trình thí điểm mở cửa du lịch giai đoạn 1 vừa qua thành công nhưng chưa triệt để, truyền thông cần đánh giá đúng mức độ dịch tại Việt Nam và quan trọng nhất là thái độ phòng chống dịch của người dân.
Ông Vũ Thế Bình đề xuất, Việt Nam cần miễn visa cho khách du lịch, quy định kết quả test PCR âm tính 72 giờ trước khi du khách lên máy bay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch chính là người chịu trách nhiệm thực hiện những quy định trên, tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện có thể mở cửa đón khách, cần đăng ký đón khách trở lại với Tổng cục Du lịch.
Đại diện Hiệp hội cũng nhấn mạnh cần mở cửa du lịch, không cần thí điểm; Bộ Y tế cần ban hành sớm quy định rõ ràng về cách ly để khách du lịch nắm rõ và chuẩn bị. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần có chiến dịch xúc tiến du lịch mạnh mẽ, đặc biệt đến những điểm du lịch lớn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí xúc tiến. Kết quả được đánh giá bằng lượng khách đến du lịch.
Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ vấn đề khó nhất khi phát triển du lịch nội địa và quốc tế là thống nhất quy định từ trung ương, thành phố tới địa phương: từ quy định xét nghiệm; tiêm vaccine; thời gian, quy trình cách ly...
Tiếp theo, các quy định dành cho doanh nghiệp du lịch đang quá khắt khe và cần được bãi bỏ. Ngoài ra, do điều kiện du lịch khó khăn như: thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày... nên trong năm qua, ngành Du lịch chỉ đón 8.500 du lịch - con số này thực sự rất nhỏ so với trước kia. Ông Kiên đưa ra đề xuất là không nên cách ly, các điều kiện phức tạp cũng nên được lược bỏ, không cần bảo hiểm.
Theo ông, giờ là thời điểm tốt nhất để mở cửa du lịch, do đó, ông ủng hộ mạnh mẽ nên mở cửa lại càng sớm càng tốt. Ông cũng mong muốn người dân được thoải mái bay các chuyến bay thương mại mà không cần phải đáp ứng nhiều quy định đặt ra. Cuối cùng, các quy định cho doanh nghiệp cũng cần mở rộng hơn, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép du lịch, lữ hành. Điều này mang lại "hơi thở sống" cho ngành du lịch.
Ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế từ đầu tháng 2
Đại diện Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế luôn từ đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, hiện nay, một vấn đề vướng mắc với chuyến bay quốc tế thường lệ và các chuyến bay khác là ngoài chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR, trước và sau khi xuống khỏi tàu bay, du khách còn phải thực hiện test nhanh nên việc tổ chức bay sẽ rất vất vả, khách du lịch sẽ thấy rắc rối. Do đó, Bộ này đề nghị nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức test ở sân bay mà nên đưa về các địa điểm du lịch đã có cam kết để tránh tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho khách du lịch.
Ở góc nhìn của một chuyên gia về dịch tễ học, Tiến sĩ Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock cho biết, Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao, không có lý do gì phải đóng cửa. Bà Thu Anh cũng đưa ra các giải pháp như đảm bảo cho người dân được miễn dịch, tức là được tiêm vaccine, đặc biệt người có nguy cơ cao, bệnh nặng và tử vong. Thế giới đã chuyển từ việc giãn cách xã hội từ rộng sang hẹp, giữa người với người, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người nơi phòng kín.
"Các giải pháp này không ảnh hưởng đến việc mở hay đóng cửa du lịch. Chúng ta đang thích ứng an toàn, đóng cửa không làm giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Là một bác sĩ về dịch tễ học, tôi cho rằng chúng ta chỉ chờ vaccine phòng lây nhiễm chứ không thể đóng cửa mãi. Thời gian chờ vaccine lại khá lâu, nếu cứ chờ thì du lịch dễ bị xoá sổ", bà Thu Anh chia sẻ.
Theo ông Lương Hoài Nam, Việt Nam đã vào top 6 thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine, cao hơn cả Âu, Mỹ và mỗi ngày vẫn có...