ĐỌC BÁO NGÀY 10.2.2012

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VỤ “CHẶT ĐẸP DU KHÁCH”: CẦN CÓ TRUNG TÂM ĐIỀU PHỒI BẢO VỆ DU KHÁCH


Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - ông Nguyễn Hữu Thọ - cho biết hiệp hội đang đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch và các địa phương xây dựng mô hình “trung tâm du khách”, có chức năng điều phối những cơ quan có quyền hạn, trách nhiệm tham gia bảo vệ du khách. Ông chia sẻ thêm:

ĐỌC BÁO NGÀY 10.2.2012 - 1
Trật tự viên thanh niên xung phong hướng dẫn du khách qua đường tại khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

- TP.HCM sau nhiều lần đề nghị thành lập cảnh sát du lịch không thành công đã lập lực lượng bảo vệ du khách, phần nào cũng ngăn chặn được tình trạng “chặt đẹp” du khách. Nếu các địa phương làm quyết liệt thì tình trạng này sẽ hạn chế rất nhiều. Trong hội nghị triển khai chiến lược phát triển du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì diễn ra tại Quảng Ninh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN đã công khai nhắc nhở các địa phương phải quan tâm hơn và đề nghị các địa phương suy nghĩ thêm nhiều biện pháp mới để có thể đảm bảo an toàn cho du khách vì khẩu hiệu du lịch VN là một điểm đến an toàn. Hi vọng sau hội nghị này, các sở văn hóa - thể thao và du lịch sẽ có tham mưu cho chính quyền địa phương, tổng cục, bộ để có chỉ đạo chung làm sao cho tình hình tốt lên. Thực tế cho thấy khi các lực lượng bảo vệ du khách ở TP.HCM hay các địa phương khác tập trung nghiêm túc kiểm soát việc này thì tình hình giảm rõ rệt, hình ảnh du lịch VN tốt lên nhiều.

* Theo quan sát của chúng tôi tại các điểm du lịch, lực lượng bảo vệ du khách tại TP.HCM cũng không thể can thiệp, ngăn chặn được chuyện du khách bị chèo kéo, chặt chém...?

- Điều này hoàn toàn đúng. Vừa rồi trong buổi họp của Ban chỉ đạo du lịch TP.HCM, tôi có đề nghị UBND TP.HCM cần phải xây dựng mô hình “trung tâm du khách”. Nơi này không chỉ là trung tâm thông tin du lịch cung cấp tài liệu, tour tuyến, thông tin dịch vụ du lịch cho du khách mà còn là cơ quan nhà nước bảo vệ du khách, đảm bảo an ninh - trật tự cho du khách... Các nước du lịch phát triển đều có mô hình này và hoạt động rất tốt, rất hiệu quả. Trung tâm này sẽ chủ động điều phối các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan: công an, an ninh, y tế, quản lý xuất nhập cảnh.... phối hợp giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn, bảo vệ du khách. Trung tâm sẽ nhận thông báo của du khách hoặc người dân, sau đó điều phối các lực lượng có chức năng giải quyết trục trặc của du khách hiệu quả trong thời gian nhanh nhất, hoặc cùng lúc các cơ quan chức năng cùng đến để giải quyết.

UBND TP.HCM rất ủng hộ mô hình này và sẽ triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đề xuất bộ, Tổng cục Du lịch triển khai mô hình này tại các trung tâm du lịch lớn đông du khách như Nha Trang, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh...

* Chẳng lẽ lâu nay ngành du lịch không nhìn ra điều này?

- Du lịch VN thời gian qua cũng chỉ phát triển ở một chừng mực nhất định và đang từng bước hoàn thiện. Cũng không phải không nhìn ra điều này nhưng cái khó là không thể triển khai do phụ thuộc nhiều về tài chính, nhân sự... Nhưng đến nay tôi nghĩ rằng đã đủ kể cả trình độ, nguồn lực, tài chính... để triển khai mô hình này nhằm phục vụ du khách tốt hơn.

* Nhưng các doanh nghiệp lữ hành từng đề nghị đóng góp tài chính hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn cho du khách?

- Doanh nghiệp bức xúc nên cũng nhiệt tình muốn đóng góp cùng địa phương, cộng đồng... bảo vệ du khách vì họ có an toàn, an ninh thì doanh nghiệp, địa phương và cộng đồng mới có cơ hội có thu nhập trở lại khi lượng khách đến địa phương tăng thêm, chi tiêu nhiều hơn... Tôi cho rằng vẫn phải có quy định rõ ràng đóng góp bao nhiêu trên mỗi du khách để đảm bảo đủ cho chi phí này. Khi đã có quy định cụ thể này rồi, tôi tin các doanh nghiệp lữ hành sẽ ủng hộ.

