ĐỌC BÁO NGÀY 26.11.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Trả lời câu hỏi liên quan đến biển Đông của đại biểu Quốc hội sáng 25-11, người đứng đầu Chính phủ đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rành rẽ và một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

ĐỌC BÁO NGÀY 26.11.2011 - 1
Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 25-11 - Ảnh: Nam Khánh

 

Biển Đông - chủ đề chưa được đề cập trong báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi bước vào phiên chất vấn trực tiếp - đã được đại biểu Quốc hội Lê Bộ Lĩnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) đặt thành câu hỏi đầu tiên với người đứng đầu Chính phủ, sáng qua 25-11.

Không nhìn vào văn bản và trả lời thẳng nội dung câu hỏi, Thủ tướng cho rằng chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với bốn nhóm vấn đề về biển Đông.

Xác định chủ quyền Hoàng Sa từ lâu

Trước hết, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Trong vịnh Bắc bộ, sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới vào năm 2000. Còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, theo Công ước luật biển, thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Từ năm 2006, hai bên đã tiến hành đàm phán, đến năm 2009 hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường còn khác xa nhau. Đầu năm 2010, hai bên thỏa thuận nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Sau nhiều vòng đàm phán, nguyên tắc đó đã được ký kết nhân dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc mới đây.

Chúng ta đang thúc đẩy cùng với Trung Quốc để xúc tiến đàm phán giải quyết phân định này. Trong khi chưa phân định, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến, và cũng trên cơ sở này ta đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm việc an ninh, an toàn trong khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta.

Thứ hai, Thủ tướng khẳng định chúng ta có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thủ tướng cho rằng chúng ta đã làm chủ thật sự ít nhất từ thế kỷ 17, khi quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Nhưng năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa.

Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý lúc bấy giờ của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm đó và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước luật biển, DOC...

Thứ ba, theo Thủ tướng, chủ trương của ta đối với thực hiện chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là nghiêm túc thực hiện Công ước luật biển, DOC và “thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta yêu cầu các bên liên quan giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này. Chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế, xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ, bao gồm cả đường sá, điện, trạm xá, trường học, nước ngọt... để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân trên quần đảo Trường Sa.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang yêu cầu đánh giá lại cơ chế, chính sách đối với đồng bào ta khai thác thủy hải sản, vận tải biển trong khu vực này. Cơ chế đã có và đang phát huy hiệu quả, nhưng cần phải sơ kết để bổ sung, khuyến khích hỗ trợ bà con làm ăn sinh sống, thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa.

Liên quan đến cam kết quốc tế, chúng ta nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước luật biển, DOC, phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, tự do hàng hải ở biển Đông. Đây là mong muốn, lợi ích của tất cả các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam vì biển Đông là tuyến đường có dung lượng từ 50-60% tổng lượng hàng hóa vận tải từ Đông sang Tây. Lập trường này của chúng ta được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Thứ tư, giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trên phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước luật biển. Chúng ta đã và tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý và thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ hơn, hiệu quả hơn đối với vùng biển này.

Vì sao cần có Luật biểu tình?

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng điều 69 của Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình, như vậy nên bắt tay nghiên cứu xây dựng Luật biểu tình.

Theo Thủ tướng, trong cuộc sống hiện nay có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho việc quản lý của chính quyền. Đã khó như thế thì cũng nảy sinh lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.

Vì vậy, Chính phủ thấy rằng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật biểu tình phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đạo luật đó cũng để đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đồng thời đạo luật đó cũng có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, lợi ích của xã hội và nhân dân.

Dừng ngay dự án khai thác trái phép

Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) và đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cùng chất vấn Thủ tướng về tình trạng khai thác quặng trái phép, không phép. Làm thế nào xuất nhập khẩu khoáng sản có hiệu quả?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình rằng: Chính phủ đã có một cuộc họp thảo luận chuyên về vấn đề này, từ đó Chính phủ kết luận chỉ đạo mấy giải pháp lớn.

Thứ nhất, yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, ngăn chặn bằng được việc khai thác khoáng sản trái phép. Không thể nói rằng việc khai thác khoáng sản trên địa bàn đó mà chính quyền không biết.

Thứ hai, Chính phủ chủ trương tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản, đồng thời rà soát các dự án đang khai thác.

Dự án nào gây ô nhiễm môi trường, khai thác trái với giấy phép, gây hư hỏng đường sá, mất an ninh trật tự thì phải dừng ngay. Việc rà soát này đi liền với bổ sung quy hoạch để quy hoạch theo hướng chế biến sâu, có hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, Chính phủ chủ trương kiểm soát xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu quặng ngay tại các dự án chứ không phải để kiểm soát ở cửa khẩu. Nếu làm đúng giấy phép nhưng xuất khẩu không có lợi, để dành chế biến sâu hơn thì cũng có giải pháp thích hợp để dừng lại. Bộ Công thương đã cho dừng xuất khẩu quặng sắt ở mỏ Quý Sa (Lào Cai).

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng thêm ngân sách để tiếp tục khảo sát, điều tra, nghiên cứu về khoáng sản của nước ta. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo với tôi rằng chúng ta mới thăm dò hơn 50% đất liền về khoáng sản, trên biển mới có hơn 1%, phải thêm kinh phí để thăm dò, để chúng ta biết chúng ta có cái gì, bao nhiêu, chất lượng, trữ lượng thế nào để hoạch định chiến lược cho phù hợp.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh: Thủ tướng cho biết quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước, trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, tất cả việc làm của mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời không hoan nghênh, buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội.


Đại biểu Quốc hội nhận xét 

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường):

Thủ tướng trả lời ấn tượng

TT - Vấn đề an ninh, chủ quyền trên biển Đông là vấn đề cá nhân tôi rất quan tâm. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tôi thấy cử tri rất quan tâm vấn đề này.

Vì vậy, tôi đã chọn để chất vấn và được Thủ tướng cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, nêu rõ quan điểm, khẳng định rõ lập trường của Chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng về các vấn đề đang tồn tại trên biển Đông. Tôi nghĩ nhiều cử tri sẽ yên tâm với việc Chính phủ đã và đang thực thi các biện pháp đủ mạnh để giữ vững chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của VN.

ĐỌC BÁO NGÀY 26.11.2011 - 2
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng
Qua hơn hai ngày chất vấn, tôi ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Ông Huệ nắm vững vấn đề, giải đáp rõ câu hỏi của đại biểu và nêu rõ quan điểm của mình. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng có lẽ do mới nhận nhiệm vụ hơn ba tháng nên chỉ đi vào những việc chi tiết, chưa nắm vấn đề một cách tổng thể.


Giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông

Trong phần báo cáo, giải trình thêm trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định tai nạn và ùn tắc giao thông là vấn đề nghiêm trọng, bức xúc. Thủ tướng đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đề cao trách nhiệm và kỷ luật kỷ cương, huy động mọi nguồn lực để thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tập trung sức kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về một con số để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm điện, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế và đề nghị Quốc hội xem xét việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp ở mức phù hợp.

Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư phát triển ba năm 2013-2015, nếu kế hoạch này được thông qua thì sau năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (2009-2013), tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500.000 tỉ đồng, gấp 2,76 lần so với năm năm 2004-2008, vượt mục tiêu nghị quyết trung ương 7 đề ra.

VÕ VĂN THÀNH

(Báo Tuổi trẻ, ngày 26.11.2011)

 

Kết thúc dự án 5 triệu ha rừng

Chiều 25-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sau 13 năm thực hiện. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia, hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện.

Quốc hội cũng yêu cầu bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng. Có giải pháp tổng thể giải quyết tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng và khai thác sử dụng rừng trái pháp luật. Trước mắt tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lương thực cho đồng bào miền núi để khắc phục nạn đốt phá rừng làm nương rẫy...

LÊ KIÊN - CẦM VĂN KÌNH ghi

(Báo Tuổi trẻ, ngày 26.11.2011)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT