Thoát khỏi cảm giác chán chường khi kỳ nghỉ lễ kết thúc
Kỳ nghỉ Tết Thống nhất kéo dài 5 ngày đã chính thức khép lại, phần lớn chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi phải quay lại với guồng quay công việc. Để lấy lại thăng bằng và cảm giác hứng thú làm việc, bạn hãy thử áp dụng những gợi ý bên dưới.
Sau những ngày bung xõa hết mình cùng "concert quốc gia", có lẽ không ít người trong chúng ta đang cảm thấy đôi chút uể oải, khó bắt nhịp trở lại. Tâm trí dường như vẫn còn vương vấn dư âm của ngày vui thống nhất khiến cho chiếc bàn làm việc thân thương bỗng trở nên "khó gần" hơn bao giờ hết. Nếu bạn cũng đang trải qua cảm giác "hậu nghỉ lễ" này, đừng quá lo lắng! Đó là một trạng thái tâm lý khá phổ biến.
Sau kỳ nghỉ lễ, việc quay trở lại bàn làm việc thật khó khăn đối với nhiều người. Ảnh: Pexels.
Theo các chuyên gia tâm lý, trạng thái này được gọi là "Nỗi buồn sau kỳ nghỉ" (Post-holiday Blues). Đây là một trạng thái phản ứng tâm lý thường gặp, đặc trưng bởi sự sụt giảm tâm trạng, mệt mỏi, khó tập trung, giảm động lực làm việc và đôi khi là cảm giác tiếc nuối những ngày nghỉ vui vẻ vừa qua.
Từ góc độ khoa học thường thức, "Nỗi buồn sau kỳ nghỉ" có thể được lý giải bởi sự tương phản tâm lý đột ngột. Trong kỳ nghỉ, chúng ta thường được giải phóng khỏi áp lực, tận hưởng sự tự do, trải nghiệm những điều mới mẻ và có nhiều thời gian thư giãn, kích thích sản sinh các hormone hạnh phúc như endorphin và dopamine.
Khi quay trở lại với thực tế công việc đòi hỏi sự kỷ luật, trách nhiệm và đối mặt với các nhiệm vụ có thể gây căng thẳng, não bộ và cơ thể cần một khoảng thời gian để điều chỉnh và thích nghi lại. Sự thay đổi đột ngột từ trạng thái "thưởng thức" sang trạng thái "nỗ lực" này chính là nguyên nhân cốt lõi gây ra cảm giác hụt hẫng.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thay đổi lịch trình sinh hoạt, giấc ngủ bị xáo trộn trong kỳ nghỉ, hoặc sự mệt mỏi còn sót lại từ những lần vui chơi cũng góp phần làm gia tăng cảm giác này.
Sự thay đổi đột ngột của cảm xúc sau kỳ nghỉ lễ chính là nguyên nhân chính dẫn đến tâm trạng chán chường làm việc. Ảnh: Narith's Images.
Vậy làm thế nào để cảm xúc buồn chán này nhanh chóng qua đi dễ dàng? Hãy tham khảo 7 phương pháp sau đây nhé!
1. Chấp nhận thực tế
Hầu hết chúng ta đều khó chấp nhận thực tế kỳ nghỉ đã qua đi, bởi lẽ điều này có nghĩa chúng ta sẽ phải quay về với công việc bận rộn, từ đó nảy sinh tâm lý chán chường.
Để vượt qua tâm trạng ủ dột này, chúng ta cần phải đối mặt và học cách chấp nhận hiện thực phũ phàng: hết lễ rồi! Hãy nhớ rằng cuộc vui nào rồi cũng sẽ có lúc tan, đó là một quy luật bất biến của cuộc sống, khi ấy bạn sẽ cảm thấy tích cực hơn để bắt tay vào làm việc thật năng suất.
Kỳ nghỉ dài ngày đã kết thúc, đó là thực tế! Ảnh: Hasloo.
2. Lập kế hoạch công việc
Hãy kiểm tra lại mọi dự định và xây dựng bản kế hoạch công việc cho năm mới. Khi viết ra những điều này, bạn sẽ cảm thấy hứng thú và có động lực để làm việc tốt hơn. Đặc biệt, hãy hình dung trong đầu những kết quả tích cực sẽ đạt được khi hiện thực hóa các nội dung trong kế hoạch, từ đó, bạn sẽ cảm thấy trong mình tràn đầy năng lượng và sự phấn khởi để bắt đầu một tuần làm việc thành công.
Một kế hoạch làm việc rõ ràng, chi tiết sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất làm việc trong tuần sau kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Getty Images.
3. Điều chỉnh tâm trạng
Buổi sáng trước khi đi làm, hãy ưu tiên thực hiện những việc khiến bạn cảm thấy yêu đời, chẳng hạn như đọc một quyển sách bạn thích, nghe một bản nhạc có giai điệu và ca từ dí dỏm hay bất cứ việc gì khiến tâm trạng bạn phấn chấn. Khi tâm trạng vui vẻ, thoải mái thì làm việc mới đạt hiệu quả cao.
Một bản nhạc có giai điệu sôi nổi sẽ giúp tâm trạng phấn khởi hơn. Ảnh: Siriwannapat.
4. Mặc trang phục yêu thích
Việc lựa chọn mặc trang phục bản thân yêu thích sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và thích đi làm hơn. Hãy ưu tiên chọn những bộ trang phục thoải mái, phù hợp với điều kiện khí hậu, có thể kết hợp một chút phụ kiện điệu đà cho trang phục thêm bắt mắt. Khởi đầu một tuần làm việc mới với phong cách ăn mặc tinh tế sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng tích cực.
Trang phục đi làm thoải mái, hợp "gu" sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin khi quay trở lại guồng công việc. Ảnh: Pexels.
5. Đến văn phòng sớm
Lợi ích của việc này là giúp bạn cảm thấy không bị áp lực hay cập rập với việc phải đi làm đúng giờ, nhất là sau quãng thời gian nghỉ lễ có phần buông thả đã khiến bạn mất đi tính kỷ luật. Đến văn phòng sớm hơn thường lệ sẽ cho phép bạn có nhiều thời gian để bản thân thích nghi trở lại với guồng quay công việc. Bạn có thể nhâm nhi cà phê sáng, đọc tin tức, tranh thủ sắp xếp lại bàn làm việc… để chuẩn bị cho ngày đi làm thật năng suất.
Chiếc bàn làm việc ngăn nắp, gọn gàng sẽ là chất xúc tác hữu hiệu giúp tinh thần làm việc thăng hoa hơn. Ảnh: Getty Images.
6. Xử lý từng việc một
Những ngày đầu đi làm trở lại là lúc bạn ưu tiên xử lý những công việc còn tồn đọng trước khi nghỉ lễ. Khi ấy, việc giải quyết quá nhiều công việc một lúc sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải và căng thẳng, qua đó, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công việc.
Hãy tập trung làm từng việc một, ưu tiên hoàn thành những việc đơn giản để bản thân lấy lại nhịp làm việc, qua đó, nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc.
Ưu tiên xử lý các đầu việc không đòi hỏi quá nhiều chất xám sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc trở lại. Ảnh: Getty Images.
7. Trò chuyện với đồng nghiệp
Một ngày làm việc dài sau kỳ nghỉ lễ sẽ dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Vì thế, hãy tranh thủ những phút giải lao để trò chuyện với các đồng nghiệp về những niềm vui ngày lễ mà bạn đã trải qua. Việc này không chỉ khiến bạn cảm thấy vui vẻ mà còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp hiệu quả hơn, cùng nhau thắt chặt tình đoàn kết để hướng đến một tuần mới hứng khởi.
Tranh thủ trò chuyện với đồng nghiệp trong giờ giải lao để làm quen lại với không khí công sở cũng là một điều nên làm. Ảnh: Seventy Four.

Để đảm bảo sự trang nghiêm và an toàn trong dịp chiêm bái xá lợi Phật tại chùa Thanh Tâm (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh,...