LÊ NAM thực hiện

(Báo Tuổi trẻ, ngày 10.2.2012)

Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi về nạn “chặt đẹp”, làm phiền hà du khách. Có bạn đọc là nạn nhân nhưng cũng có bạn đọc góp ý kiến để chấn chỉnh tệ nạn này. Dưới đây là hai ý kiến:
* Chúng tôi, dân miền núi, một lần đến Phú Yên chơi trong dịp tết. Khi vào bãi biển có một con mương chảy ra biển rộng 3-4m, phải đi qua con mương đó mới ra được bãi du lịch. Có một cây cầu gỗ ọp ẹp bắc ngang con mương, khi chúng tôi đến có người ra thu 5.000 đồng/người mới cho qua. Chưa nói đến ra xứ biển ăn đồ biển đắt gấp nhiều lần ở Tây nguyên, chỉ thấy khó chịu khi phải trả tiền để đi qua cái cầu không khác cầu khỉ ở miền Tây bao nhiêu. Chẳng lẽ lội qua con mương để ra bãi biển? Chúng tôi đành chi mỗi người 5.000 đồng với điều kiện lượt về không được thu tiền.

NGUYỄN TRUNG HIẾU (trunghieu@...)

* Có tình trạng “chặt chém” cho thấy chính quyền sở tại không hề quan tâm, kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng, xử lý những vụ việc được báo chí và du khách phản ảnh. Có thể họ xem việc này là của Chính phủ chứ không phải trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Tại sao không giao trách nhiệm và cách chức người phụ trách nếu để xảy ra “chặt chém” trên địa bàn?
thuuhoa@...


Vẫn có những ứng xử không được văn hóa
Xung quanh câu chuyện du khách bị “chặt đẹp” khi tham quan vịnh Hạ Long, chiều 8-2 ông Hà Quang Long - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh - cho biết:
- Đây là những thông tin đáng quan tâm, chúng tôi đang cùng với các cơ quan chức năng của TP Hạ Long kiểm tra lại. Bà con cư dân ở trên biển đi lên từ những người làm ngư nghiệp thành người làm dịch vụ nên có những ứng xử không được văn hóa. Chúng ta ai cũng rất buồn và bản thân những người thực hiện các hành vi đó cũng không vui vẻ gì. Đây cũng là những vấn đề thuộc về nhận thức. Những năm vừa qua, chúng tôi đã mở nhiều lớp huấn luyện cho các thuyền viên tàu du lịch, nhân viên bán hàng tại các chợ, các quầy lưu niệm với mong muốn những việc làm đó góp phần vào tiến trình xây dựng nếp sống văn hóa. Chúng ta cứ nói đến những thứ cao xa như hiện đại hóa nhưng thực chất mà nói cử chỉ thân thiện, nụ cười hiền hòa, tình cảm đôn hậu lại có sức hút du lịch hết sức to lớn.
* Riêng đối với các bè cá, trước mắt có biện pháp cụ thể nào để hạn chế tình trạng “chặt chém” du khách không?
- Ở các làng chài cũng đã có tổ chức dân cư làng chài, các cán bộ quản lý thị trường, cán bộ ban quản lý vịnh Hạ Long tổ chức các sinh hoạt đó. Hệ thống công ty du lịch đặt tour cho khách tham quan ở đó và phải ghi rõ thỏa thuận, yêu cầu đối với các nhà hàng, khu làng chài. Tuy nhiên, việc xử lý đối với những ngư dân có hành vi “chặt chém” đó thì chúng ta phải giáo dục, thuyết phục họ dần dần. Việc giáo dục cũng là một quá trình chứ không phải nói một câu là tốt ngay lên được.
* Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có biện pháp gì để quản lý việc bán hàng lưu niệm lẻ trên vịnh. Ở đây cũng diễn ra những hoạt động “chặt chém”, dọa dẫm bị du khách phàn nàn rất nhiều?
- Đấy là một trong những hiện trạng trong việc bán hàng lưu niệm ở vịnh Hạ Long. Ban quản lý vịnh Hạ Long đã làm xong đề án, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt sao cho hoạt động này vừa đảm bảo văn minh lịch sự, vừa trở thành một nét văn hóa đẹp. Chính quyền sẽ quy hoạch đất đai, có chính sách ưu đãi để đưa họ lên bờ. Tôi nghĩ rồi sẽ phải tiến tới chấm dứt việc này.

HÀ HƯƠNG

(Báo Tuổi trẻ, ngày 10.2.2012)





Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT